Đường bộ

Giá xăng 6 lần tăng, cước vận tải ra sao?

12/09/2023, 06:41

Dù giá xăng dầu tăng 6 kỳ điều chỉnh liên tiếp nhưng giá cước vận tải đến nay vẫn không đổi. Nhiều doanh nghiệp vận tải cố gồng mình chịu trận nhưng cũng không ít phải bán bớt xe, tìm cách xoay xở qua giai đoạn khó khăn.

Xăng tăng, cước vận tải đứng yên

photo-1694456248069

Giá xăng dầu liên tục tăng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải tìm đủ cách tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất. Ảnh: Tạ Hải.

Bộ Công thương công bố điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều 11/9, trong đó giữ nguyên với mặt hàng xăng và tăng nhẹ với dầu. Theo đó, các loại xăng giữ nguyên so với kỳ điều hành trước: Giá xăng RON 95-III ngưỡng 24.871 đồng/lít; xăng E5 RON 92 ngưỡng 23.471 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 410 đồng, lên 23.055 đồng/lít...

Dù kỳ điều hành này giá xăng vẫn giữ nguyên, còn giá dầu tăng nhẹ nhưng nếu tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 6 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Trước kỳ điều hành chiều 11/9, đã có 6 lần giá xăng dầu tăng liên tiếp. So với thời điểm đầu năm, giá xăng E5 RON92 đã tăng khoảng 2.200 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng khoảng 2.700 đồng/lít.

"Giá xăng dầu biến động liên tục, kỳ điều chỉnh này tăng nhưng kỳ sau có thể lại giảm, dẫu vừa qua đã tăng 6 kỳ liên tiếp nhưng mức tăng cũng chưa cao so với thời điểm tăng kỷ lục vào năm 2022. Trong khi đó, việc điều chỉnh, kê khai giác cước vận tải cần rất nhiều thủ tục nên hiện doanh nghiệp vẫn nghe ngóng, chưa tăng giá", ông Bằng nói.

Đại diện hãng xe Vân Anh (chuyên tuyến Hà Nội – Thanh Hoá) cũng cho biết, hiện giá vé tuyến vẫn giữ ở mức 250.000 đồng/cabin. "Rất khó để đơn vị vận tải thay đổi giá cước theo biến động của giá xăng dầu. Hơn nữa, việc tăng giá vé thời điểm hiện nay cũng sẽ tăng thêm gánh nặng cho người dân trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn", vị đại diện này chia sẻ.

Phía doanh nghiệp vận tải khách du lịch, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại du lịch và vận chuyển khách Tình Nghĩa cho biết, dù giá cước mỗi chuyến đi do đơn vị chủ động làm hợp đồng với hành khách dựa theo cung đường di chuyển, không cần phải kê khai giá cước với cơ quan quản lý, song đợt này, công ty cũng không tăng giá vận tải.

"Tính cạnh tranh trong mảng vận chuyển khách du lịch rất cao, nếu tăng giá vận chuyển mà đơn vị khác không tăng sẽ khó thu hút hành khách", ông Nghĩa cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cũng cho biết, hiện giá cước các hãng taxi cũng chưa có biến động, vẫn duy trì mức giá ở thời điểm giá xăng 23.000 đồng.

"Việc thay đổi giá cước đối với các hãng xe taxi tốn rất nhiều chi phí, thời gian, không chỉ là thủ tục kê khai giá cước mà còn phải cài lại cách tính giá cước trên đồng hồ, kiểm định lại đồng hồ,…tốn kém hàng trăm triệu đồng", ông Hùng nói và cho rằng, giá xăng dầu biến động liên tục, nếu mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp lại phải chạy theo thì không trụ được. 

Tìm mọi cách xoay xở

Ở mảng vận tải hàng hoá, chủ một doanh nghiệp logistic ở Hải Phòng cho biết, do nhu cầu vận tải thấp, nhiều tháng nay, đơn vị dù đã bán đến 80% phương tiện, chỉ vận hành 10 xe container nhưng cũng không đủ việc để làm.

Ông Trịnh Hoàng Sơn, đại diện Công ty TNHH MTV Vận tải Lan Sơn (TP Cần Thơ) cho biết: "Tôi đang muốn bán bớt một nửa xe chứ không thể nào gồng nổi nữa. Công ty có gần 60 chiếc container, mỗi tháng chi phí hơn 3 tỷ đồng tiền dầu. Chi phí vận chuyển không thể muốn tăng là tăng, đối tác họ đâu có chịu", ông Sơn nói.

Thậm chí, đại diện nhà xe cô Hai chạy tuyến TP.HCM – Gia Lai cho biết, dù xăng dầu tăng liên tiếp nhưng trong thời điểm làm ăn khó khăn, để thu hút hành khách, từ đầu năm đến nay nhà xe liên tục giảm giá vé.

Không phàn nàn về việc giá xăng dầu tăng, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc điều hành hãng TaxiVinasun cho biết: "Doanh nghiệp cố gắng đến chừng nào hay chừng đó và chia sẻ với xã hội, cố gồng mình vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Trong khi đó, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM cho biết: "Xăng tăng, mọi chi phí tăng nhưng để giữ khách hàng, nhiều doanh nghiệp phải giảm giá thành vận tải, giảm giá cước".

Một chuyên gia giao thông cho rằng, do xăng dầu được điều chỉnh theo các kỳ điều hành, diễn biến liên tục nên cũng rất khó để Nhà nước có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải một cách cụ thể. Bởi thế, chính các doanh nghiệp phải tìm cách để vượt qua khó khăn bằng chính thực lực của mình.

Tìm đến xe điện để bớt phụ thuộc xăng dầu

photo-1694456249571

Nhiều doanh nghiệp vận tải phải tính toán để siết chặt công tác quản lý, giảm tối đa chi phí vận hành để phục vụ hành khách tốt và vẫn có lợi nhuận (ảnh minh họa).

Chủ hãng xe Sao Việt Đỗ Văn Bằng cho biết, giá nhiên liệu chiếm từ 30 – 40% chi phí vận tải. Vì thế, nếu xe xuất bến, lượng khách không đạt từ 50-60% số ghế trên xe thì chuyến đi ấy coi như lỗ.

Do đó, đơn vị phải tính toán để siết chặt công tác quản lý, giảm tối đa chi phí vận hành, giao trách nhiệm cho bộ phận điều hành tuỳ thuộc vào lượng khách, tần suất chuyến đi để thực hiện dồn chuyến nếu lượng khách thấp. Tuy nhiên, với những chuyến có giờ xuất bến cách xa nhau thì dù chỉ có vài khách vẫn phải chạy để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, so với năm ngoái, đến nay, lượng khách đi taxi đã giảm tới 40%. Nguyên nhân là do mảng vận tải taxi hiện nay đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi loại xe đi ghép, xe tiện chuyến gom khách lẻ, xe limousine, kinh doanh vận tải nhưng núp bóng xe cá nhân.

"Hiện các hãng taxi không còn cách nào khác là hoạt động cầm chừng, chuyển đổi theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quản lý điều hành, giảm nhân sự để tinh gọn bộ máy", ông Hùng nói.

Không tăng giá vé để tạo sự cạnh tranh, chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí không lợi nhuận để duy trì uy tín thương hiệu, song Giám đốc Công ty Tình Nghĩa Lê Trọng Nghĩa cho biết, việc vay vốn đầu tư phương tiện hiện rất khó khăn. Vì thế ông mong các ngân hàng có cơ chế riêng cho các đơn vị vận tải. "Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc trả lãi ngân hàng. Hầu hết các nhà xe đều vay vốn để đầu tư", ông nói.

Đại diện hãng xe Vân Anh (chuyên tuyến Hà Nội – Thanh Hoá) cho biết, cách đây 3 tháng, hãng xe này đã đưa 40 chiếc xe điện Vinfast Vfe34 vào hoạt động dịch vụ xe trung chuyển miễn phí hành khách từ bến xe Nước Ngầm và bến xe phía Bắc Thanh Hoá về các điểm ở nội thành Hà Nội và Thanh Hoá, thay thế cho loạt xe chạy xăng trước đây.

"Sự chuyển đổi này của đơn vị nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng vì xe mới, chạy điện không mùi, không bụi, không tiếng ồn. Ngoài ra, cũng giúp đơn vị giảm bớt áp lực mỗi khi biến động giá xăng dầu, giảm chi phí vận hành", đại diện hãng xe này nói thêm.

Tuy nhiên có thể thấy, việc đầu tư xe điện vào hoạt động vận tải như doanh nghiệp trên vẫn còn hiếm. Vì thế, một khi giá xăng dầu tăng, phần lớn các doanh nghiệp vận tải vẫn còn bị ảnh hưởng lớn. 

Không để hàng hoá "té nước" theo theo giá xăng

Báo cáo tháng 8 năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2023 tăng 0,78% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 3,28%, tác động tăng 0,12 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,48%, tác động tăng 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.

Đặc biệt, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2023 tăng 3,85% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu chủ yếu được chỉ ra là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào các đợt: 1/8, 11/8 và 21/8/2023 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; giá dầu diezel tăng 15,9%.

Chuyên gia Phạm Thế Anh (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, hiện nay các biến số về năng lượng, giá lương thực thực phẩm và giá xăng dầu... chính là những nhân tố tiềm ẩn, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ để tránh tác động đến lạm phát.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu, hạn chế tình trạng giá cả "té nước" theo giá xăng dầu để trục lợi. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.