Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch tuần qua (6-10/11), giá nhóm năng lượng trên các sở thế giới giảm mạnh.
Giá dầu WTI giảm 4,1% xuống 77,17 USD/thùng; Giá dầu Brent giảm 4% xuống 81,43 USD/thùng. Đặc biệt, trong tuần, có thời điểm giá dầu thô thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 đến nay.
Đây là tuần thứ 3 liên tiếp giá dầu thô lao dốc, với mức giảm hơn 6% ở tuần gần nhất.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá giảm trong tuần qua chủ yếu do lo ngại nhu cầu sẽ giảm ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, sau các số liệu kinh tế tiêu cực.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tiêu thụ xăng dầu của nước này sẽ bị giảm 300.000 thùng/ngày trong năm 2023, trái ngược với mức dự báo tăng 100.000 thùng/ngày trước đó.
Trong khi đó, cho tới nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn dầu thô nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước.
Hiện, trong nước đã chủ động sản xuất được khoảng 75-80% tổng sản lượng xăng dầu tiêu thụ nhờ 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và Dung Quất (BSR). Song, với nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải nhập khẩu 100% dầu thô từ Kuwait và Dung Quất phải nhập khẩu 20-30% xăng dầu từ bên ngoài do sản lượng dầu thô trong nước suy giảm (Dung Quất được thiết kế để vận hành tối ưu với nguyên liệu 100% dầu Bạch Hổ).
Do đó, với mức giảm của giá dầu thô thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá trong nước cũng sẽ giảm mạnh. Ước lượng, mỗi lít xăng có thể giảm từ 400-500 đồng, còn dầu giảm từ 400-900 đồng.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng sẽ quay đầu giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp và giá dầu tiếp tục giảm phiên thứ 2.
Trước đó, tại phiên điều hành ngày 1/11, giá mặt hàng xăng đồng loạt tăng. Mỗi lít xăng RON 95-III tăng 416 đồng, lên mức 23.929 đồng; Xăng E5 RON 92 tăng 249 đồng, lên 22.614 đồng.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel có giá 21.940 đồng một lít, giảm 549 đồng. Dầu hỏa còn 22.305 đồng/lít, giảm 448 đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận