Văn phòng UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại cuộc họp lần thứ 5 của Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm TP và giao ban đầu tư công.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm Thành phố Phan Văn Mãi giao các chủ đầu tư, cơ quan đầu mối chuyên ngành và các đơn vị có liên quan tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, khẩn trương giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc ở cấp độ dự án, cấp độ tổ công tác.
Cụ thể, chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện dự án, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để kịp thời xử lý các thủ tục và vấn đề phát sinh liên quan dự án.
Cơ quan đầu mối chuyên ngành chủ động theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; Các sở, ngành, quận, huyện tập trung xử lý dứt điểm các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu năm ban quản lý dự án có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 thấp hơn tỷ lệ chung của TP (20,2%) phải khẩn trương triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (tỉ lệ giải ngân 8,6%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (7,9%); Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (17,1%) và Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao (0,5%).
Tương tự, bốn quận huyện có tỷ lệ giải ngân thấp gồm UBND huyện Nhà Bè (10,5%), UBND quận 1 (11,6%), UBND quận 10 (8,8%) và UBND quận 5 (13%) cũng được yêu cầu gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Riêng các đơn vị có cơ cấu vốn giải ngân cho chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lớn và dự kiến giải ngân trong quý 4/2024, chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các đơn vị theo dõi chặt chẽ, bám sát việc thực hiện để đảm bảo giải ngân đúng theo kế hoạch đã đề ra. Các đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc không hoàn thành các thủ tục liên quan để giải ngân vốn.
Đối với nhóm các dự án liên quan tới bồi thường, giải phóng mặt bằng và đất đai (30.000 tỷ), UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thực hiện để đảm bảo năm 2024 giải ngân được 28.000 - 30.000 tỷ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; tham mưu, đề xuất UBND thành phố trước ngày 18/10.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải chủ động hướng dẫn các quận, huyện, TP Thủ Đức những thay đổi trong quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời, giám sát, theo dõi chặt chẽ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương liên quan đến dự án.
Về việc theo dõi quá trình thực hiện dự án trên hệ thống phần mềm quản lý đầu tư công, các chủ đầu tư nghiêm túc rà soát, lập kế hoạch cụ thể về nhiệm vụ chi tiết trong việc thực hiện dự án và kế hoạch giải ngân theo số vốn kế hoạch dự kiến giao cả năm 2024; cập nhật lại kế hoạch giải ngân tới ngày 31/1/2025 đối với từng dự án trên hệ thống phần mềm quản lý đầu tư công của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xử lý hồ sơ dự án trọng điểm trong 3 ngày
UBND Thành phố giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sở, ngành, UBND quận, huyện tập trung xử lý các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, đồng thời theo dõi và xử lý dứt điểm các nhiệm vụ tồn đọng trên hệ thống phần mềm.
Đối với các dự án vướng mắc về quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần khẩn trương phân loại và xây dựng phương án giải quyết trong thời gian ngắn nhất.
Các cơ quan liên quan theo dõi và tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, đồng thời báo cáo định kỳ tình hình thực hiện.
Văn phòng UBND Thành phố xử lý gấp hồ sơ các dự án trọng điểm trong thời hạn 3 ngày làm việc và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc bố trí vốn giải ngân. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi tình hình dự án và báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh, phối hợp với Văn phòng UBND trong việc giám sát tiến độ và thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận