Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
Người dân chịu tác động kép
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng tổng cộng 11 lần, giảm 3 lần, tương đương với mức tăng từ 32,26-54%. Dự báo, giá xăng dầu trong nước còn tiếp tục tăng. Theo ông, điều này sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế và đời sống người dân?
Với tỷ lệ tăng 32,26%, giá xăng dầu sẽ tác động làm CPI tăng 1,16%, chưa kể tác động vòng 2, đối với các ngành sử dụng xăng dầu, tổng chi phí của nền kinh tế tăng thêm 1,1355%.
Đối với một số lĩnh vực kinh tế sử dụng nhiều xăng dầu, khi giá xăng dầu tăng sẽ đẩy giá thành sản phẩm của những ngành này tăng. Từ đó, tác động mạnh đến khả năng cạnh tranh, mặt bằng giá thị trường và khả năng phục hồi sau dịch bệnh…
Đề xuất dùng chính sách an sinh cũng có thể áp dụng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng quá cao. Tuy nhiên, hỗ trợ ở mức độ nào thì cần tính toán dựa trên cân đối ngân sách, làm sao để hài hòa việc “đã giảm thu còn tăng chi” để trợ giá. Nói cách khác, việc này sẽ phụ thuộc vào mức độ chịu đựng của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh
Cụ thể, nếu giá xăng dầu tăng 32,26% thì giá thành vận tải ngành ô tô sẽ tăng khoảng 11,29-12,90%, giá thành sản phẩm ngành thủy sản đánh bắt xa bờ tăng khoảng 16,13-19,356%; than tăng khoảng 12,90%.
Đối với các hộ gia đình, không chỉ tăng thêm chi tiêu cho việc đi lại hàng ngày, mà còn bị tác động kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng thêm.
Theo ông, giải pháp nào để hạn chế tác động từ giá xăng dầu tăng cao?
Giải pháp trước mắt và lâu dài là cả Nhà nước, các ngành, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện quyết liệt chiến lược sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hợp lý, gắn với giảm suất tiêu hao xăng dầu trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu suất sử dụng xăng dầu thông qua các biện pháp cụ thể.
Đó là, điều chỉnh cơ cấu sản xuất tiêu dùng, trong đó đối với sản xuất là điều chỉnh cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên xây dựng những ngành kinh tế sử dụng nhiên liệu ít và ít sử dụng nhiên liệu.
Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng khác có thể thay thế được, mà nước ta có lợi thế như: Nhiên liệu sinh học, khí đốt, năng lượng tái tạo…
Các cơ quan Nhà nước cần đặc biệt chú trọng việc chống lãng phí trong sử dụng xăng dầu thông qua việc xây dựng, quản lý các định mức tiêu hao hợp lý.
Còn các hộ tiêu dùng xăng dầu khác cũng cần tính toán sử dụng linh hoạt các phương án tiêu dùng phù hợp và có lợi nhất.
Ngoài những giải pháp tự thân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ, gỡ bỏ các rào cản hành chính không hợp lý, bình ổn giá.
Có thể dùng quỹ an sinh để hỗ trợ
Giá xăng đã tăng cao so với thời điểm từ đầu năm 2022
Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế, quan điểm của ông thế nào?
Việc điều hành, bình ổn giá xăng dầu và hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội là chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định tại Nghị quyết 499 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 9 của UBTVQH khóa XV.
Cá nhân tôi đồng thuận với chủ trương trên.
Đây cũng là cách làm năm 2008, khi giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ đã quyết định sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân khai thác hải sản trên biển. Hoặc hiện nay, Chính phủ đang hỗ trợ tiền điện (điện sinh hoạt) hàng tháng cho hộ nghèo, hộ chính sách…
Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 7/6, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao, hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao, trong đó có giá xăng dầu, cần sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp đỡ cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế giảm bớt khó khăn.
“Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh. Thông qua việc hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân vươn khơi bám biển”, ông Diên nói.
Trên thế giới đã có những quốc gia nào thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khi giá xăng dầu tăng cao?
Để giảm thiểu những tác động bất lợi do giá xăng dầu tăng cao, nhiều nước lựa chọn cách kiềm chế thông qua nhiều biện pháp như: Giảm thuế, sử dụng kho xăng dầu dự trữ…
Nhưng nhiều nước cũng đã áp dụng chính sách trợ giá, trợ cấp cho người tiêu dùng xăng dầu với các cách làm và phạm vi, mức độ khác nhau.
Cụ thể như Pháp trợ giá 0,16 USD cho mỗi lít nhiên liệu vận tải; Malaysia trợ giá để giữ giá bán lẻ ngưỡng 0,47 USD/lít cho người dân bản địa; New Zealand giảm một nửa giá vé hành khách của phương tiện giao thông công cộng; Hà Lan trợ cấp một lần khoảng 800 USD/hộ gia đình có thu nhập thấp; Philippines chi 60 triệu USD trợ cấp cho giao thông công cộng…
Từ cách áp dụng các biện pháp trợ cấp của các nước trên, nếu tiềm lực ngân sách dồi dào, chúng ta hoàn toàn có thể làm được như họ.
Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp trợ cấp trực tiếp, phải đảm bảo tính kịp thời về thời gian. Thủ tục xét duyệt, cấp phát phải đơn giản, cách làm phải công khai, công tác kiểm tra giám sát phải chặt chẽ để tránh bị “xà xẻo”…
Theo ông, nguồn tiền để hỗ trợ lấy ở đâu? Làm thế nào để việc hỗ trợ đúng đối tượng, tránh thất thoát, tiêu cực?
Tôi nghĩ, nguồn tiền hỗ trợ được tính toán trên cơ sở ngân sách trung ương phân cho các địa phương.
Để hỗ trợ tiền trực tiếp cho các đối tượng yếu thế, ngành LĐ, TB&XH phải kết hợp ngay với địa phương thực hiện giải ngân.
Chính quyền cấp xã sẽ lập danh sách người được hỗ trợ và tổ chức chi tiền hỗ trợ trực tiếp theo danh sách đảm bảo công khai, minh bạch, trên cơ sở có sự giám sát chặt chẽ của đại diện các tổ chức như thanh tra nhân dân, mặt trận Tổ quốc…
Đối với danh sách hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp phải được lập theo các tiêu chí về hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Còn đối với các chủ tàu khai thác trên biển phải thỏa mãn điều kiện: Có ra khơi đánh bắt, có bảo hiểm (tàu và thuyền viên), có đăng kiểm, có đăng ký lưu hành phương tiện đánh bắt hải sản theo quy định.
Ngành tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, hạch toán dòng tiền hỗ trợ…
Được biết, các nước đều tính cơ cấu giá theo biến động giá thế giới và khác nhau ở chỗ áp các mức phí, thuế. Hiện, cơ cấu giá của Việt Nam có bất cập gì không, thưa ông?
Nhiều nước trên thế giới áp dụng giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới, điều này phản ánh được biến động hàng ngày của giá thị trường.
Việt Nam cũng thực hiện nguyên tắc giá xăng dầu vận động theo giá thị trường thế giới, nhưng lại phản ánh giá biến động theo chu kỳ 10 ngày, lấy giá thế giới bình quân của chu kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau.
Điều đó dẫn đến giá trong nước luôn “lệch pha” với giá thị trường thế giới. Đây là bất cập lớn nhất cần phải được sửa đổi theo cách làm của thế giới.
Cảm ơn ông!
11 lần tăng giá xăng dầu từ đầu năm
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 11 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 7.694 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.071 đồng/lít lên mức 30.230 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.
Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15h ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 25.340 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu diesel lên 26.390 đồng một lít, tăng 840 đồng. Dầu mazut là 20.900 đồng một kg, tăng 310 đồng.
Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. Tổng cộng giá xăng RON 95 đắt thêm 4.260 đồng/lít, E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.760 đồng/lít.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận