Sau gần 3 tháng thí điểm, hình ảnh những chiếc xe đạp công cộng màu xanh trên các tuyến đường quận 1, TP.HCM không còn xa lạ với người dân.
Ghi nhận thực tế của PV tại các trạm trên đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Duẩn,… (quận 1), mỗi trạm có khoảng 20 chiếc xe được dựng ngay ngắn trên các vỉa hè.
Nhiều người bắt đầu quen với xe đạp
Hầu hết đối tượng khách hàng thuê xe chủ yếu là giới trẻ và người cao tuổi. Thời gian khách thuê nhiều vào buổi sáng và chiều tối, cao điểm nhất là khung giờ từ 17h đến 20h. Riêng đối với khoảng thời gian từ 9h đến 16h, nhu cầu thuê xe thấp hơn, chỉ lác đác vài chiếc.
Nhu cầu thuê xe tăng cao chủ yếu vào buổi sáng và chiều tối.
Anh Quân - nhân viên văn phòng tại quận 1 cho biết, xe đạp là sự lựa chọn phù hợp đối với mọi người khi vừa tốt cho sức khoẻ vừa tiết kiệm.
“Từ khi biết đến dịch vụ xe đạp công cộng tôi sử dụng để đi làm. Nhà tôi ở quận 3, mỗi sáng tôi đi bộ đến trạm ở Tao Đàn lấy xe, rồi đi đến trạm trên đường Nguyễn Huệ gần công ty để trả xe. Mỗi lượt đi như vậy, tôi mất khoảng 5 nghìn đồng tiền phí thuê xe”, anh Quân chia sẻ và cho biết đã có sự thay đổi trong việc thuê xe.
Trước đây giới hạn về thời gian thuê, tức là thuê từng giờ, nhưng nay chủ đầu tư hình như đã bỏ cách tính theo giờ mà tính theo giới hạn tiền có trong tài khoản. Khi nào trong tài khoản hết tiền, hệ thống sẽ khoá App và không đi được nữa.
Anh Quân - nhân viên văn phòng lựa chọn xe đạp công cộng để đi làm nhằm rèn luyện sức khoẻ và tiết kiệm khi xăng tăng giá.
Tương tự, chị Hoàn Vinh dù sinh sống ở Hà Nội nhưng khi biết đến dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM cũng rất háo hức trải ngiệm.
“Trước đó tôi có thấy báo chí đưa tin về dịch vụ xe đạp công cộng. Vì sống và làm việc ở Hà Nội, nên khi có dịp công tác trong Sài Gòn, tôi đã tranh thủ trải nghiệm về loại hình dịch vụ này”, chị Vinh nói về sự hào hứng của mình.
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, chị thấy nhà đầu tư cần chú trọng hơn về chất lượng của xe để khách thuê được thoải mái hơn khi sử dụng.
“Thuê xe và đạp vui trong vòng 30 phút thì tạm ổn, nhưng nếu đi lâu thì sẽ khiến người thuê không thoải mái do yên xe quá cứng. Thứ hai nữa là vòng đạp của xe khá nặng và dễ khiến mình bị mỏi chân nếu đạp một quãng đường xa”, chị Vinh chia sẻ.
Theo phản ánh của người dùng, nhà đầu tư cần chú trọng hơn về chất lượng của xe để khách thuê được thoải mái hơn khi sử dụng.
Tiếp tục mở rộng ra thêm các quận khác
Ngoài ra, cũng theo một số khách hàng phản ánh, việc nạp tiền vào tài khoản còn bị hạn chế đối với nhiều người khi không sử dụng các cổng thanh toán Momo, ZaloPay, VTCPay.
“Chúng tôi phải loay hoay cả gần 1 tiếng mới có thể nạp tiền vào tài khoản, rất mất thời gian vào khâu này. Nhà đầu tư cần bổ sung thêm những phương thức phổ biến khác như nạp thẻ, liên kết ngân hàng để thuận tiện cho người dân hơn”, một người thuê xe đạp phản ánh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Bá Dân – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam cho biết, sắp tới công ty sẽ mở rộng hình thức liên kết với ứng dụng TNGO để người dân có thể dễ dàng kết nối và thanh toán tiện lợi hơn.
“Đối với 3 cổng thanh toán trên, riêng với VTCPay cho phép người dùng có thể nạp trực tiếp từ thẻ ngân hàng.
Tuy nhiên, có thể do người dùng chưa quen nên còn nhiều bỡ ngỡ với phương thức này, chúng tôi dự kiến sẽ bổ sung, mở rộng phương thức nạp tiền vào tài khoản”, ông Dân nói.
Người dùng muốn thuê xe đạp phải cài đặt ứng dụng TNGO về điện thoại rồi đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại. Có thể nạp tiền vào tài khoản thông qua các cổng thanh toán Momo, ZaloPay, VTCPay.
Chia sẻ thêm về tình hình hoạt động của xe đạp công cộng, ông Dân cho biết, từ khi khai trương dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM đến nay, theo thống kê trên hệ thống đã có gần 108.000 lượt đăng kí qua App TNGO, trung bình là 1.210 tài khoản đăng ký mới/ngày.
Theo đó, hành khách đã thực hiện 131.000 chuyến đi, trung bình gần 1.500 chuyến/ngày với tổng quãng đường đi được ước tính khoảng 600.000 km, trung bình đi 6.680 km/ngày (xấp xỉ 4,5 km/chuyến).
Ông Dân cho biết công ty cũng mới làm xong sơ kết và đề xuất thành phố cho phép mở rộng qua các quận lân cận như: quận 2, 3, 5, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình,… Nếu được đồng ý, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai sau 1, 2 tháng nữa.
Được biết, nhà đầu tư là Tập đoàn Trí Nam sẽ bố trí 500 xe đạp phân bổ 43 vị trí. Khách hàng sử dụng App TNGO để thực hiện các cuốc xe với giá thuê xe 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Dịch vụ thuê xe cũng hoạt động 24/24h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận