Song, trên hành lang này, vận tải đường sắt được cho là có nhiều ưu thế lại chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn.
Theo kết quả nghiên cứu khảo sát thu thập dữ liệu cho chiến lược phát triển GTVT bền vững ở Việt Nam do JICA hỗ trợ thực hiện năm 2021, trong giai đoạn 2008-2020, thị phần vận tải đường sắt có sự thay đổi đáng kể.
Đối với chuyến đi có cự ly 400-800km, thị phần đảm nhiệm của đường sắt giảm mạnh từ 12,5% (2008) xuống còn 1,5% (năm 2020).
Trong khi đó, với nhiều nước trên thế giới, đường sắt là chủ đạo, là xương sống của hệ thống giao thông.
Với các thế mạnh như vận tải khối lượng lớn hàng hóa, chi phí thấp, chạy được tốc độ cao, giảm ách tắc và tai nạn giao thông vì có đường riêng biệt, đầu tư đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết.
Đây là một dự án cần phải triển khai sớm để làm nền tảng kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế. Dự án này chắc chắn sẽ tạo động lực quan trọng góp phần khơi thông các nguồn lực xã hội.
Từ kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao của thế giới cho thấy, đây là một trong những nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và các ngành nghề liên quan, các địa phương, các vùng kinh tế mà dự án đi qua.
Về vốn đầu tư, rõ ràng để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, đối với một dự án như thế này thì hiệu quả của nó như thế nào mới là quan trọng. Nếu chúng ta lượng hóa được hiệu quả mà đường sắt tốc độ cao đem lại, nguồn vốn đầu tư bao nhiêu không thành vấn đề.
Cũng cần hiểu rằng, chi phí đầu tư đường sắt tốc độ cao dù lớn nhưng cũng đồng thời là nguồn tài chính được bơm vào nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm khi việc xây dựng cần rất nhiều loại vật liệu, nhân công…
Hiện nay, cơ chế huy động các nguồn lực để triển khai vẫn đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét. Song với đòi hỏi nguồn lực cực kỳ lớn như dự án đường sắt tốc độ cao, hướng tìm nguồn đầu tư từ tư nhân sẽ khó khăn, nếu không có những chính sách và cơ chế đặc thù, đặc biệt.
Cách tốt nhất là Nhà nước bỏ tiền đầu tư công (gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài) để xây dựng công trình, sau đó giao doanh nghiệp vận hành, tối ưu chi phí và tăng nguồn thu.
Kinh nghiệm một số quốc gia như Nhật Bản, việc tăng nguồn thu có thể đến từ dịch vụ quảng cáo trên tàu, tại nhà ga, bán hàng tại ga, cho thuê hoạt động kinh doanh ngoài vận tải (thuê làm văn phòng, khách sạn) tại tòa trụ sở ga…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận