Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch được giao, Thủ tướng đánh giá, mức này thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%), chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra.
Có 13 bộ, cơ quan Trung ương và 40 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước được Thủ tướng biểu dương. Ông cũng phê bình 31 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình.
Trước thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Từ đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong thực hiện.
Các cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cụ thể, hiệu quả; phân công thực hiện phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công. Tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất, kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu.
Đẩy nhanh tiến độ, giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Nâng cao hiệu quả hoạt động tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm tổ trưởng. Theo dõi, tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện, bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải quyết thủ tục.
Thủ tướng cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng đơn vị giải ngân tốt và kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm, thay thế cán bộ yếu kém, trì trệ, nhũng nhiễu...
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tổ trưởng các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn. Trong đó làm rõ vướng mắc cụ thể ở dự án nào, khâu nào, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể và cấp thẩm quyền quyết định để xem xét xử lý kịp thời.
Các bộ ngành liên quan theo dõi sát tiến độ giải ngân, báo cáo Chính phủ và giải trình Quốc hội liên quan tới sửa đổi các luật, điều chỉnh kế hoạch vốn; đảm bảo nguồn thanh toán dự án. Tháo gỡ khó khăn thủ tục cấp mỏ, khai thác vật liệu, các quy định mới có hiệu lực của Luật Đất đai, nghị định liên quan, giải phóng mặt bằng...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận