Xã hội

Giấc mơ lấn biển của làng đông dân nhất nước

04/02/2022, 07:33

Nằm ở Đông Bắc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, lâu nay, Ngư Lộc nổi tiếng không chỉ ở Thanh Hóa mà còn khắp cả nước với nhiều “cái nhất".

Xã Ngư Lộc còn có tên gọi khác là làng Diêm Phố - một trong 5 xã ven biển thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Do biển xâm thực, diện tích đất không tăng lên mà ngày càng thu hẹp trong khi dân số không ngừng tăng khiến Ngư Lộc trở thành xã có mật độ dân số đông nhất Việt Nam.

img

Hàng ngày, những người phụ nữ ở xã Ngư Lộc ra bờ biển ngồi chờ tàu thuyền vào mua bán hải sản

Mật độ dân số cao gấp 15 lần Hà Nội

Về Ngư Lộc ngày cuối năm, gió biển mặn mòi thổi trên những con đường quanh co, những nếp nhà “lùi ra, thụt vào” san sát. Con đường đi vào trung tâm xã rộng nhất có chỗ chỉ 7m, hẹp nhất 3m. Còn chưa kể đường trong các hẻm, ngõ rộng chừng từ 1-1,5m vừa đủ chiếc xe máy lách đi.

“Nếu ai không quen đường khi về đây rất dễ bị lạc, bởi Ngư Lộc ngõ ngách luẩn quẩn như ô bàn cờ. Đặc biệt, mỗi lần lễ, Tết thì các tuyến đường ở xã Ngư Lộc thường xuyên bị ách tắc”, ông Phạm Cao Quyền, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc chia sẻ.

Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, lâu nay, Ngư Lộc vốn đã nổi tiếng không chỉ ở Thanh Hóa mà còn khắp cả nước với nhiều “cái nhất”: Là một xã không có đất canh tác nông nghiệp, diện tích đất của toàn xã nhỏ nhất chỉ với 0,46km2, mật độ dân số cao nhất với 36.000 người/km2; dân số hơn 18.000 người.

img

Ông Nguyễn Văn Đức (85 tuổi, ở thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) cho biết, nghề biển được nối truyền từ đời này đến đời sau

Chiếu theo số liệu điều tra dân số năm 2019, mật độ cư dân sinh sống ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với TP.HCM. Thậm chí, quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ đạt 19.500 người/km2.

Cũng chính vì điều kiện đất chật, người đông mà chính quyền sở tại buộc phải giải quyết vấn đề cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo kiểu “chẳng giống ai”.

Đó là trước đây, nếu diện tích đất từ 40m2 trở lên, người dân mới được cấp quyền sử dụng đất. Còn những năm gần đây, chính quyền “buộc lòng” phải điều chỉnh hạn cấp chứng nhận quyền sử dụng đất xuống mức diện tích 20m2 cho những hộ dân đã tồn tại diện tích đất ở từ trước năm 1994. Giải pháp này, cũng là cách để giúp nhiều người dân có “mảnh đất cắm dùi”, ngay tại quê cha đất tổ.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, không có đất canh tác nên mỗi gia đình ở xã Ngư Lộc luôn phải bám lấy nghề “cha truyền con nối”. Dân số sinh sôi nảy nở theo từng năm nhưng diện tích đất ở thì bé nên trung bình một nhà phải có ít nhất là 5 - 6 người, cao nhất là 10 - 11 người. Từ thế hệ cụ, ông bà, bố mẹ, con cháu, chút ở trong những căn nhà chật kín.

“Nhà tôi rộng hơn 100m2 nhưng từ đời ông cố tôi rồi nay đến đời cháu tôi đều ở đây. Chật chội rồi cũng thành quen vì có đất đâu mà mở rộng, tiền đâu mà đi nơi khác sinh sống. Ông cha ở đây thì chúng tôi ở đây thôi”, cụ ông Nguyễn Văn Đức cho hay.

Còn chị Nguyễn Thị Thu (33 tuổi, ngụ ở thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc) cho hay: “Như nhà bố mẹ chồng tôi sinh ra 9 người con, lớn lên con cái lập gia đình cũng ở chung với ông bà. Đời này đến đời kia, dần dần ai có điều kiện thì tách ra ở riêng. Tính ra cứ một nhà phải có 3 - 4 thế hệ ở cùng nhau. Chúng tôi chỉ bám vào nghề buôn bán cá nên thu nhập ít ỏi chỉ đủ nuôi con ăn học, tiền đâu đi mua đất, mua nhà”.

Ước mơ lấn biển

img

Bãi biển bị bùn xâm lấn khoảng 2 - 3km khiến ngư dân ở đây rất vất vả mỗi khi thủy triều xuống

Ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, không chỉ có mật độ dân số cực cao, xã đảo Ngư Lộc đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Dân số đông nên mỗi ngày, Ngư Lộc có khoảng trên 10 tấn rác thải.

“Đất chật người đông”, Ngư Lộc không có đất quy hoạch bãi rác nên người dân đều tống tất tần tật mọi thứ chất thải ra… mép biển, để giờ đây, địa phương phải giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Địa phương phải huy động mỗi hộ gia đình đóng góp tiền, nhưng không quá 10.000 đồng/khẩu/tháng để thuê người thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sang tỉnh Ninh Bình thuê xử lý. Chỉ tính riêng rác thải, mỗi năm Ngư Lộc đã mất tiền tỷ giải quyết. Vì thế, hơn bao giờ hết, người dân Ngư Lộc ước mơ được lấn biển”, ông Nam cho hay.

Theo ông Nam, nhiều năm qua, ở trong các kỳ họp, Ngư Lộc đều đưa nội dung cần phải có phương án lấn biển mở rộng địa giới hành chính. Đây là phương án và cũng là nguyện vọng của nhân dân vì thực tế xung quanh các xã khác cũng chật chội trong khi bãi bồi xâm lấn vào bờ dài từ 2 - 3km. Ngư dân rất vất vả lội bùn đẩy bè mảng đưa hải sản vào bờ để bán.

“Khi lấn được ra phía biển như ý tưởng nêu trên, chính quyền địa phương sẽ quy hoạch khu vực nuôi trồng hải sản (dòng nhuyễn thể); đồng thời lập cầu cảng, đưa tàu du lịch vào hoạt động để phục vụ du khách tham quan đảo Hòn Nẹ, hoạt động du lịch biển... Thế nhưng, để làm được điều này, nguồn kinh phí đầu tư vào đây phải lên tới cả tỷ USD, phải có nhà đầu tư lớn vào triển khai dự án. Chúng tôi mong muốn một ngày không xa, người dân xã đảo Ngư Lộc sẽ thực hiện được ước mơ lấn biển này”, ông Năm tâm sự.

Thống kê hiện nay cho thấy, xã đảo Ngư Lộc có hơn 350 tàu các loại, trong đó có 160 tàu cỡ lớn, đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu nhỏ, đêm đi, trưa về. Ở địa phương này đang có khoảng trên 8.000 người trong độ tuổi lao động. Trong đó, có 2.000 người đi làm ăn xa, trên 2.000 lao động trực tiếp khai thác tôm, cá… trên biển. Hơn 3.000 lao động chế biến, dịch vụ thương mại… Mức thu nhập bình quân đầu người ở Ngư Lộc hiện tại cũng đã đạt gần 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đang còn 9%; hộ cận nghèo 14%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.