Một bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều vai
Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) hiện có 21 bác sĩ, trong đó 7 bác sĩ được tuyển từ năm 2012-2016. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm không tuyển thêm bác sĩ nào, 1 bác sĩ chuyển công tác và 2 bác sĩ sẽ nghỉ hưu trong năm 2020. Trong khi đó theo đề án vị trí việc làm, Trung tâm còn thiếu 10 bác sĩ ở các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Đông y...
Trong số 21 bác sĩ của TTYT huyện Bình Liêu có 3 bác sĩ trong Ban lãnh đạo, 2 bác sĩ hệ dự phòng, 3 bác sĩ đi học nâng cao trình độ, nên thực tế chỉ có 13 bác sĩ thường trực tại các khoa, phòng để khám, chữa bệnh mỗi ngày. Do thiếu người nên một bác sĩ ở đây phải kiêm nhiệm từ 1 đến 2 chuyên khoa khác nhau, khiến các bác sĩ làm việc quá tải, rất khó có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn.
Hay ở TTYT huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) hiện có 26 bác sĩ/89 cán bộ, nhân viên y tế; trong đó có 4 bác sĩ CKI, 1 thạc sĩ và 1 bác sĩ đang học CKI, còn lại là các bác sĩ định hướng chuyên khoa. Các bác sĩ ở đây cũng phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Được biết tại đây trong 5 năm tới, đơn vị sẽ có nhiều bác sĩ nghỉ hưu. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, Trung tâm không tuyển được thêm bác sĩ nào.
Tình trạng khó tuyển bác sĩ và thu hút bác sĩ chất lượng cao về tuyến huyện cũng diễn ra tương tự nhiều địa phương khác trên toàn quốc... Theo lý giải của lãnh đạo các TTYT ở đây, nguyên nhân chính là do thu nhập thấp và ít có cơ hội phát triển chuyên khoa; đặc biệt là vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương này còn khó khăn, nên ít bác sĩ muốn gắn bó lâu dài….
Khắc phục thiếu hụt nhân lực ra sao?
Để khắc phục tình trạng trên, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, như: Đào tạo, hỗ trợ chuyên môn; Tăng cường chỉ đạo tuyến; Duy trì hoạt động của hệ thống Telemedicine để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, hội chẩn chuyên môn, hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa; Thực hiện mô hình “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chung trong ngành Y tế”; Khám, chữa bệnh lưu động định kỳ cho nhân dân vùng sâu, vùng xa...
Tuy nhiên để làm tốt công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân thì cần nhất vẫn là bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt ở tuyến cơ sở. Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, bên cạnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh có thêm những chính sách ưu đãi để tuyển, thu hút bác sĩ, cần tăng cường luân chuyển bác sĩ ở tuyến tỉnh về tuyến huyện. Những người được lựa chọn luân chuyển về cơ sở đều là các bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, chuyên khoa sâu, y đức tốt, trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, chuyển giao các kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp cho các bác sĩ theo các chuyên ngành hỗ trợ. Như vậy những kỹ thuật chuyên sâu của tuyến tỉnh, thậm chí tuyến Trung ương sẽ được triển khai tại cơ sở...
Trên phạm vi rộng hơn, để tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở, Bộ Y tế đang triển khai Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (gọi tắt là Dự án 585). Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, sau một thời gian thực hiện, Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, ưu tiên cho 62 huyện nghèo (Dự án 585) được người dân và cơ sở y tế đánh giá cao về chất lượng của bác sĩ đào tạo theo Dự án.
Theo ông Tác, sau khi bàn giao bác sỹ trẻ tình nguyện, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của các bác sỹ tại huyện nghèo. Nhìn chung, các bác sỹ đã thực hiện tốt các kỹ thuật theo chương trình đào tạo, hỗ trợ và thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa khác mà bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai do thiếu nhân lực, chuyển giao kỹ thuật; Đồng thời tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại huyện nghèo, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến. Bên cạnh đó, ngành y tế vẫn tiếp tục thực hiện chương trình 1816 chuyển giao kỹ thuật, đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới công tác... góp phần nâng cao chất lượng tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận