Hạ tầng

Giải pháp mới quyết làm 5.000km cao tốc

10/05/2021, 10:00

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì rất khó. Vậy giải pháp sẽ là gì?

img

Đến nay, cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Ảnh: Tạ Hải

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án cao tốc Bắc - Nam mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị về chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc” và chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam cho giai đoạn này.

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì rất khó. Vậy giải pháp sẽ là gì? Các cơ chế, chính sách hiện nay có gì vướng mắc cần phải tháo gỡ để hoàn thành được mục tiêu này?

Đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km cao tốc

Gần hai tuần qua, hàng chục cán bộ, chuyên viên của Vụ KH-ĐT và Vụ Đối tác công tư (PPP) đã không có ngày nghỉ, dồn sức hoàn thiện dự thảo báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ GTVT.

Ông Phạm Văn Long, người từng tham gia xây dựng báo cáo chủ trương đầu tư của nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia khi còn công tác tại Tổng công ty Tư vấn thiết GTVT (TEDI), vừa về làm chuyên viên tại Vụ KH-ĐT gần 2 tháng, không khỏi “ngợp” trước khối lượng công việc đang thực hiện.

“Hơn một tuần qua, chúng tôi đang làm ngày làm đêm để khớp nối các nội dung trong dự thảo báo cáo. Kể cả kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa rồi anh em cũng tình nguyện ở lại làm để chạy đua tiến độ công việc”, ông Long tâm sự.

Một chuyên viên khác thuộc Vụ Đối tác công tư PPP chia sẻ thêm: “Khoảng thời gian này, có được 5 - 10 phút nghỉ trưa với anh em cũng quý như vàng”.

Tinh thần làm việc khẩn trương không chỉ diễn ra tại Vụ KH-ĐT và Vụ PPP mà đang lan tỏa khắp các đơn vị liên quan khác. Đặc biệt ở cấp lãnh đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các Thứ trưởng liên tục chủ trì các cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan từng bước thống nhất các nội dung nhằm sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo để Chính phủ trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét cho ý kiến trong thời gian tới.

“Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có 5.000km cao tốc, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu trong từng thời kỳ trung hạn làm cơ sở cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện”, ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ PPP thông tin và cho biết thêm, đến nay, cả nước có 1.163km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079km.

Trong dự thảo báo cáo của Chính phủ cũng đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc trong cả nước.

Đầu tư hàng loạt tuyến cao tốc mới

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành 871km cao tốc để đến năm 2025, cả nước có khoảng 2.950km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công mới khoảng 1.176km.

Gồm một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (hoàn thành 375km, khởi công 387km); khu vực phía Bắc đưa vào khai thác 2 tuyến dài 74km (Cửa khẩu Hữu Nghị - TP Lạng Sơn, Chợ Mới - Bắc Kạn) và khởi công 4 tuyến cao tốc dài 337km (Vành đai 4 TP Hà Nội, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai).

Đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 139km (Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc) và khởi công tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong dài 105km;

Khu vực phía Nam hoàn thành 2 tuyến cao tốc dài 147km (Biên Hòa - Vũng Tàu, Chơn Thành - Đức Hòa) và khởi công 3 tuyến mới dài 194km (Vành đai 3 TP HCM, TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Chơn Thành);

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành 3 tuyến dài 136km (Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Rạch Sỏi, An Hữu - Cao Lãnh) và khởi công 2 tuyến cao tốc dài 153km (Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng - Trần Đề).

Để đạt mục tiêu có khoảng 5.000km vào năm 2030, ngoài việc hoàn thành 1.176km khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025, cần đầu tư hoàn thành thêm tối thiểu 874km đường bộ cao tốc.

Trong đó, Chính phủ đặt ra kế hoạch khu vực phía Bắc đầu tư hoàn thành 3 tuyến dài 363km (Mộc Châu - Sơn La, Phú Thọ - Chợ Bến, Vành đai 5 TP Hà Nội); khu vực miền Trung và Tây Nguyên đầu tư hoàn thành 3 tuyến dài 299km (Vinh - Thanh Thủy, Quy Nhơn - Pleiku, Bảo Lộc - Liên Khương);

Khu vực phía Nam đầu tư hoàn thành 2 tuyến dài 170km (Vành đai 4 TP HCM và Gò Dầu - Xa Mát); khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành 2 tuyến dài 207km (Hà Tiên - Rạch Giá và Hồng Ngự - Trà Vinh).

“Với kế hoạch triển khai của Chính phủ, đến năm 2030, cả nước sẽ hoàn thành khoảng 5.165km. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế và khả năng cân đối nguồn lực, sẽ kêu gọi đầu tư thêm một số tuyến cao tốc thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thành nói.

Đồng thời cũng cho hay, về quy mô đầu tư, giai đoạn hoàn thiện xây dựng đảm bảo quy mô theo quy hoạch 4 - 6 làn xe, một số đoạn cửa ngõ trung tâm kinh tế, đường vành đai đô thị lớn quy mô 6 - 8 làn xe.

Trong giai đoạn phân kỳ sẽ lựa chọn quy mô đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP cho rằng, để thực hiện chủ trương có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 cần áp dụng linh hoạt các phương thức đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Đặc biệt, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn và sử dụng nguồn lực, nhất là thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc theo phương thức PPP.

“Chúng ta cần tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư theo hình thức PPP, chỉ triển khai đầu tư công đối với một số dự án không thể triển khai theo phương thức PPP hoặc không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đặc biệt, đối với các dự án cao tốc đầu tư công, sau khi hoàn thành cần thiết phải thu phí để hoàn vốn Nhà nước, tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông”, ông Huy chia sẻ.

Theo ông Huy, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng.

Đối với nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã giao các địa phương cân đối nguồn, chủ trì thực hiện 37.168 tỷ đồng, ngân sách Trung ương cần bố trí 182.355 tỷ đồng, trong đó đã cân đối được 138.000 tỷ đồng, đang còn thiếu khoảng 44.355 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn 2026 - 2030 khoảng 395.670 tỷ đồng, gồm: Ngân sách Nhà nước 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng.

Đề cập đến giải pháp về nguồn vốn để thực hiện, ông Huy cho biết, đối với nguồn vốn ngân sách sẽ sử dụng nguồn lực Nhà nước phân bổ theo đầu tư công trung hạn, cân đối bổ sung từ nguồn vượt thu, nguồn dự phòng đầu tư công, nguồn vốn cân đối từ ngân sách địa phương.

Đồng thời, cần sử dụng nguồn thu phí trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, các nguồn tài trợ, vay ưu đãi vốn ODA để đầu tư và cơ quan thẩm quyền xem xét tăng tỷ trọng nguồn vốn ngân sách cho lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.

“Đối với nguồn vốn huy động, Chính phủ cần hình thành gói tín dụng để hỗ trợ vay vốn cho các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP và bổ sung các dự án đường bộ cao tốc vào đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định tại Nghị định 32/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước và mở rộng cho một số ngân hàng thương mại cổ phần”, ông Huy nói và cho biết, khi đầu tư theo hình thức PPP cần lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu 15%, chủ động huy động các nguồn vốn vay…

Ngoài ra, ông Huy cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành một số cơ chế, chính sách để thực hiện như: Nâng mức vốn Nhà nước tham gia dự án PPP lên trên 50% tổng mức đầu tư dự án (Luật PPP quy định vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50%); kết hợp sử dụng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương… nhằm đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Trao đổi thêm với Báo Giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, nguồn vốn đầu tư là yếu tố giữ vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030.

“Ngoài vốn ngân sách từ nguồn kế hoạch trung hạn cần phải đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP. Đặc biệt, Chính phủ cần có những giải pháp ủy quyền mạnh mẽ cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền để triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn từ công tác giải phóng mặt bằng đến xây lắp”, ông Mười nói.

Theo ông Mười, việc phân cấp ủy quyền cho các địa phương làm dự án cao tốc cần có các tiêu chí rõ ràng, không phải địa phương nào cũng có thể được ủy quyền để làm chủ đầu tư.

“Chỉ được phương nào có điều kiện về nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư và cam kết thực hiện dự án thì mới được giao dự án để thực hiện.

Để thực hiện được việc này, chúng ta phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định phù hợp với định hướng phát triển của ngành GTVT trong giai đoạn tới, đảm bảo hoàn thành mục tiêu có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030 ”, ông Mười chia sẻ.

Trình Quốc hội thông qua chủ trương trong tháng 7/2021

Ngày 26/4/2021, tại phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bộ GTVT rất cố gắng, trong thời gian ngắn đã tích cực chuẩn bị phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng nhấn mạnh, để đảm bảo hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện tờ trình Bộ Chính trị về chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc” và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam cho giai đoạn này.

Thủ tướng lưu ý, các chủ trương này phải được lấy ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ KH - ĐT, Bộ Tài chính… trước khi báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét thông qua. Sau đó sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến làm cơ sở trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7 tới).

PGS.TS. Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế):
Áp dụng mô hình hiệu quả của các nước trên thế giới

Trước hết, Chính phủ cần tổng kết đánh giá lại kết quả đầu tư đường cao tốc trong thời gian qua, cái gì đã làm được, cái gì chưa, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Những mặt tích cực thuận lợi cần phải phát huy, mặt hạn chế cần xóa bỏ.

Tôi cho rằng, để hoàn thành mục tiêu tới năm 2030 có 5.000km trong cả nước, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn. Nếu chỉ trong chờ nguồn ngân sách, chắc chắn mục tiêu này sẽ không thể hoàn thành mà bắt buộc phải có cơ chế huy động vốn xã hội hóa thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư.

Trong đầu tư theo PPP, chúng ta cần nghiên cứu, áp dụng cách làm hiệu quả từ các nước trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, họ thành lập các quỹ đầu tư hạ tầng hoặc cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình để hỗ trợ đầu tư theo hình thức PPP rất hiệu quả, chúng ta cần học hỏi, áp dụng kinh nghiệm của các nước để phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam.

Ông Phạm Văn Khôi (Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành):
Giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc, Nhà nước cần phải có các cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào hệ thống đường cao tốc. Các quy định của Luật PPP cần được thực hiện triệt để nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp về đơn giá, định mức trong đầu tư xây dựng, chứ không thể “bóp” nghẹt như thời gian qua khiến nhiều nhà thầu thi công chưa làm đã nhìn thấy lỗ.

Hơn nữa, để đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư tham gia vào dự án PPP cao tốc trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư chủ động áp dụng các công nghệ tiến tiến, thiết bị hiện đại vào thi công để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và giảm giá thành công trình.

Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án phải đi trước một bước, khi nhà đầu tư vào sẽ có mặt bằng sạch để triển khai công trình. Để làm được việc này, Chính phủ cần có cơ chế giao UBND các tỉnh, thành nơi dự án đi qua thực hiện với các mốc thời gian cụ thể để quy trách nhiệm.

Trong công tác lựa chọn nhà đầu tư các dự án PPP cao tốc sắp tới, cơ quan chức năng cần đưa ra quy định tăng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (từ 15 - 30% tổng mức đầu tư dự án) để lựa chọn được các nhà đầu tư có đủ năng lực, mạnh về tài chính, từ đó các ngân hàng mới yên tâm cho vay vốn tín dụng.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách cho phép doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu công trình, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ… để đầu tư vào các dự án đường bộ cao tốc.

Đình Quang (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.