Điện ảnh

“Giấc mơ Hollywood” của những mỹ nhân châu Á

18/03/2021, 06:49

Trước đây, diễn viên châu Á chỉ có thể mong đợi được giao những vai phụ ở Hollywood. Giờ đây, họ đã có nhiều cơ hội đóng vai diễn lớn...

img

Kelly Marie Trần mặc áo dài tại sự kiện ra mắt phim “Raya and The Last Dragon”

Khoảng gần 10 năm về trước, nhiều nghệ sĩ, diễn viên châu Á tuy rất nổi danh tại thị trường nội địa, khu vực nhưng cũng chỉ là những tên tuổi vô danh với nền điện ảnh Hollywood. Cho đến thời điểm hiện tại, có vẻ như mọi chuyện đã khác.

Vị trí đã khác xưa

Kể từ “The Joy Luck Club” (1993), hiếm có bộ phim nào do kinh đô điện ảnh Hollywood sản xuất có dàn diễn viên châu Á. Nếu có, diễn viên gốc Á chỉ đảm nhiệm những vai phụ mờ nhạt, hoặc chỉ thoáng qua vài giây trên màn ảnh.

Tuy nhiên, đến nay, cây bút Lisa Respers France của CNN đã phải thốt lên: “Nếu bạn thấy Hollywood xuất hiện nhiều dự án có mặt diễn viên châu Á, bạn đã đoán đúng. Gần đây, kinh đô điện ảnh này đã để ý đến những diễn viên gốc Á”.

Thậm chí, cuối tháng 2/2021, nữ đạo diễn gốc Hoa Chloé Zhao đã làm nên lịch sử khi bộ phim Nomadland của cô giành giải Phim truyền hình xuất sắc tại Quả cầu Vàng.

Tác phẩm kể về hành trình của người phụ nữ đi qua miền Tây nước Mỹ là bộ phim đầu tiên do đạo diễn là nữ giành được giải thưởng này. Zhao cũng thắng giải Đạo diễn xuất sắc, đưa cô trở thành người phụ nữ thứ hai giành giải thưởng này và là phụ nữ gốc Á đầu tiên làm được điều đó.

Chiến thắng của Zhao được cho là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến “đòi lại sự công bằng” mà các tài năng châu Á - đặc biệt là phụ nữ đang đấu tranh ở Hollywood.

Thực tế, thế hệ nữ diễn viên châu Á tại Hollywood như Dương Tử Quỳnh, Trương Mạn Ngọc, Phạm Băng Băng, Maggie Q, Phạm Linh Đan… đã được cả thế giới ghi nhận.

Sự thành công của họ cổ vũ cho việc tiếp cận thị trường Hollywood của các ngôi sao gốc Á thế hệ kế tiếp như: Kelly Marie Trần, Lana Condor, Hồng Châu, Levy Trần, Lưu Diệc Phi, Ngô Điềm Mẫn…

Điển hình, như trường hợp của nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Trần. Sau bom tấn “Star Wars”, cô trở thành “nàng thơ” của các phim hoạt hình. Mới đây nhất, cô lồng tiếng cho công chúa Raya trong bộ phim “Raya and The Last Dragon” (tựa Việt: “Raya và rồng thần cuối cùng”).

Đây là phim hoạt hình mới nhất của Disney Animation Studios, giới thiệu đến khán giả khắp thế giới công chúa đầu tiên đến từ Đông Nam Á. Phim cũng đánh dấu màn hội ngộ của 2 diễn viên lồng tiếng đều là người gốc Á: Thalia Trần lồng tiếng nhân vật Little No và Patti Harrison lồng tiếng nhân vật Tail.

Ở lĩnh vực truyền hình, Netflix đã thành công khi đưa nhiều bộ phim có diễn viên gốc Á vào nền tảng. “Never Have I Ever” (2020), bộ phim kể về cô gái người Mỹ gốc Nam Á trải qua bi kịch gia đình, với sự tham gia của nữ diễn viên Maitreyi Ramakrishnan được giới chuyên môn và người xem đánh giá cao.

Nhìn vào thực trạng nữ nghệ sĩ châu Á đang hiện thực hoá giấc mơ Mỹ, cây viết Bianca Barratt của tờ Forbes đã có bài phân tích dài với nhan đề: “Phụ nữ châu Á đang hồi sinh Hollywood như thế nào”.

Trong đó, Bianca bày tỏ sự ngỡ ngàng khi sau nhiều thập kỷ bị lên án, Hollywood cuối cùng đã để ý đến sự đa dạng về chủng tộc và tiềm năng ở các nước Á Đông. “Nơi mà trước đây một diễn viên châu Á chỉ có thể mong đợi được giao những vai phụ. Giờ đây, họ đã có nhiều cơ hội, ước mơ lớn hơn”, Bianca nhận định.

Con đường không trải hoa hồng

img

Đạo diễn Chloé Zhao

Trong nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu thế giới như Hollywood, ở đó không chỉ có những bom tấn trở thành “cỗ máy in tiền” mà một nghệ sĩ thành công trong một phim nào đó của Hollywood có thể trở thành một tên tuổi lừng danh thế giới, có thu nhập cao gấp nhiều lần so với khi làm phim ở quê nhà.

Với một nghệ sĩ nam, con đường này đã khó, một nữ nghệ sĩ xuất thân châu Á, con đường này thậm chí còn bị đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt hơn nhiều lần.

Còn nhớ, năm 2018, vai Rose Tico trong “Star Wars” mang lại cho Kelly nhiều chỉ trích từ cộng đồng người hâm mộ quá khích. Thay vì nhận xét về nhân vật, nhiều người lên tiếng chế giễu Kelly về màu da, gốc gác và cả ngoại hình, cân nặng.

Các fan quá khích còn gửi cho cô nhiều lời đe dọa nguy hiểm đến tính mạng, truy cập trang Wikipedia để sửa nội dung chế nhạo cô. Trang báo Esquire nhận định, vụ bắt nạt Kelly là “một ví dụ điển hình của trào lưu ghét bỏ, phân biệt đối xử trong nền văn hóa Mỹ”.

Bản thân cô cũng thừa nhận, khi làm việc tại Hollywood, cô phải đối mặt với một số cá nhân “da trắng thượng đẳng”, bên ngoài tỏ vẻ “dĩ hòa vi quý” nhưng đằng sau lại liên tục tìm cách loại trừ cô.

Đối mặt với sự chỉ trích, trên The New York Times, cô đã có bài chia sẻ với nhan đề: “Kelly Marie Trần: Tôi sẽ không gục ngã trước sự quấy rối trên mạng”.

Trong bài viết này, nữ diễn viên chia sẻ rằng bản thân cô vốn đã chịu đựng sự tẩy chay, ghét bỏ từ nhỏ chỉ vì bản thân là một người Mỹ gốc Việt. Những lời lẽ độc địa ấy cũng đã khiến cô chán ghét chính bản thân mình và mất đi lòng tự trọng.

“Lời lẽ của họ càng làm củng cố ý nghĩ mà tôi đã nghe suốt cả một đời: rằng tôi chỉ là kẻ bên lề, rằng tôi lạc lõng và không đủ tốt, đơn giản chỉ vì tôi khác với họ. Tôi là người phụ nữ da màu đầu tiên có vai chính trong “Star Wars”. Tôi là phụ nữ châu Á đầu tiên lên bìa của Vanity Fair. Tên thật của tôi là Loan. Và tôi mới chỉ bắt đầu mà thôi”, Kelly Marie Trần khẳng định.

Không riêng công chúng, bản thân những nhà làm phim Mỹ cũng có sự dè dặt trước nghệ sĩ gốc Á. Hay như Hollywood Reporter nhận định: “Khi mà các nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn ở Hollywood vẫn chủ yếu là người da trắng, những sản phẩm họ làm ra vẫn sẽ tiếp tục mang tính chất phân biệt như những năm qua”.

Sự phân biệt này còn thể hiện rõ hơn ở khoản thù lao dành cho các nghệ sĩ. Diễn viên châu Á vốn được coi là các nhân tài “giá rẻ” của Hollywood. Trong khi những ngôi sao hạng A như Scarlett Johansson, Angelina Jolie, hay Emma Stone… thu hàng chục nghìn USD từ mỗi câu thoại thì diễn viên da màu chỉ bằng một phần nhỏ của họ.

Trường hợp của Adele Lim - biên kịch người gốc Malaysia của series ăn khách “Crazy Rich Asians” là một ví dụ. Trên Hollywood Reporter, Lim cho biết, sau thành công của phần 1, cô và cộng sự - biên kịch Peter Chiarelli (một người đàn ông da trắng) được nhà sản xuất đặt hàng viết tiếp phần 2. Nhưng cô kiên quyết từ bỏ vì sự thiếu công bằng một cách vô lý.

“Đề nghị ban đầu của hãng phim dành cho Chiarelli là khoảng 800.000 đến 1 triệu USD, Lim chỉ được nhận một phần nhỏ trong số đó, ở mức hơn 110.000 USD”, bài báo trên Hollywood Reporter viết.

Trên New York Times, nhà xã hội học Nancy Wang Yuen cho biết, theo một nghiên cứu của bà, 64% phim truyền hình của Hollywood năm 2015/2016 có rất ít người người Mỹ gốc Á. Một báo cáo khác cho thấy, trong số 100 phim hàng đầu năm 2017, gần 2/3 tác phẩm không có một nhân vật nữ gốc Á hoặc người Mỹ gốc Á nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.