Trong nước

Giải mã thất bại gây sốc của Hoàng Xuân Vinh

23/08/2017, 07:32

Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh đã nhận thất bại đau đớn ở nội dung 50m súng ngắn hơi tại SEA Games 29.

17

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (giữa) thất bại tại nội dung 50m súng ngắn hơi

Ngã đau vì nặng gánh

Trưa 22/8, người hâm mộ thể thao Việt Nam háo hức chờ đón tin vui từ trường bắn quốc tế Subang (Kuala Lumpur, Malaysia), nơi nhà vô địch bắn súng Olympic Hoàng Xuân Vinh tranh tài vòng chung kết nội dung 50m súng ngắn bắn chậm. Tuy nhiên, Xuân Vinh thất bại một cách không thể tồi tệ hơn, khi là người đầu tiên bị loại ở viên đạn thứ 12. Mọi hi vọng được dồn vào xạ thủ Trần Quốc Cường nhưng anh cũng tiếp bước đồng đội, bị loại ở viên thứ 14. Việc Xuân Vinh thi đấu thất vọng ở nội dung anh từng giành HCB Olympic (thiếu chút nữa giành HCV) gây sốc cho giới chuyên môn. Bản thân xạ thủ gốc Quảng Trị cũng ngỡ ngàng với chính mình. Anh lầm lũi rời trường bắn, từ chối mọi tiếp xúc với báo giới.

Chia sẻ với Báo Giao thông, nhà báo Đặng Việt Cường, người nhiều năm theo dõi bắn súng Việt Nam và có mặt trực tiếp theo dõi Xuân Vinh thi đấu tại Subang khẳng định: “Xuân Vinh thất bại vì bị tâm lý đè nặng. Ngay từ 5 viên đạn đầu tôi đã dự cảm chẳng lành bởi anh bắn không chắc tay. Với vị thế của một nhà vô địch Olympic, anh phải chịu quá nhiều áp lực, mà trong môn bắn súng, chỉ tâm lý một chút thôi đã là cả vấn đề”.

HLV Nguyễn Thị Nhung, người thày trực tiếp huấn luyện Xuân Vinh cũng cho rằng, học trò của mình không vượt qua được áp lực dẫn tới thi đấu thất vọng. “Chúng ta chưa có tiền lệ chuẩn bị cho một nhà vô địch Olympic dự SEA Games, Hoàng Xuân Vinh thất bại hoàn toàn do gánh nặng tâm lý, bất chấp việc ban huấn luyện không tạo bất kỳ áp lực nào. Chúng tôi đã lường trước mọi việc, nên chỉ giao chỉ tiêu có HCV cho Vinh nhưng cậu ấy vẫn bị đè nặng tâm lý”, HLV Nguyễn Thị Nhung cho hay.

Tuy vậy, nếu nhìn lại thành tích của Xuân Vinh qua các kỳ đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới, có thể thấy 50m súng ngắn bắn chậm tuy là thế mạnh nhưng chưa phải nội dung anh “cứ bắn là có vàng”. Tính ra, chỉ duy nhất một lần anh bước lên bục cao nhất ở nội dung này, tại SEA Games 28 diễn ra ở Singapore năm 2015.

Đã đến lúc cần bác sĩ tâm lý

Việc nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh vấp ngã ở “ao làng”; Ánh Viên thua ở nội dung 200m bơi bướm, hay đội tuyển bắn cung hụt ít nhất hai tấm HCV SEA Games 29 chỉ ra rằng, điểm yếu của thể thao Việt Nam vẫn là vấn đề tâm lý. Thực tế, suốt chiều dài lịch sử kể từ khi hội nhập, thể thao Việt Nam từng nhiều lần phải ôm hận vì VĐV không thắng nổi áp lực, tự thua mình trước khi thua đối thủ. Tại các nền thể thao tiên tiến, VĐV đỉnh cao được chăm sóc toàn diện từ dinh dưỡng, thể chất, chuyên môn đến tâm lý. Chẳng nói đâu xa, ngay như kình ngư Schooling của Singapore, mỗi lần thi đấu luôn có đội ngũ hùng hậu hơn chục chuyên gia đủ lĩnh vực hỗ trợ.

Với tiềm lực còn nhiều hạn chế của thể thao Việt Nam, ở các môn thể thao đỉnh cao, HLV hay chuyên gia đều phải kiêm luôn vai trò bác sĩ tâm lý và hiệu quả mang lại chưa cao. Thế nhưng, để yêu cầu ngành Thể thao một sớm, một chiều giải bài toán này là cực kỳ khó, nếu không muốn nói là không tưởng. Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT thừa nhận, ngành Thể thao đã nghĩ tới việc có bác sĩ tâm lý cho các VĐV đỉnh cao nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành thể thao cũng cho rằng trong huấn luyện có nhiều biện pháp để cải thiện tâm lý thi đấu, bao gồm cả thi đấu cọ xát thường xuyên, chứ không nhất thiết phải cần bác sĩ tâm lý. Bên cạnh đó, không phải môn nào cũng cần bác sĩ tâm lý trợ giúp VĐV.

“Với thể thao đỉnh cao, thắng hay bại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tâm lý chỉ là một trong số đó. Theo tôi, chủ đạo vẫn là phương pháp huấn luyện để VĐV có được điểm rơi vào thời điểm thi đấu chính thức. Đương nhiên, nếu điều kiện cho phép, ngành Thể thao sẽ chú trọng tới khâu cải thiện tâm lý cho VĐV. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn phải trông chờ vào sự linh hoạt, khéo léo của HLV và bản lĩnh thi đấu của VĐV khi thi đấu quốc tế”, ông Thắng chốt lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.