Nhờ triển khai hiệu quả các phương án phòng, chống dịch, năm 2021, nhịp tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn được duy trì.
Giải nguy Cát Lái
Những ngày đầu năm mới 2022, ông Phạm Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải TP.HCM vẫn nhớ như in những ngày tham gia giải nguy cho cảng Cát Lái.
“Cuối tháng 7/2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát rất mạnh tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa khiến lượng hàng tồn tại bãi cảng Cát Lái tăng chóng mặt. Lúc đó, nếu không giải quyết sớm, đến giữa tháng 8/2021, lượng hàng tồn bãi sẽ đạt đỉnh đến hơn 97%, nguy cơ cảng phải dừng tiếp nhận tàu”, ông Toàn kể.
Vượt “bão Covid-19”, cảng biển Việt Nam đã cán đích năm 2021 với những con số tăng trưởng ấn tượng
Cảng Cát Lái đảm nhận hơn 40% hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước, tiếp nhận chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang (hiện là Thứ trưởng Bộ GTVT) trực tiếp vào giải nguy cho Cát Lái.
Tại TP.HCM, Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải VN lập tức được thành lập. Tăng năng lực giải phóng hàng ra khỏi cảng là một trong 3 nhóm giải pháp lớn được đưa ra.
Một tuần ròng rã, lãnh đạo Cục Hàng hải VN và đội chuyên trách của Tân Cảng Sài Gòn làm việc với hơn 500 DN có hàng nghìn container tồn đọng. Chúng tôi làm việc cả ngày lẫn đêm, tranh thủ cả giờ ăn để chạy đua với thời gian để xác định từng loại hàng, khối lượng hàng để có phương án xử lý.
Sau khi tiếp xúc với các DN, hai giải pháp tiếp theo chúng tôi đề xuất là giảm lượng hàng về Cát Lái, giảm tối đa lượng từ Cái Mép về; cùng đó, điều tiết hàng tồn trong bãi cảng Cát Lái đưa ra các ICD trong hệ thống của Tân Cảng Sài Gòn.
“Các giải pháp được thực hiện đồng thời, không kể ngày đêm. Cơ quan chức năng ban ngày cùng DN tiếp xúc chủ hàng, đêm làm báo cáo để kịp thời tham mưu, xin ý kiến Bộ GTVT. Các cuộc họp có thể tổ chức luôn trong đêm nếu có vấn đề nổi cộm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ, ngành liên quan, chỉ sau khoảng một tuần, hàng hóa qua cảng Cát Lái cơ bản được điều tiết, lượng hàng tồn tại bãi xuống 82,5%, đạt ngưỡng an toàn để tiếp nhận hàng hóa (dưới 85%) cho đến tận bây giờ”, ông Toàn nói.
“Hạ nhiệt” cước vận tải container tăng phi mã
Không chỉ rốt ráo tháo gỡ nút thắt ở cảng biển, trong 3 tháng cao điểm dịch (từ tháng 7 - 10/2021), không khí làm việc tại trụ sở Cục Hàng hải VN cũng sục sôi bởi các cuộc đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp diễn ra liên hồi.
“Giá cước vận tải container tăng phi mã, sự hao hụt nhân lực cảng biển do thời gian “3 tại chỗ” kéo dài, khơi thông nguồn vaccine cho thuyền viên là những vấn đề liên tục được đưa ra bàn luận. Có những cuộc họp trực tuyến thu hút hơn 100 DN, hiệp hội tham gia. Nhờ đó, những kiến nghị lên cấp có thẩm quyền cũng đúng hơn, trúng hơn”, một lãnh đạo phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải VN nói.
Quản lý một hoạt động hàng hải tại một trong hai khu vực cảng biển lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải (CVHH) Hải Phòng không quên được lần đầu tiên Covid-19 xâm nhập vào địa bàn phụ trách.
Đó là vụ việc tàu Phú An 369 hành trình từ Palembang (Indonesia) đến Hải Phòng ngày 17/7/2021, dự kiến cập cảng Hoàng Diệu để trả hàng. Ngay sau khi tàu vào khu neo Hòn Dáu, cơ quan y tế tại Hải Phòng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện 2/16 thuyền viên trên tàu dương tính Covid-19.
“Đối diện tình huống nguy cấp, CVHH Hải Phòng đã nhanh chóng phối hợp các đơn vị liên quan lên phương án di chuyển tàu từ khu neo Hòn Dáu đến khu neo Lạch Huyện 2 (Cát Hải) để chuyển thuyền viên dương tính lên bệnh viện điều trị, thuyền viên âm tính chuyển lên bờ cách ly tập trung, kịp thời ngăn chặn nguy cơ “vùng xanh” cảng biển bị phá vỡ”, ông Vũ nhớ lại.
Cơ hội rộng mở...
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, nhờ triển khai hiệu quả các phương án phòng, chống dịch, năm 2021, nhịp tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam vẫn được duy trì, ước tính đạt 703 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEU, tăng 6%.
Khu vực cảng biển Hải Phòng cũng có được đà tăng ấn tượng với gần 92 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2020, hàng container đạt hơn 64,5 triệu tấn, tăng 9%. Số lượt tàu biển qua cảng biển ước đạt 17.440 lượt và lượt phương tiện thủy nội địa đạt 20.100, tăng 8%.
Một trong những cảng có sức rướn mạnh mẽ trong bão dịch phải kể đến là Cảng Hải Phòng.
Ông Nguyễn Tường Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, vượt qua sức ép của Covid-19, Công ty CP Cảng Hải Phòng và các công ty Cảng Hải Phòng nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 trước 21 ngày.
Tính đến ngày 10/12/2021, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hợp nhất năm 2021 của công ty hoàn thành với tổng sản lượng thông qua cán mốc chỉ tiêu kế hoạch năm là 37,5 triệu tấn. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hoàn thành vượt mức kế hoạch giao (hơn 673 tỷ đồng).
Riêng Cảng Hải Phòng (Công ty mẹ) dự kiến năm 2021, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt trên 500 tỷ đồng, tăng trưởng trên 30% so với thực hiện năm 2020.
Năm 2021, Cảng Hải Phòng còn phát triển thêm được 2 tuyến dịch vụ mới kết nối Hải Phòng với khu vực Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ, nâng tổng số tuyến dịch vụ kết nối đến cảng lên con số 17.
Sự kiện đánh dấu một năm thành công của Cảng Hải Phòng là việc lọt top 50 cảng biển khai thác container hoạt động hiệu quả nhất thế giới cùng với hai cảng khác của Việt Nam. “Đó là thành tựu từ hiệu quả của các biện pháp phòng Covid-19, sự ứng dụng công nghệ mạnh mẽ với mô hình cảng điện tử Eport, điện tử hóa thủ tục thanh toán và tự động hóa quá trình giao nhận container, trao đổi dữ liệu hải quan”, ông Tường Anh chia sẻ.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, để kịp thời đón nhận cơ hội và đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, năm 2022, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục chỉ đạo các cảng vụ linh hoạt các phương án phòng Covid-19 trong bối cảnh bình thường mới; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thủ tục trực tuyến.
“Cục Hàng hải VN sẽ chỉ đạo xuyên suốt, khi nào còn Covid-19 thì các DN cảng biển, cảng vụ còn phải chuẩn bị, dự phòng kịch bản điều tiết hàng hóa giữa các bến cảng, tuyệt đối không để cảng tắc, chuỗi cung ứng đứt gãy”, ông Giang nói.
Lãnh đạo CVHH Hải Phòng cho rằng, giải pháp chống dịch hiệu quả cộng với việc cảng Hải Phòng lọt vào bảng xếp hạng cao sẽ giúp cảng biển khu vực nói chung, cảng Hải Phòng nói riêng có được vị thế, thu hút sự quan tâm của các hãng tàu lớn, những tuyến dịch vụ đường biển kết nối đến Hải Phòng sẽ tăng nhiều hơn trong năm 2022.
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động tại cảng biển, năm 2021, hai khu vực cảng biển lớn nhất cả nước là Hải Phòng và TP.HCM đã cùng DN đề xuất cơ quan có thẩm quyền bố trí tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 40.000 lao động hàng hải.
Trong đó, CVHH Hải Phòng là đơn vị tiên phong đề xuất cơ quan y tế địa phương bố trí tiêm vaccine lưu động ngay tại tàu cho hơn 2.500 thuyền viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận