Khu tái định cư Bưa Cốc, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình
Người dân đi lại trên tỉnh lộ 433 không còn ám ảnh, bất an mỗi khi mùa mưa lũ tới. Tại ngôi làng tái định cư Bưa Cốc ven tỉnh lộ 433 gần đó, cuộc sống đang dần hồi sinh...
Bình yên dần trở lại
Ngôi làng tái định cư Bưa Cốc nằm cạnh đường tỉnh 433, trên một quả đồi cao, với con đường bê tông dẫn vào xóm rộng rãi. Bên trong là nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang đã được người dân dựng lên san sát.
Chị Bùi Thị Kim Uyên, 40 tuổi, Trưởng xóm Bưa Cốc cho hay, xóm hiện có gần 70 hộ dân sinh sống từ đầu năm 2018, cách nơi ở cũ khoảng 8km.
Theo chị Uyên, sau trận lũ kinh hoàng năm 2017, hơn 10 hộ dân ở xóm cũ bị trôi nhà, các hộ còn lại hầu như mất hết vật nuôi, vườn tược và nhà cửa hư hỏng, nằm trong diện nguy hiểm. Do đó, chính quyền và cơ quan chức năng đã xây dựng khu tái định cư này và di dời các hộ dân bị ảnh hưởng về đây.
“Về khu tái định cư chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng và một khu đất nền diện tích gần 300m2, đủ xây nhà và các công trình phụ, ngoài ra còn có đất trồng rau và chăn nuôi. Mọi người về đây đều phấn khởi, yên tâm sản xuất, lao động, học tập”, chị Uyên cho biết.
Trong căn nhà khang trang mới được xây dựng, bà Mão, một người dân khu tái định cư Bưa Cốc chia sẻ thêm, về khu tái định cư, người dân không còn lo nơm nớp bị cuốn trôi mỗi lần mưa lũ lớn. Thời điểm bị lũ ống, lũ quét kinh hoàng 4 năm trước, cả gia đình bà và con gái trắng tay khi nhà cửa hư hỏng, vườn tược còn trơ sỏi đá, vật nuôi đã trôi theo dòng nước. Nay về nơi ở mới được cấp đất, bà đã dành dụm cất căn nhà, trồng mảnh vườn, nuôi lợn, nuôi gà...
“Tuy nhiên, ở đây vẫn thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ phải đi xa khoảng 1km để lấy nước về cho nhà dùng”, bà Mão cho hay.
Ông Đặng Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê cho biết, tại khu vực tái định cư Bưa Cốc đời sống người dân cơ bản đã ổn định, hệ thống giao thông tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù là xã cách xa trung tâm và khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, nên việc đảm bảo đời sống cho người dân còn nhiều khó khăn.
“Hiện nay khu tái định cư ở Bưa Cốc một số vị trí có dấu hiệu sạt ta luy âm, xã đang kiến nghị khắc phục. Khu vực này vẫn thiếu nhà văn hóa, thiếu nước sinh hoạt do kinh phí đang còn hạn hẹp nên chưa đưa nước đến từng hộ dân, chỉ kéo về dùng bể nước sinh hoạt chung”, ông Tấn cho hay.
An tâm qua ngầm Ruốc
Ngầm Ruốc được thiết kế đồng bộ, chắc chắn, đảm bảo giao thông khi có mưa lũ
Anh Bùi Văn Dũng (39 tuổi, Trưởng xóm Cơi, xã Suối Nánh, nay là xã Nánh Nghê) nhớ lại, trận lũ quét kinh hoàng đêm ngày 10/10/2017 không chỉ cướp đi sinh mạng của 5 người mà còn làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân nơi đây.
“Đợt đó mưa rất nhiều, cả chục ngày mưa tầm tã, cả làng mất điện. Đến khoảng 20h, một chiếc xe ô tô chở ngô đi qua ngầm Ruốc nhưng do nước to tràn ngầm nên chiếc xe này đã dừng lại trên tỉnh lộ 433 trú mưa. Khu vực này có 3 ngôi nhà của người dân. Những người trên xe ô tô chở ngô cùng người dân quanh đó đã rủ nhau tập trung lên một ngôi nhà ở trên cao để tránh trú. Đến khoảng 24h đêm, bất ngờ lũ tràn về cuốn trôi nhà cửa, ngầm tràn và cả chiếc ô tô chở ngô”, anh Dũng kể lại.
Khi cơn lũ đi qua, người dân vội chạy ra hiện trường thì toàn bộ nơi đây đã bị san phẳng, ngầm Ruốc cũng bị cuốn phăng khiến đường 433 bị chia cắt, nhà cửa vật dụng không còn một thứ gì.
“Cảnh tượng rất tang thương, nhất là 5 nạn nhân mất tích không một dấu vết. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng cùng người dân tổ chức tìm kiếm, đưa cả máy móc nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân”, anh Dũng nói.
Lũ ống, lũ quét đánh tan, phá hủy toàn bộ ngầm Ruốc, làm chia cắt tỉnh lộ 433. Một tuần sau khi cơn lũ đi qua, đơn vị quản lý và huyện đã có những giải pháp xử lý tạm thời ngầm Ruốc để bảo đảm giao thông cho bà con. Tuy vậy, khi đi lại qua ngầm trong mùa mưa, người dân luôn bất an, nơm nớp lo sợ.
Trước thực trạng đó, Sở GTVT Hòa Bình đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN, Bộ GTVT chấp thuận cho triển khai dự án sửa chữa ngầm Ruốc.
Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 14 tỷ đồng, được triển khai từ nguồn vốn của Tổng cục Đường bộ VN, do Sở GTVT làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2019.
Tới trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công trình ngầm Ruốc gồm 8 khoang, chiều dài ngầm 305m, trong đó, phần ngầm thoát nước 47,98m, phần đường hai đầu 257m, chiều rộng ngầm 7,5m, phần xe chạy 7m… đã hoàn thành, đảm bảo giao thông trên tỉnh lộ 433 được an toàn, thông suốt.
Ông Lê Ngọc Quản, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cho biết, song song với việc xây dựng ngầm Ruốc, từ năm 2018 đến nay, địa phương đã đầu tư sửa chữa, gia cố lại nhiều vị trí bị hư hỏng trên tỉnh lộ 433 với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.
“Ngầm Ruốc được thiết kế đồng bộ, chắc chắn, bảo đảm tính bền vững, lâu dài, có tính toán cho quy hoạch phát triển đường tỉnh 433 sau này. Mặt ngầm đã được nâng lên cao để có thể bảo đảm giao thông khi mưa lũ”, ông Quản thông tin.
Từ ngày 9 - 11/10/2017, do mưa lớn kéo dài nước dâng cao ở các ngầm, tỉnh lộ 433 sạt lở ở nhiều nơi đã làm 14 xã vùng cao của huyện Đà Bắc, Hòa Bình bị chia cắt, cô lập. Đặc biệt mưa lớn đã gây ra lũ ống, lũ quét tại nhiều xã đã khiến 11 người chết và mất tích (còn 5 người bị mất tích chưa tìm thấy); 50 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn; 325 ngôi nhà bị sạt lở, nhiều công trình đường giao thông, cầu cống bị hư hỏng nghiêm trọng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận