Giờ đây, Lê Quốc Dũng mong muốn có được gia đình nhỏ sau khi đã làm được giấy khai sinh, căn cước công dân và hộ khẩu
Khó khăn còn đó
Trung tuần tháng 6, Lê Quốc Dũng (SN 1991, trú ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) trở về căn phòng trọ nhỏ xíu trong tít cùng của dãy trọ với tập hồ sơ xin việc trên tay. “Em chưa xin được việc”, Dũng nói, nhưng khuôn mặt vẫn vui vẻ.
Rót cốc nước lọc mời khách trong căn phòng trọ chưa đầy 12m2 tuềnh toàng, đồ đạc giá trị nhất là chiếc quạt điện cũ đã rơi lồng bảo vệ bên ngoài, Dũng giải thích về thái độ của mình ban nãy, rằng dù chưa xin được việc nhưng vẫn cảm thấy vui vì đây là lần đầu tiên được cầm bộ hồ sơ đi xin việc.
“Trước đây, em không có giấy khai sinh, không có hộ khẩu, chả có chứng minh thư thì làm sao em có thể xin học nghề, có thể làm nổi một bộ hồ sơ xin việc. Hồi ấy, chẳng có bất cứ công ty, tổ chức nào dám nhận em vào làm việc. Em chỉ có thể làm “chui” những công việc thời vụ, như rửa bát, rửa xe, bốc vác, mỗi nơi vài ngày”, Dũng kể.
Tháng 3/2021, Dũng được cấp giấy khai sinh. Một tháng sau đó, Dũng được anh Nguyễn Thái Bình (45 tuổi, trú phường Việt Hưng) - người vẫn hỗ trợ Dũng những năm gần đây đồng ý cho Dũng nhập khẩu vào gia đình anh. Từ đó, Dũng chính thức được định danh, có một nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hợp pháp.
“Có giấy khai sinh, có hộ khẩu, em muốn thử sức xin một công việc chính danh, nên xin nghỉ làm bảo vệ ở chỗ anh Bình xin giúp rồi làm hồ sơ xin việc. Nhưng đúng lúc ấy thì dịch Covid-19 đợt thứ 4 xảy ra, công việc thực sự khó khăn hơn, nên hiện em chưa xin được việc”, Dũng kể.
Chưa xin được việc, nên Dũng chi tiêu hết sức dè sẻn. Khoản tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng/tháng là món chi lớn nhất, còn hàng ngày, Dũng ăn uống hết sức dè sẻn với hy vọng, mấy triệu tiền lương tích cóp lại từ ngày đi làm bảo vệ đủ cho cậu sinh sống qua ngày, đến khi tìm được việc mới. Còn nếu vẫn chưa tìm được việc mới, Dũng bảo sẽ tạm quay lại công việc thời vụ của mình.
“Em mồ côi từ nhỏ, nên khó khăn thế nào cũng phải xoay xở thôi”, Dũng nói.
Mong có một mái ấm gia đình
Căn phòng 12m2 là nơi Dũng đang sinh sống
Dũng bị bỏ rơi từ lúc mới chào đời. Bà K.T.M (trú tại phường Trúc Bạch, quận Tây Hồ, Hà Nội) tốt bụng đã nhặt anh về nuôi dưỡng nhưng cuộc sống khốn khó khiến mẹ nuôi... quên, không làm giấy khai sinh cho anh.
Theo lời Dũng, nhiều năm sống ở nhà bà M., anh chỉ được đi học dự thính hết lớp 5. Sau khi bà M. mất, năm 2014, Dũng rời đi và không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Anh Nguyễn Thái Bình - người cho Dũng nhập khẩu về gia đình mình kể, Dũng là chàng trai chân thành, tử tế, thường tham gia các công việc tình nguyện như nấu ăn, chăm sóc người đau ốm...
Năm 2017, một lần đi từ thiện, anh tình cờ gặp Dũng cùng tham gia. Sau chuyến đi đó, anh biết được hoàn cảnh vô cùng khó khăn của Dũng, nên đã nhận Dũng vào làm việc ở Ban Quản lý một chung cư ở quận Long Biên.
“Khi được nhận vào làm Dũng vui lắm, bởi Dũng không có giấy tờ tùy thân nên trước đó em không thể kiếm được công việc ổn định, mức lương lại thấp. Trong quá trình làm việc, tôi coi Dũng như em trai mình và luôn nỗ lực hết mình giúp đỡ để Dũng được cấp các loại giấy tờ tùy thân, để sau này Dũng có thể không làm với tôi thì làm chỗ khác”, anh Bình nói.
Về quyết định xin nghỉ việc bảo vệ để đi xin việc mới của Dũng, anh Bình cũng ủng hộ. Anh Bình bảo, công việc bảo vệ không vất vả nhưng gò bó về thời gian, khó tạo điều kiện cho Dũng học nghề hay học thêm văn hoá để phát triển sau này. Dũng ngoan ngoãn, lại chịu khó, thì có thể tìm công việc nào đó có thể vừa làm vừa học nghề để sau này có tương lai hơn.
“Tôi hy vọng Dũng sẽ tìm được công việc, nghề nghiệp ổn định để lập nghiệp, lập gia đình, có cuộc sống bình an và hạnh phúc hơn những năm tháng qua em phải sống “vô danh”, anh Bình tâm sự.
“Những người có đầy đủ giấy khai sinh, hộ khẩu khi sinh ra thì thấy bình thường nhưng với người đã 3 thập kỷ sống “chui” như em, đó là một điều kỳ diệu. Xưa không có hộ khẩu, em không thể học bất cứ nghề gì. Giờ em mong có thể tìm được một công việc để vừa học vừa làm, em mong muốn được học nghề cắt tóc”, Dũng nói.
Dũng khoe, mình cũng khéo tay, thích làm những việc tỉ mẩn, nên cậu tin rằng mình sẽ thành một thợ cắt tóc giỏi. Không những vậy, Dũng cho biết, nếu sau này điều kiện kinh tế cho phép, sẽ đi học bổ túc để lấy được bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Bởi hiện nay, Dũng mới chỉ biết đọc và viết thông thạo chữ số nên vẫn muốn học để mở mang kiến thức hơn.
Trải lòng thêm, Dũng tâm sự cũng từng thương nhớ vài cô gái nhưng nghĩ đến gốc gác, sự “vô danh” của mình, bao năm qua Dũng không dám lại gần, thổ lộ tình cảm với bất kỳ ai. Giờ đây, có lý lịch rõ ràng, ước mơ của Dũng về một người bạn gái, xa hơn là một gia đình nhỏ có vợ có chồng, có tiếng nô đùa của trẻ thơ đã trở nên gần lại.
“Ở tuổi ngoài 30 như em, nhiều người đã có gia đình êm ấm, có con cái để chăm sóc, vỗ về. Em cũng muốn được như thế, có vợ để san sẻ để vượt qua những khó khăn, có con cái nô đùa yêu thương. Nhưng đây là những điều một vài năm nữa em mới bắt tay vào thực hiện, bởi hiện nay công việc chưa ổn định, không có tiền tích góp, nếu lấy vợ sẽ rất khó khăn cho mình và vợ, thậm chí có con thì con cũng rất khổ”, Dũng nói thêm.
Vì không có giấy tờ tùy thân, 30 năm qua, Lê Quốc Dũng phải chấp nhận cuộc sống như người “vô hình” giữa Thủ đô: Không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào; không đi học; không công việc chính thống; không thể tự đứng ra thuê nhà... Trong 6 năm, từ 2014 - 2020, Dũng đã cố gắng tự tìm mọi cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, tuy nhiên đều không có kết quả.
Sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có văn bản hướng dẫn để chính quyền sở tại cấp Giấy khai sinh cho Dũng. Đến ngày 16/3/2021, Dũng đã được UBND phường Bồ Đề trao Giấy khai sinh sau 30 năm chào đời. Tháng 4/2021, Dũng được nhập hộ khẩu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận