Góc nhìn

Giải mã mô hình quốc gia hạt nhân Triều Tiên muốn hướng tới

29/05/2018, 14:18

Triều Tiên, một đất nước nghèo ở Đông Bắc Á đã hy sinh rất nhiều để phát triển vũ khí hạt nhân...

32

Ông Kim Jong-un nói chuyện với chuyên gia hàng đầu Triều Tiên về bom nguyên tử

Triều Tiên, một đất nước nghèo ở Đông Bắc Á đã hy sinh rất nhiều để phát triển vũ khí hạt nhân và vẫn đang cố giữ chúng như một bảo bối quan trọng nhằm phòng thủ đất nước cũng như bảo vệ thể chế cầm quyền. Vậy, quốc gia này sẽ lựa chọn mô hình nào khi chuẩn bị đàm phán với Mỹ?

Ám ảnh “mô hình Libya”

Sau những diễn biến gần đây, ngày 28/5, Triều Tiên cho biết, sẽ thúc đẩy và kiên định với thời gian biểu của riêng mình nhằm thực hiện mục tiêu một thế giới phi hạt nhân, coi việc phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri mới đây đóng vai trò quan trọng hướng tới mục tiêu này.

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cho biết: “Triều Tiên đang đi trên con đường mà mình tự đặt ra theo lộ trình của riêng mình, dù các nước khác có thể nói gì và dù có phải chịu đựng phản bác gì”.

Như vậy, chắc chắn Triều Tiên sẽ không lựa chọn đi theo những con đường trước đây của những quốc gia từng sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ hạt nhân. Bình Nhưỡng đã nổi giận khi bị ám chỉ tới kết cục giống như Libya - đất nước đã bị tàn phá và nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ sau khi quyết định phi hạt nhân hóa kho vũ khí của nước mình. Chính quyền ông Kim coi đây là ý đồ “cực kỳ nham hiểm” từ Mỹ.

Theo báo The Atlantic, đối với Triều Tiên, khi so sánh giữa mô hình các quốc gia hạt nhân, ông Kim Jong-un có thể đã thấy rằng: Hai nhà lãnh đạo Saddam, Gaddafi của Iraq và Libya đều có những con đường riêng nhưng kết cục cả hai đều đã chết. Vậy, tại sao Triều Tiên không trở thành một “Pakistan của Đông Á”?

Đối với Bình Nhưỡng, Libya cũng không phải cảnh báo duy nhất về những nguy hiểm khi giải trừ vũ khí hạt nhân. Năm 2003, Iraq tuyên bố từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt và cho phép các thanh tra viên tới đất nước này để kiểm tra. Nhưng cuối cùng, Iraq vẫn phải chịu đựng cuộc xâm lược và lật đổ chế độ của Mỹ, trong đó có sự tham gia của ông John Bolton, người hiện đang là cố vấn của ông Trump.

Thêm một ví dụ nữa, trong năm 2015, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy nới lỏng các lệnh trừng phạt, nhưng vào năm 2018, ông Trump đã phá bỏ thỏa thuận này.

Vậy, đâu là mô hình quốc gia hạt nhân mà Triều Tiên đang hướng tới? Các chuyên gia trên tờ The Atlantic của Mỹ đã tìm ra câu trả lời, nhưng tiếc thay, đây lại là một đất nước giữ nguyên các nguyên tắc phòng thủ hạt nhân - mô hình Pakistan.

Pakistan bắt đầu nghiêm túc theo đuổi vũ khí hạt nhân trong những năm 1970, với mục đích ngăn chặn sự tấn công từ đối thủ Ấn Độ và cũng là để đối trọng với quốc gia láng giềng. Chính trị gia Pakistan Zulfikar Ali Bhutto, người sau này trở thành Thủ tướng tuyên bố: “Nếu Ấn Độ chế tạo bom nguyên tử, chúng ta sẽ ăn cỏ, thậm chí đói nghèo, nhưng chúng ta cũng sẽ có được một thứ vũ khí phòng thủ của riêng mình (bom nguyên tử)”. Tới năm 1998, Pakistan chính thức công khai với thế giới khi thực hiện một loạt các thử nghiệm hạt nhân ở huyện Chagai.

Trong năm 2016, các nhà khoa học nguyên tử ước tính Pakistan có từ 130 - 140 đầu đạn hạt nhân và dự đoán, kho vũ khí hạt nhân của nước này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Thêm vào đó, Islamabad có thể phóng vũ khí hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn trong các trận giao tranh.

Giải mã nguyên nhân

Giới phân tích tin rằng, Triều Tiên đang chú ý đến kinh nghiệm của Islamabad. Cả hai quốc gia đều có nhiều điểm tương đồng chính như việc: Đều phải đối mặt với cuộc chiến dài lâu với quốc gia láng giềng mạnh hơn và từng là một phần của cùng một quốc gia.

Pakistan tách khỏi Ấn Độ từ năm 1947; còn Triều Tiên và Hàn Quốc bị chia tách thành hai quốc gia sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc năm 1945.

Hơn nữa, trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên và Pakistan là những đồng minh thân cận, buôn bán vũ khí và hỗ trợ Iran trong Chiến tranh Iran - Iraq. Từ lâu, hai quốc gia này đã hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu vũ khí hạt nhân.

Năm 2006, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ báo cáo rằng, Bình Nhưỡng đã đưa công nghệ tên lửa đến Islamabad, còn Pakistan chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên, thông qua mạng lưới của kỹ sư hạt nhân người Pakistan Abdul Qadeer Khan.

Trong thập niên 1990, khi Triều Tiên phải trải qua nạn đói khiến 500.000 người bị ảnh hưởng, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển quân sự và nhận dữ liệu quan trọng từ Pakistan để làm giàu uranium. Pakistan thậm chí còn bị nghi là đã tiến hành một cuộc thử hạt nhân cho Triều Tiên.

Theo giới phân tích, Triều Tiên hẳn bị thu hút bởi “mô hình” Pakistan vì trước hết, vũ khí hạt nhân của Pakistan đã ngăn chặn Ấn Độ thành công. Cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971 là thời điểm thất bại ê chề cho Pakistan khi nước này mất tới 90.000km2 lãnh thổ mà nay đã tách ra thành đất nước Bangladesh.

Tuy nhiên, tới năm 1987, tình thế đã thay đổi khi Pakistan tuyên bố: “Nếu lực lượng Ấn Độ vượt qua biên giới Pakistan một inch, chúng tôi sẽ tiêu diệt các thành phố Ấn Độ”. Sau đó, trong cuộc chiến giữa hai nước ở vùng Kashmir năm 1999, Ấn Độ đã chọn cách tránh leo thang, kiềm chế chiến tranh bởi Pakistan đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, khả năng hạt nhân của Pakistan đã khiến phương Tây phải đối xử với nước này theo một cách khác. Mỹ đã cung cấp hàng triệu USD hỗ trợ vật chất để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Pakistan. Washington cũng cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế, mặc dù Islamabad ủng hộ cuộc nổi loạn Taliban đã gây thiệt hại cho quân đội Mỹ tại Afghanistan.

Tất nhiên, để trở thành quốc gia đa số Hồi giáo duy nhất có vũ khí hạt nhân, Pakistan đã phải đánh đổi không ít. Số tiền khổng lồ đổ vào chương trình hạt nhân nếu được chi cho y tế hay giáo dục, có lẽ đã giúp người dân Pakistan sung túc hơn. Thêm vào đó, đất nước này cũng bị cộng đồng quốc tế lên án sau các thử nghiệm hạt nhân năm 1998 và đối mặt với nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.