Cấp cả bìa đỏ lên đất hành lang đường sắt
Ngày 13/12, Cục Đường sắt Việt Nam và Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND các huyện Quỳnh Lưu, TX Thái Hòa và các đơn vị thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã kiểm tra, đánh giá thực trạng vi phạm trên tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn.
Tình trạng người dân xây dựng công trình trên đất hành lang đường sắt đoạn ga Nghĩa Đàn
Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn có tổng chiều dài 30km được xây dựng năm 1966. Điểm đầu là ga Cầu Giát (Quỳnh Lưu), điểm cuối là ga Nghĩa Đàn (nay là TX Thái Hòa). Thời kỳ hoàng kim, tuyến đường này giúp kết nối khu vực Tây Bắc Nghệ An với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đến năm 2006, tàu khách ngừng hoạt động và đến năm 2012 thì tàu hàng cũng ngừng hoạt động.
Sau 10 năm không có tàu chạy, trên tuyến đường này đã và đang xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng, lấn chiếm hành lang đất dành cho đường sắt, hành lang an toàn đường sắt.
Cụ thể, theo thống kê có 217 điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang đường sắt (huyện Quỳnh Lưu 61 điểm và thị xã Thái Hòa 156 điểm).
Đoàn đã trực tiếp kiểm tra thực tế hiện trạng lối đi tự mở, tập kết vật liệu lên đường ray tại đoạn qua thôn tuần B, xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu); thực trạng xây dựng đường giao thông đường bộ lấp luôn đường ray xe lửa ở phường Đông Hiếu, TX Thái Hoà và việc xây dựng các công trình tạm bợ, tường rào, sân bê tông, mái hiên lên đất hành lang an toàn đường sắt tại các ga Nghĩa Thuận và ga Nghĩa Đàn.
Đoạn xã Nghĩa Mỹ có hơn chục hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đất hành lang đường sắt
Đoàn cũng kiểm tra việc người dân xây dựng nhà ở kiên cố tại trên đất hành lang đường sắt như trường hợp gia đình anh Bùi Việt Cường ở xóm 3, xã Nghĩa Thuận. Tại khu vực xã Nghĩa Mỹ, TX Thái Hoà - nơi có đến hơn chục hộ dân được chính quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng đất trong hành lang đường sắt; trong đó, hộ có diện tích đất hành lang đường sắt lớn nhất được cấp vào trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đến 40m2.
Đoàn cũng đi kiểm tra hiện trạng cơ sở hạ tầng các nhà ga Quỳnh Châu, Nghĩa Thuận và ga Nghĩa Đàn và hiện trạng sử dụng đất làm bãi bốc xếp ở các ga này.
Về lối đi tự mở đoạn qua thôn tuần B, xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), đại diện chính quyền xã cho biết, ban đầu người dân có văn bản xin phép được thi công lối đi tự mở này, địa phương kiên quyết không cho. Thế nhưng sau đó người dân đã âm thầm, tự ý làm để đi lại.
Đại diện UBND phường Hòa Hiếu (TX Thái Hoà) cũng cho biết: Sau năm 2012 tàu ngừng chạy, thì từ 2012 - 2016 có 46 hộ ở khối Tân Phú lấn chiếm hành lang để làm mái che, công trình tạm. Trong năm 2016, địa phương đã phối hợp với ngành đường sắt giải tỏa và làm mương để phân giới. Sau đó, do tàu không hoạt động nên cây cối mọc um tùm, bùn đất lầy lội… nên người dân lại tái lấn chiếm. Vừa rồi, địa phương đã tiến hành giải tỏa, hiện còn 3 hộ đang tháo dỡ mái tôn nằm trong phạm vi hành lang.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận (TX Thái Hoà) cho biết: Trước đây có hơn 100 điểm vi phạm, chủ yếu là người dân dựng mái che, hàng rào, xây nhà vệ sinh lên hành lang an toàn đường sắt. Cách đây 1 tháng, thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh, địa phương đã tiến hành giải tỏa, hiện chỉ còn 12 hộ vi phạm về mái che, xây dựng nhà vệ sinh kiên cố trên đất hành lang đường sắt.
Gia đình anh Bùi Việt Cường ở xóm 3, xã Nghĩa Thuận xây dựng nhà kiên cố trong đất hành lang đường sắt
Cắm mốc lộ giới, phân loại vi phạm để từng bước xử lý
Theo đại diện chính quyền các phường, xã; UBND huyện Quỳnh Lưu, TX Thái Hoà và các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân tình trạng vi phạm đến kết cấu hạ tầng, lấn chiếm hành lang đất dành cho đường sắt, hành lang an toàn đường sắt.
Cụ thể, do lịch sử để lại, nhiều vi phạm hiện nay đã có từ nhiều năm, thậm chí là nhiều chục năm trước. Tuyến đường sắt Giát - Nghĩa Đàn đã 10 năm không có tàu chạy, người dân nghĩ sẽ không hoạt động nữa nên lấn chiếm.
Ngoài ra, do bị bỏ không nhiều năm nên cây cối, cỏ dại mọc lên che lấp các hiện trạng ngày xưa nên việc xác định ranh giới gặp khó khăn. Và cuối cùng là việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành đường sắt từ phát hiện, ngăn chặn cho đến xử lý các trường hợp vi phạm, tái vi phạm của người dân chưa cao, chưa nhuần nhuyễn.
Sau khi lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, ông Phan Huy Chương, Phó Ban Chuyên trách Ban ATGT tỉnh Nghệ An đề nghị, thời gian tới ngành đường sắt cần phối hợp với các địa phương tiến hành tổng rà soát lại các vị trí vi phạm. Sau đó, ngồi lại với nhau phân loại ra các hình thức, mức độ vi phạm từ đó đề ra giải pháp xử lý phù hợp.
Trên tuyến đường sắt cầu Giát - Nghĩa Đàn có nhiều công trình đường bộ cắt ngang qua lấp luôn cả đường ray
Ngành đường sắt và các địa phương phối hợp để xác định lại nguồn gốc đất, cắm mốc lộ giới từ đó có phương án bảo vệ. Cần thiết, ngành đường sắt cần lập 1 dự án bảo vệ, rồi rào lại để từ đó có căn cứ quy trách nhiệm khi địa phương nào để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Phó Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng và Kết cấu hạ tầng đường sắt, Cục đường sắt Việt Nam mong muốn các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và bảo vệ kết cấu hạng tầng và hành lang an toàn đường sắt nói riêng.
Ông Anh cũng cho rằng, ngành đường sắt và các địa phương cần ngồi lại với nhau để cùng rà soát lại các điểm vi phạm, từ đó phân ra để có lộ trình, phương án giải quyết dứt điểm.
Về việc cắm mốc lộ giới, ông Anh cho biết, việc này cần phải có kinh phí, trong khi chưa thực hiện được thì ngành đường sắt sẵn sàng cung cấp hệ toạ độ hoặc giải bình đồ để xác định được ranh giới của đất đường sắt với đất địa phương quản lý.
Phó Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng và Kết cấu hạ tầng đường sắt, Cục đường sắt Việt Nam cũng giao Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh làm đầu mối chung, các địa phương có vấn đề, hồ sơ gì thì phối hợp. Trường hợp vượt cấp thì báo cáo với cấp có thẩm quyền để sớm phối hợp, tháo gỡ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận