Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) và Cố vấn an ninh John Bolton (ngoài cùng bên phải) trong cuộc họp với Tổng thống Trump |
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), chính quyền Mỹ đã công khai mục đích tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Tehran và những gì họ mong đợi đạt được từ quốc gia Hồi giáo có thế lực và ảnh hưởng không nhỏ ở Trung Đông này.
Thay đổi chế độ của Iran?
Theo báo The Atlantic, câu trả lời mà nhiều quan chức ngoại giao Mỹ hay đưa ra là: Washington sẽ dùng “áp lực cần thiết để Iran thay đổi hành vi và theo đuổi một khuôn khổ mới có thể giải quyết được những lo ngại của chính quyền Mỹ”.
Về lý thuyết, các biện pháp trừng phạt phải có mục đích cụ thể. Chính quyền Mỹ trước đây đã áp đặt các chế tài chống lại Iran để tạo ra đòn bẩy, từ đó chuyển thành các nhượng bộ khi đàm phán. Đó chính là cách mà ông Obama làm. Vậy, với cách tiếp cận “đảo ngược” những thành quả của người tiền nhiệm, hẳn ông Trump có tính toán khác khi tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran.
Ông Jake Sullivan, cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, Giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định, điểm mấu chốt trong chiến lược của ông Trump ở Iran là việc thay đổi chế độ ở quốc gia Hồi giáo này hay nói cách khác lật đổ chế độ hợp pháp của Tổng thống Iran Hassan Rohani.
Bởi trong những người thân cận nhất của Tổng thống Mỹ hiện nay có hai chính trị gia “hiếu chiến” - Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và tân Ngoại trưởng Mike Pompeo. Cả hai ông này đều công khai “chống Iran” và ít nhiều ngầm ủng hộ việc thay đổi chế độ ở quốc gia Hồi giáo.
“Đôi tai và cái miệng” của Tổng thống Trump quan niệm rằng, việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế giúp Iran thực hiện các chính sách mà Washington cáo buộc là “bành trướng trong khu vực”.
Hoa Kỳ cho rằng, Iran dùng nguồn tài chính dồi dào để can thiệp quân sự tại nhiều nơi như: Iraq, Syria, Lebanon và Yemen. Do vậy, Tehran đang đối đầu trực diện hay gián tiếp với Israel và Arab Saudi - hai đồng minh của Mỹ.
Theo ông Jake Sullivan, các cố vấn “hiếu chiến” của ông Trump hy vọng rằng, tái lập các biện pháp trừng phạt Iran ở mức cao nhất có cơ may thúc đẩy hơn nữa tiến trình gây bất ổn, dẫn đến việc thay đổi chế độ. Suy luận này khá phù hợp với điều ông John Bolton đề cập gần đây: “Tình trạng kinh tế của Iran thực sự không còn vững chắc. Do đó, các lệnh trừng phạt có thể sẽ đạt được kết quả ấn tượng”.
Tuy nhiên, đây cũng là một chiến lược nguy hiểm và rủi ro mà minh chứng rõ nhất chính là Iraq. Từ sau khi lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Saddam Hussein năm 2003 đến giờ, Mỹ đã không làm chủ được tình hình với hệ quả tai hại là sản sinh ra tổ chức khủng bố IS - là nỗi ám ảnh của các quốc gia phương Tây và vẫn lan rộng trên toàn thế giới.
Mỹ có đạt được mục đích?
Đối với ông Trump, vốn là một doanh nhân, không có biện pháp trừng phạt nào hiệu quả hơn là đánh vào “túi tiền” của đối phương. Thực vậy, việc tái lập trừng phạt không chỉ làm cạn kiệt nguồn thu nhập tài chính từ dầu lửa của Iran, mà còn ngăn cản các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ không muốn mạo hiểm nếu bị cấm thâm nhập vào thị trường Mỹ rộng lớn.
Tuy nhiên, giới phân tích bình luận trên báo Atlantic cảnh báo rằng, việc gây áp lực tối đa của Mỹ có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực. Đầu tiên, việc bỏ các ràng buộc trong phát triển hạt nhân của Iran có thể khiến Tehran sớm trở thành quốc gia hạt nhân.
Trong khi đó, yếu tố chính thúc đẩy hoạt động của Iran trong khu vực không phải là sự sẵn có về tiền mà là sự sẵn có của các cơ hội. Thực tế, Iran đã tham gia sâu vào hoạt động giao tranh trên khắp Trung Đông trước khi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 (bao gồm việc hỗ trợ vật chất cho Tổng thống Assad ở Syria, tổ chức Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Dải Gaza và phe đối lập chiến đấu ở Bahrain).
Thêm vào đó, các chuyên gia chỉ ra rằng, có khả năng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không phát huy được hết uy thế vì không có sự đồng thuận của các cường quốc khác trên thế giới.
Từ năm 2010 - 2015, Mỹ có thể tập hợp cộng đồng quốc tế tham gia trong các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn với Iran vì Mỹ đã làm rõ được mục tiêu cụ thể: Kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Còn bây giờ, Mỹ sẽ khó hơn khi yêu cầu các cường quốc châu Âu tham gia chiến dịch gây áp lực kinh tế Iran khi Mỹ “đơn phương” rút khỏi thỏa thuận với Iran, trong khi Tehran lại tuân thủ tốt thỏa thuận này.
Ông Trump và nhóm cố vấn cho rằng, “chỉ cần làm cho các nước khác lựa chọn giữa thương mại với Mỹ hay các giao dịch với Iran; họ sẽ phải làm những gì chúng ta nói”.
Nhưng thực tế, lối tiếp cận và hành xử này sẽ chỉ khiến các quốc gia châu Âu tìm cách “đối chọi” lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì thế, để có thể thay đổi chế độ ở Iran, rõ ràng Tổng thống Trump và nhóm của ông đang toan tính nhiều kế hoạch hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận