Cung đường chạy mang đậm dấu ấn lịch sử
Giải do UBND tỉnh Điện Biên, Ủy ban ATGT Quốc gia cùng Báo Giao thông phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và tổ chức GHAI tổ chức.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, Giải thưởng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024); 115 năm ngày thành lập tỉnh Điện Biên (28/6/1909-28/6/2024), Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên Phủ 2024.
Thông qua giải đấu tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, nâng cao tầm vóc và thể lực con người Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quảng bá, giới thiệu mảnh đất con người, văn hoá, lịch sử và các tiềm năng, thế mạnh sản phẩm du lịch tỉnh Điện Biên, đưa hình ảnh du lịch tỉnh Điện Biên đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.
Đến với Giải chạy, các vận động viên (VĐV) sẽ có cơ hội tham quan di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, được trải nghiệm những nét đẹp độc đáo tại không gian văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, khám phá nhiều cảnh hùng vĩ, nên thơ của núi rừng Tây Bắc; góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu văn hoá thể thao, du lịch giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh thành trong nước và du khách quốc tế. Đồng thời, nâng cao ý thức cộng đồng về gìn giữ, bảo vệ môi trường thiên nhiên, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Theo kế hoạch, giải chạy diễn ra trong 2 ngày tại tỉnh Điện Biên và chính thức khai mạc vào 7h30 ngày 14/4.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ giải chạy, ban tổ chức sẽ tuyển chọn một nhóm VĐV chuyên nghiệp gồm cả nam và nữ mang theo lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" để chạy tiếp sức quãng đường 859km từ xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (Vũng chùa Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đến xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cùng Ban tổ chức Giải trao tặng cho đơn vị quản lý nơi thờ tự Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
THACO Marathon Vì An toàn giao thông - Điện Biên Phủ 2024 dự kiến thu hút khoảng 1.000 -1.300 VĐV. Theo kế hoạch, VĐV dự giải sẽ nhận race-kit, BIB ngày 13/4. Trong ngày tranh tài 14/4, cự ly 70km xuất phát lúc 4h, cự ly 42km xuất phát lúc 6h, cự ly 21km xuất phát lúc 7h30 và hai cự ly còn lại xuất phát lúc 10h. Đường chạy sẽ đóng lúc 19h cùng ngày.
Ban Tổ chức sẽ trao giải cho các VĐV về nhất, nhì, ba ở mỗi cự ly (cả nội dung nam và nữ).
Chia sẻ thêm về giải chạy, ông Nguyễn Tiến Hùng, cố vấn kĩ thuật Giải cho biết thêm, Giải chạy có 5 cự ly gồm: 5km; 10km; 21km; 42km; 70km, trao thưởng cho các vận động viên (VĐV) về thứ nhất, nhì, ba của cả nam và nữ.
Theo đó, đường chạy của Giải năm nay sẽ xuất phát từ Đồi D1 (TP Điện Biên), băng qua các cứ điểm lịch sử như Him Lam, Hồng Cúm, đồi A1, hầm De Castries… nơi ghi dấu những bước chân anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại cự ly 5km, các VĐV sẽ đi qua Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ sau đó trở lại đồi D1.
Với cự ly 10km, VĐV còn được chạy qua cánh đồng Mường Thanh nên thơ, vòng qua đồi A1 và trở về đồi D1.
Trong khi đó, tại cự ly 21km, VĐV sẽ có thêm trải nghiệm tại các bản làng của người Thái ở xung quanh TP Điện Biên Phủ.
Tại cự ly 42km khá thách thức với các VĐV song tham gia cự ly này, VĐV sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh TP Điện Biên Phủ khi chạy qua con đường vào xã Mường Phăng. Độ cao của cự ly 42km là 1.360m.
Cuối cùng là cự ly 70km được Ban tổ chức rất tâm huyết khi tổ chức để kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đường chạy đi qua tất cả các điểm nhấn lịch sử của Điện Biên cách đây 70 năm, trong đó, sẽ đi qua Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua khu giải trí Hồ Nậm Ngám, đảo hoa anh đảo, hồ Pá Khoang mường và cầu treo Điện Biên Phủ với phong cảnh thơ mộng. Cự ly này có độ cao đường chạy lên đến 2.230m với nhiều con dốc mang tính thử thách cao.
Chia sẻ trực tuyến tại buổi họp báo, anh Nông Văn Chuyền, một trong những vận động viên tham dự chạy tiếp sức đồng hành từ mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) đến TP Điện Biên Phủ cho biết, trên quãng đường hơn 850km ấy dự kiến nhóm chạy bộ của anh sẽ có 10 VĐV tham gia, mang theo cờ Quyết chiến Quyết thắng xuất phát từ Quảng Bình vào ngày 10/4 và dự kiến đến Điện Biên Phủ vào ngày 13/4.
Có kinh nghiệm tổ chức các đường chạy tiếp sức từ Hà Giang – Cà Mau, anh Chuyền cho biết, nhóm sẽ đảm bảo an toàn khi di chuyển để có thể hoàn thành tốt cung đường tiếp sức đầy ý nghĩa của Giải chạy lần này.
Giải chạy hấp dẫn nhất trong năm 2024
Sau phần giới thiệu giải chạy, Ban tổ chức đã trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc của PV các cơ quan báo chí xung quanh việc tổ chức Giải chạy Marathon Vì An toàn giao thông - Điện Biên Phủ 2024.
PV Hữu Trường, Báo Quân đội nhân dân: Cự ly 70km không chỉ là tâm huyết của tỉnh Điện Biên mà còn của BTC. Đây cũng là lần đầu tiên Giải chạy vì An toàn giao thông đưa vào cự ly siêu marathon. Trong quá trình triển khai đường chạy này, BTC đã gặp những khó khăn nào và giải quyết ra sao?
Ông Nguyễn Tiến Hùng, cố vấn kĩ thuật Giải: Đúng như phóng viên nói, cự ly 70km không chỉ là tâm huyết từ UBND tỉnh Điện Biên mà còn của Ban tổ chức Giải muốn có dấu ấn gắn với kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đây là cung đường đa dạng địa hình khi vừa có đường bê tông, đường mòn qua khu dân cư, bản làng; và ý nghĩa hơn khi băng qua những địa điểm là di tích lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
VĐV sẽ xuất phát từ đồi D1, chạy qua những khu vực lịch sử, qua những địa điểm gắn liền với phong tục tập quán của người dân tộc bản địa.
Khi khảo sát, định hình lên tuyến đường này, BTC gặp không ít trở ngại, mất nhiều thời gian bởi địa hình khó khăn, đường đi chủ yếu là đường mòn không tốt như các tuyến đường ở miền xuôi.
Đồng thời, phải tính toán sao cho các VĐV tham gia chạy trên cung đường này phải đảm bảo an toàn về sức khoẻ bởi khoảng thời gian di chuyển rất dài, từ 4h sáng cho đến 19h tối. VĐV sẽ phải băng qua cánh rừng ở Sở chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khu vực này được người dân bảo tồn rất tốt nên con đường mòn đã dần mất đi theo năm tháng. Đến nay, BTC đã rất cố gắng để nối các cung đường lại với nhau, tìm những lối người dân bản địa thường xuyên sử dụng để hình thành lên đường, bố trí các vị trí tốt nhất để hỗ trợ tiếp sức cho các VĐV khi cần thiết.
BTC đã có thời gian khảo sát tương đối dài để mang đến những cung đường chạy đảm bảo tốt nhất cho các VĐV nhân kỷ niệm một sự kiện mang tính lịch sử - 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Năm 2024, tỉnh Điện Biên tổ chức 169 sự kiện. Vừa qua, tỉnh cũng đã tổ chức thành công Giải chạy Điện Biên Phủ Marathon về miền pháo đài hoa. Từ kinh nghiệm của giải này, địa phương đã rút ra kinh nghiệm gì để tổ chức giải chạy Marathon vì An toàn giao thông tới đây được tốt hơn?
Ông Vừ A Bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: 169 sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2024 và sự kiện Năm du lịch Quốc gia 2024 là 1 trong 20 sự kiện hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong số 169 sự kiện này, nhiều sự kiện được tổ chức tại 33 tỉnh, thành phố khác cùng tham gia hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2024 và Điện Biên có trách nhiệm là địa phương phối hợp đồng hành để triển khai các sự kiện.
Mới đây, Giải Điện Biên Phủ Marathon về miền pháo đài hoa đã được tổ chức thành công ở Điện Biên, quá trình chuẩn bị gặp nhiều khó khăn khi lần đầu tổ chức, khó khăn về hạ tầng giao thông, kinh phí tổ chức.
Ban tổ chức Giải đã cùng đơn vị tư vấn tập trung đánh giá khảo sát, xây dựng hình thành các đường đua sao cho vừa đảm bảo tính giáo dục lịch sử, vừa đảm bảo sự an toàn sức khoẻ cho VĐV khi tham gia.
Sự thành công của Giải chạy sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh tiếp tục phối hợp với Uỷ ban ATGT Quốc gia, Báo Giao thông xây dựng, điều chỉnh các nội dung phù hợp với 5 cự ly của Giải chạy Marathon vì An toàn giao thông - Điện Biên Phủ 2024.
BTC có thể tiết lộ thêm trong giải chạy năm nay, có VĐV chuyên nghiệp nổi tiếng nào tham dự hay không? Cơ cấu giải thưởng ra sao?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia: Từ Giải chạy Marathon vì An toàn giao thông năm 2023, Tập đoàn Trường Hải THACO đã gắn bó là nhà tài trợ chính cho Giải và hứa hẹn sẽ đồng hành cùng giải ít nhất trong 5 năm. Đây còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của một tập đoàn lớn đa ngành, trong đó có lĩnh vực sản xuất ô tô.
Về câu hỏi có VĐV nổi tiếng nào tham dự hay không, BTC đang cố gắng mời các VĐV mang dấu ấn quốc gia tham dự như Hà Hậu, Quang Trần, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ,
Ngoài ra, còn có những VĐV nổi tiếng trong giới chạy bộ như Thuỷ BOB dù mang trong mình căn bệnh ung thư nhưng rất nỗ lực trong hoạt động thể thao hay Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế.
Cùng đó, sẽ cố gắng mời các cựu chiến binh tham gia trong đó có cả các cựu chiến binh ở Điện Biên để họ có cơ hội được trở lại trên những cung đường từng chiến đấu dù chỉ di chuyển một quãng đường ngắn vì sức khoẻ không cho phép nhưng cũng sẽ rất ý nghĩa.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Bá Kiên, Phó tổng biên tập Báo Giao thông: Ban tổ chức cũng đang kết nối với những hoa hậu, người mẫu nổi tiếng tham dự giải chạy.
Có thể nói, Giải chạy Thaco Marathon vì An toàn giao thông - Điện Biên Phủ 2024 được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cầu toàn nhất từ ý tưởng đến chiến dịch quảng bá, gắn liền với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm du lịch Quốc gia 2024 tại Điện Biên.
Để thực hiện cung đường chạy tiếp sức hơn 850km từ mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình lên Sở chỉ huy của Đại tướng cách đây 70 năm ở Mường Phăng rất khó khăn nhưng qua đó cho thấy nỗ lực của Ban tổ chức.
Có thể nói, ý tưởng và việc triển khai cung đường này đã tạo hiệu ứng rất tốt không chỉ với các địa phương mà với cả giải chạy và những người tham gia giải.
Khi xây dựng kế hoạch tổ chức giải để tỉnh Điện Biên phối hợp ban hành, Ban tổ chức cũng hướng đến mời các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tham dự.
Hiện công tác truyền thông giải đang được đẩy mạnh, kỳ vọng tạo hiệu ứng tốt để giải chạy lần này trở thành một trong những giải marathon hấp dẫn nhất trong năm, nơi được trải nghiệm những đường chạy mang ý nghĩa lịch sử của cha ông.
Về cơ cấu giải thưởng, Giải chạy vì An toàn giao thông mới tổ chức 3 năm, nhưng BTC rất quan tâm, chú trọng đến giải thưởng trao cho các VĐV, không chỉ huy chương thiết kế đẹp với hình ảnh biểu tượng chiến thắng Điện Biên Phủ mà sẽ đi kèm cả tiền mặt và hiện vật.
Anh Phạm Đức Luân, VĐV phong trào: Tôi vừa tham gia Giải chạy Điện Biên Phủ Marathon về miền pháo đài hoa, đạt được Giải Nhì cự ly 21km. Đối với Giải chạy vì An toàn giao thông năm 2024, được tổ chức vào ngày 14/4 trùng với 2 giải chạy Tây Hồ Marathon ở Hà Nội và Giải đấu hai môn phối hợp ở Hạ Long (Quảng Ninh). Vậy UBND tỉnh Điện Biên có thêm những hoạt động nào giới thiệu bản sắc địa phương để cạnh tranh thu hút VĐV tham dự với hai Giải trên?
Ông Vừ A Bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Giải chạy Điện Biên Phủ Marathon về miền pháo đài hoa của Điện Biên tổ chức mới đây cũng trùng với Giải chạy Marathon ở TP.HCM song vẫn được tổ chức thành công.
Năm Du lịch Quốc gia 2024 tại Điện Biên, tỉnh đã chọn slogan "Trải nghiệm và Khác biệt" và sẽ biến chính những khó khăn của địa phương thành thế mạnh, mang đến những trải nghiệm khác biệt cho du khách nói chung và các VĐV tham gia giải chạy tới đây nói riêng.
Bên cạnh việc khảo sát phân tích các khó khăn, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị lập ra 22 đơn vị phối hợp để triển khai giải một cách chu đáo, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho các VĐV tham dự giải chạy.
Công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, thực hiện ngay từ quý IV/2023, và kế hoạch truyền thông sẽ xuyên suốt trước, trong và sau sự kiện.
Giải chạy Marathon vì An toàn giao thông - Điện Biên Phủ 2024 không đơn thuần là một giải chạy mà còn là hoạt động tích hợp nhiều ý nghĩa.
Ông Nguyễn Bá Kiên: Có thể nói, Ban tổ chức giải lần này không đặt mục tiêu lợi nhuận khi triển khai mà thực hiện vì mục tiêu có thể tổ chức được một giải chạy ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, do đó, công tác hậu cần được ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, việc UBND tỉnh Điện Biên đứng ra chủ trì và ban hành kế hoạch Giải chạy còn đảm bảo cho sự an toàn của VĐV khi tham gia Giải cao nhất có thể, hơn hẳn việc để đơn vị tổ chức giải chuyên nghiệp tổ chức và địa phương chỉ đóng vai trò phối hợp.
Chưa kể, tất cả những vấn đề cố vấn kỹ thuật đưa ra để đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho các VĐV cũng được Ban tổ chức đáp ứng. Do đó, các VĐV tham gia giải hoàn toàn có thể yên tâm.
Đặc biệt, việc tổ chức giải chạy còn bao hàm cả ý nghĩa từ thiện, Ban tổ chức sẽ dành một phần tiền trích từ hoạt động bán BIB để trao quà từ thiện cho các gia đình có nạn nhân TNGT gặp khó khăn tại địa phương.
Cùng với giải chạy, Điện Biên còn có chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật, quảng bá văn hoá ẩm thực thông qua các gian trưng bày mặt hàng thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương.
Các VĐV tham dự giải có thể tranh thủ cùng gia đình có chuyến du lịch ở Điện Biên.
Ông Vừ A Bằng: Từ tháng 3/2024, bên cạnh Vietnam Airlines, Viejet cũng sẽ tăng chuyến bay từ Hà Nội - Điện Biên, do đó, có thể đáp ứng tối đa nhu cầu của VĐV, du khách đến Điện Biên dịp này cũng như Năm Du lịch Quốc gia tổ chức tại Điện Biên.
Ban tổ chức đã công bố giải có 5 cự ly, trong đó có cự ly 70km, vậy vấn đề an toàn và hỗ trợ VĐV trên đường chạy được BTC triển khai ra sao?
Ông Vừ A Bằng: Cự ly 70km tương ứng với 70 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cung đường chạy được thiết kế đi qua nhiều điểm di tích lịch sử để tuyên truyền, giáo dục lịch sử văn hoá truyền thống; qua Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay, mai sau với Đại tướng; đồng thời quảng bá văn hoá người bản địa khi qua các khu du lịch.
Điều đó cho thấy, đây là một giải chạy hết sức ý nghĩa và là nền tảng để làm tốt công tác truyền thông.
Ban tổ chức cũng rất quan tâm vấn đề an toàn và cơ sở lưu trú cho VĐV, thực hiện rà soát kỹ lưỡng các khách sạn, nhà nghỉ, kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các lực lượng y tế, dân quân, công an bố trí các ca kíp trực trên cung đường chạy để làm cầu nối hướng dẫn, kịp thời cho các VĐV tham dự.
Tới đây sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, chuẩn bị tốt nhất cho Giải.
Ông Nguyễn Tiến Hùng: Thời điểm tổ chức giải chạy vào tháng 4, thời tiết có thể sẽ rất khắc nghiệt khi phải chịu ảnh hưởng của những cơn gió Lào.
Đội cố vấn giải đã có mặt tại Điện Biên từ tháng 5 năm ngoái, không chỉ khảo sát về các cung đường mà còn khảo sát cả về thời tiết, khí hậu để có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho các VĐV cũng như BTC Giải.
Từ đó, đã xác định những điểm hỗ trợ nước, điện giải, đồng thời, bố trí một số điểm có đồ ăn nhẹ cho các VĐV tham gia cự ly 70km.
Tại những điểm xung quanh khu vực Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dự kiến cứ 5km sẽ bố trí một điểm hỗ trợ đồ ăn, nước uống cho các VĐV. Ban tổ chức đặt mục tiêu đảm bảo an toàn cho VĐV tham gia lên hàng đầu khi tổ chức giải, hơn cả việc có bao nhiêu người tham gia.
Ông Khuất Việt Hùng: Ban tổ chức sẽ nghiên cứu đối với các cự ly 42km và 70km sẽ lưu ý đến việc đánh dấu đường để đảm bảo các VĐV thuận lợi hơn khi tham gia Giải, nhất là vào thời điểm sau 17h chiều, điều kiện thời tiết hạn chế. Đồng thời, cũng sẽ có quy định nghiêm ngặt về các trang thiết bị hỗ trợ như đèn pin cá nhân, còi, vét nước...
PV Đăng Hiệp – Trang tin Soha: Tôi xin được hỏi ông Khuất Việt Hùng, ý tưởng chạy tiếp sức và mang kỷ vật từ Quảng Bình ra Điện Biên của Giải chạy bắt nguồn từ đâu?
Ông Khuất Việt Hùng: Ý tưởng chạy tiếp sức này xuất phát từ 2 nguồn cảm hứng. Nguồn cảm hứng đầu tiên đến từ nhóm VĐV của anh Nông Văn Chuyền khi hai lần tổ chức thành công chạy tiếp sức từ Hà Giang – Cà Mau; cho thấy tính khả thi khi thực hiện.
Và nguồn cảm hứng thứ 2 quan trọng hơn cả đó là đến từ câu thơ: "Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên/Đường cách mạng dài theo kháng chiến". Tôi đọc rất nhiều tác phẩm của các nhà quân sự nước ngoài viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ, họ đánh giá rất cao công tác hậu cầu của chiến dịch khi đưa quân đội, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị từ miền xuôi lên.
Ý tưởng đầu tiên là tiếp sức từ đâu đó ở Nghệ An, Thanh Hoá bởi đây là hậu phương chính của chiến dịch Điện Biên Phủ song chọn một vị trí cụ thể rất khó.
Lúc này, ý tưởng xuất phát từ Quảng Bình – nơi đặt mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp loé lên, đoàn tiếp sức sẽ vào thắp hương, báo cáo với Đại tướng, mang theo hiện vật xuất phát đường chạy.
Khi đưa ý tưởng này họp với Điện Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh ông Vừ A Bằng đã đề xuất điểm kết thúc là Sở Chỉ huy của Đại tướng ở xã Mường Phăng.
Ý tưởng hình thành từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau và đưa đến thống nhất, đoàn tiếp sức sẽ mang theo kỉ vật là lá cờ Quyết chiến Quyết thắng từ mộ Đại tướng về Sở chỉ huy trên Điện Biên Phủ giống như những đoàn chiến sỹ nhận lệnh của Đại tướng cắm cờ Quyết chiến - Quyết thắng trên nắp hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
"Giải chạy như một lời nhắc nhở những tổ chức, cá nhân làm công tác đảm bảo ATGT kiên trì, bền bỉ, nghiêm túc giống như đang nỗ lực chinh phục cự ly Marathon. Phải luôn thấy mục tiêu giao thông an toàn vẫn còn ở phía trước để hàng ngày phấn đấu. Đồng thời, mỗi cá nhân, muốn xây dựng cho mình văn hoá giao thông an toàn cũng phải nghiêm túc, kiên trì, bền bỉ trong tham gia giao thông mọi lúc, mọi nơi - đó cũng chính là một siêu Marathon cho cả cuộc đời", - ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận