Showbiz

Giai điệu tự hào tháng 6: Lật lại những ký ức hào hùng

25/06/2016, 06:26

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 6 sẽ lật giở những trang nhật ký đầy hào hùng, bi tráng.

Duong Tran Nghia 1

Ca sĩ Dương Trần Nghĩa thể hiện ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao.

20h10 ngày 25/6, chương trình Giai điệu tự hào tháng 6 sẽ trở lại với những câu chuyện âm nhạc về những trang nhật kí, hồi kí và những bức thư của các nhạc sĩ, của người yêu âm nhạc về những ca khúc được yêu thích theo chiều dài lịch sử. Đó là những ký ức hào hùng và tươi đẹp, những trang nhật ký bạc màu, những dòng hồi ký âm nhạc, những bức thư gửi từ hàng chục năm về trước. 

Trong chương trình này, câu chuyện tình yêu đầy xúc động của cô gái Lưu Liên với chàng trai Trần Minh Tiến (sinh năm 1945) nhà nghèo được ghi lại qua cuốn nhật ký Trở về trong giấc mơ do nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng biên soạn, mở ra một câu chuyện âm nhạc khác mà ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu, Thơ: Bùi Minh Quốc) đã nhắc nhớ lại.

Khi nghe Cuộc đời vẫn đẹp sao với phần minh họa trong bài hát, bà Lưu Liên - có mặt trong trường quay chương trình Giai điệu tự hào tháng 6 đã bật khóc. Bà đã quay sang nói với chồng mình, Giáo sư Vũ Hùng rằng: "Cô gái đó chính là em, họ đã kể lại câu chuyện của chúng em bằng âm nhạc".

Theo đó, cuốn nhật ký Trở về trong giấc mơ là câu chuyện tình đẫm nước mắt của đôi trai tài gái sắc ở mảnh đất Hà Đông xưa. Người con trai là Trần Minh Tiến sinh năm 1945, trong một gia đình nghèo nhất ở Hà Đông. Người yêu của anh là cô gái Lưu Liên (tên thật là Nguyễn Thị Lui - phiên âm tên vị vua Pháp là Louis), một tiểu thư khuê các, sinh ra một gia đình tư sản giàu có nhất nhì Hà Đông. Chính vì không môn đăng hậu đối, mối tình của hai người đã bị phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, dù bị ngăn cấm nhưng họ vẫn đến với nhau bằng tình cảm chân thành mãnh liệt.

Khi tròn 17 tuổi, Trần Minh Tiến được tuyển vào để làm cầu thủ bóng đá tại Sư đoàn 308. 2 năm sau, đội bóng tạm ngừng hoạt động, anh chuyển sang Trung đoàn Thủ đô và huấn luyện trên Tam Đảo, sau đó hành quân vào Quảng Trị chiến đấu. Trước khi ra chiến trường, anh Tiến và cô Lưu Liên đều ghi nhật ký. Kỳ lạ là giữa họ như có thần giao cách cảm, tất cả chi tiết anh Tiến trên đường đi Trường Sơn vất vả thế nào, ngủ rừng, tắm suối, đối mặt với B52 ra sao, và hy sinh thế nào, ở nhà cô Lưu Liên cũng tưởng tượng ra. 

Anh Tiến hy sinh đêm 31/5, rạng 1/6/1968 tại Khe Sanh, Quảng Trị. Sau đó anh đã về báo mộng cho cô Lưu Liên nói rằng, ngày mai cô hãy đến một làng ở Hà Đông, để nhận kỉ vật anh gửi về. Cô Lưu Liên theo giấc mộng đó, dắt xe đạp lặng lẽ tìm đến làng bộ đội ta hành quân về trong đêm. Và người cầm cuốn nhật ký - Đại tá Kiều Hưng Thuận (sau này là Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Hà Đông) đã trao lại cho cô kỉ vật của anh Tiến: chiếc khăn tay thêu hoa hồng tím cô tặng anh trước khi lên đường. Anh Tiến đã chiến đấu anh dũng và hy sinh khi tuổi đời mới 23.

Dù người yêu đã hy sinh, nhưng cô Lưu Liên quyết tìm bằng được anh. Tất cả những nơi anh đi qua, những địa danh anh ghi trong nhật ký, sau mấy chục năm cô đều tìm lại. Từ Làng Đồng Bả, cây số 13, cầu Tre, thác Bạc, làng Khai Quang, Khe Sanh...  Đến ngày 15/5/2008, trong chuyến đi về sườn đồi Bằng phía tây Làng Cát, xã ĐaKrông, huyện ĐaKrông (Khe Sanh, Quảng Trị), cô Lưu Liên đã tìm được di hài liệt sĩ Tiến.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.