Nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án phần nhiều không phải vốn tự có mà Nhà nước phải đi huy động từ nhiều nguồn, trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ và phải trả lãi. Việc giải ngân chậm đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, lãng phí của cải xã hội. Vậy, giải pháp nào thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công? Báo Giao thông trao đổi với các chuyên gia kinh tế, ĐBQH và người trong cuộc để làm rõ.
Ông Trần Văn Lâm (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):
Công tác điều hành phải xuất phát từ thực tiễn
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong những năm gần đây rất thấp, đúng là có những bất cập. Trong đó, có nguyên nhân từ bất cập trong công tác giao vốn kế hoạch trung hạn, khi không giao vốn theo khả năng, nhu cầu có thể thực hiện được theo từng giai đoạn, từng năm mà lại giao theo tổng mức vốn của dự án.
Có những bất cập này vì chúng ta không nhận diện ra, vẫn làm theo những thủ tục, quy định cứng nhắc nên mới vướng. Nếu chúng ta nhận diện được, điều chỉnh các quy định kịp thời, sẽ không chậm như thế. Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, sẽ có nhiều giải pháp. Như trong công tác điều hành, xử lý, phải xuất phát từ thực tiễn, rồi căn cứ vào đó xây dựng hướng dẫn phù hợp.
Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 (Bộ GTVT):
Cần giao vốn kế hoạch sớm
Để đẩy nhanh công tác giải ngân, quan trọng nhất là các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần phải giao vốn sớm cho các chủ đầu tư, Ban QLDA. Trong đó, vốn đầu tư công cho kế hoạch trung hạn cần được giao ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ để các chủ đầu tư, Ban QLDA triển khai. Nếu cứ giao vốn như thời gian qua sẽ rất áp lực cho các đơn vị bên dưới thực thi. Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam là dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nhưng đến ngày 30/4/2019 mới được giao vốn, hay dự án nâng cấp mặt đường Quản Lộ - Phụng Hiệp cũng đến tháng 8/2019 mới được giao vốn.
Việc giao vốn muộn, vốn lớn, trong khi thời gian kế hoạch trung hạn sắp hết nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại yêu cầu phải tiêu hết số vốn đã giao là áp lực rất lớn. Hiện nay, chúng tôi đang phải chạy hết công suất để đảm bảo tiến độ các dự án, kế hoạch giải ngân, mai kia cấp trên có kỷ luật vì không đạt yêu cầu giải ngân thì cũng phải chịu chứ chẳng biết kêu ai.
Tôi cho rằng, để việc giao vốn kế hoạch đầu tư công đáp ứng yêu cầu, Quốc hội khóa này cần thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025, sau đó, Quốc hội khóa tới được bầu sẽ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn tiếp theo. Cứ làm như hiện nay, các cơ quan thừa hành sẽ rất áp lực và chất lượng các công trình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi, bình thường một công trình làm trong thời gian khoảng 3 - 5 năm, nhưng nay vốn giao muộn, lại sắp hết thời gian của kế hoạch trung hạn, công trình chỉ có một năm để hoàn thành nên chất lượng công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng.
PGS. TS. Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả):
Chấn chỉnh các chủ đầu tư, Ban QLDA yếu kém
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương và đã đưa ra rất nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt. Tôi cho rằng, để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công bây giờ là vấn đề thực thi của các bộ, ngành, địa phương mà thôi.
Tôi được biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt hơn 40% kế hoạch, trong đó có nơi giải ngân chỉ đạt 10%, 20%, cao nhất là 60%, rõ ràng là cùng một cơ chế, chính sách nhưng có nơi cao, nơi thấp như vậy là do năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đều đưa ra các giải pháp, thậm chí chế tài rất nghiêm đối với các chủ đầu tư, Ban QLDA không đạt kết quả giải ngân. Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công thời gian qua, tôi cho rằng, ngoài một số yếu tố khách quan do cơ chế, chính sách, còn lại phần lớn là do nguyên nhân chủ quan từ năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Vì thế các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp mạnh mẽ để đốc thúc, chấn chỉnh các chủ đầu tư, Ban QLDA và xử lý nghiêm các đơn vị yếu kém làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ GTVT xử nghiêm đơn vị giải ngân chậm
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của các dự án giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, tiến độ giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc chủ yếu vào các Ban QLDA. Ban QLDA chính là đơn vị ký hợp đồng với các bên liên quan và sử dụng tiền để triển khai. “Đơn vị nào giải ngân dưới 95%, Bộ GTVT sẽ không giao thêm nhiệm vụ trong năm tới. Đặc biệt, nếu kết quả giải ngân không đạt từ 95% trở lên, toàn bộ lãnh đạo của các Ban QLDA đều không được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Để đẩy nhanh công tác giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã ký văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, đôn đốc tiến độ thi công và giải ngân các dự án do Bộ GTVT quản lý trong 4 tháng cuối năm 2019. Các chủ đầu tư, ban QLDA cần chỉ đạo nhà thầu lập tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục, khối lượng công việc còn lại của dự án; huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu, làm tăng ca, tăng mũi thi công để triển khai đáp ứng tiến độ. “Bộ GTVT sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân các chủ đầu tư, ban QLDA nếu để xảy ra chậm trễ, không đảm bảo tiến độ giải ngân và đưa vào đánh giá xếp hạng chủ đầu tư, Ban QLDA năm 2019”, văn bản nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA rà soát tổng thể tình hình nghiệm thu thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành đối với từng gói thầu, dự án, những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành của từng gói thầu, dự án; kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các nhà thầu về hồ sơ thủ tục nghiệm thu, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận