Phát biểu được Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh tại Hội thảo “Quảng Trị: Hiện thực hóa tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung” do UBND tỉnh phối hợp Báo Công thương, đơn vị chức năng tổ chức sáng 6/9.
Theo ông Đồng, tỉnh hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất đạt 714MW, đã đưa vào vận hành thương mại 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại. Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5MW (chưa bao gồm khoảng 100MW hệ thống điện mặt trời mái nhà).
Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để triển khai thực hiện, trong đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.
Hội thảo là dịp để trao đổi, đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Từ những tiềm năng và kết quả bước đầu, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030.
"Bức tranh công nghiệp năng lượng Quảng Trị mặc dù còn thô sơ, cần phải tiếp tục hoàn thiện, mài dũa nhưng cũng đã có “hình hài, dáng dấp” và là minh chứng cho những nỗ lực, hướng đi của tỉnh trong việc xác định công nghiệp năng lượng là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh là chính xác. Công nghiệp năng lượng mở ra cho Quảng Trị một hướng phát triển mới, kỳ vọng để bứt phá, tạo vị thế cho tỉnh phát huy vai trò trong liên kết vùng", ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, công nghiệp năng lượng được tỉnh xác định là lĩnh vực đột phá phát triển, hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước
Ông Phùng Mạnh Ngọc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho hay, theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Theo dự báo, tỉnh Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng tới hơn 14.000 MW. Trong đó, những lĩnh vực tiềm năng nhất là điện khí, điện gió, điện mặt trời. Tỉnh Quảng Trị còn nhiều dư địa để phát triển năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng.
“Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, trên cơ sở phát triển năng lượng một cách bền vững; tận dụng và sử dụng hiệu quả các tiềm năng năng lượng tái tạo đồng thời phù hợp định hướng quy hoạch điện VIII”, ông Ngọc nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Quảng Trị cần lật ngược tình thế biến những bất lợi thành yếu tố có lợi để phát triển kinh tế xã hội, trong đó đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, tỉnh này cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận phát triển và giải pháp phải khác biệt. Với đặc thù địa hình, khu vực phía Tây của tỉnh sẽ là “thủ phủ điện gió”, khu vực phía Đông phát triển điện khí, điện mặt trời và nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Cũng theo ông Thiên, điều kiện khả thi để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung vào năm 2030 là ứng dụng công nghệ, nhu cầu năng lượng của thời đại; tầm nhìn, khát vọng phát triển của Quảng Trị, hành động cải cách của chính quyền, định hướng quốc gia, sự hiện diện sẵn sàng của các doanh nghiệp…
"Quảng Trị không chỉ có điện gió mà có tiềm năng du lịch rất lớn. Du lịch Quảng Trị khác thường, đặc sắc cực kỳ, biết làm sẽ ăn to. Lâu nay không làm được chứng tỏ nó khó. Quảng Trị chưa nghĩ ra được thì nhờ, thuê, trả tiền cho người khác để người ta nghĩ. Bởi vì phát triển du lịch là cái cách mà dân được lợi ích rõ ràng nhất, chứ làm điện gió chưa chắc người dân được hưởng", PGS.TS Thiên bày tỏ.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư bàn thảo những giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc, góp phần phát triển năng lượng tại Quảng Trị một cách bền vững, hiệu quả
TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia Kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, Quảng Trị nên có tầm nhìn lâu dài nhưng thiết thực về việc phát triển năng lượng. Trong đó, cần tạo nhu cầu cho việc sử dụng năng lượng tại địa phương nhiều hơn, năng lượng tạo ra trước hết phục vụ cho địa phương.
"Tỉnh nên xem phát triển năng lượng là động lực phát triển kinh tế, tuy nhiên phải chú trọng đô thị hoá và công nghiệp hoá. Tăng cường nguồn cầu ở bên ngoài tỉnh, nhất là ở miền Bắc, miền Nam và có thể là khu vực các nước ASEAN. Vì thế, cần phải đầu tư, xây dựng hệ thống chuyển tải năng lượng xứng tầm", ông Cung nói.
Cũng theo TS. Cung, để thực hiện điều này, Quảng Trị cần đồng hành với doanh nghiệp, các địa phương khác cùng vận động để chính sách của Trung ương ưu tiên kết nối năng lượng tái tạo từ vùng này lên lưới và phát triển hệ thống truyền tải sang hai đầu Bắc - Nam. Đồng thời, phải suy nghĩ đến việc kết nối hệ thống truyền tải với vùng ASEAN, từ đó có thể bán năng lượng tái tạo sang các nước khác, nhất là Thái Lan.
“Các tỉnh miền Trung cần có tiếng nói chung, không đi riêng lẻ, mà phải đi tập trung, thống nhất để thu hút đầu tư. Đây là giải pháp pháp trước mắt và ưu tiên cho khu vực miền Trung, trong đó cần giải quyết nhanh chính sách về giá, thu hút đầu tư; tạo lợi nhuận, để doanh nghiệp tái đầu tư, tìm ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư năng lượng tại tỉnh Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung”, TS. Cung nói.
Theo nghiên cứu, Quảng Trị về mặt nguyên tắc đang có những lợi thế, tiềm năng rất lớn phát triển năng lượng gió, mặt trời, năng lượng khí.
Theo ông Nguyễn Như Chinh, Phó Chủ tịch Hội năng lượng sạch Việt Nam, điện gió là một trong những ngành công nghiệp mới mẻ, có tiềm năng và phát triển bền vững trong tương lai. Để hỗ trợ một dự án điện gió thành công cần giải quyết các vấn đề chính như: Kinh tế và tài chính, thủ tục hành chính và rào cản pháp lý, dòng đời dự án và công nghệ. Bất kỳ một dự án đầu tư nào muốn thực hiện thành công và hiệu quả, có 3 yếu tố quyết định là vốn, cơ chế chính sách và sự chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, tới các nhà đầu tư, nhà thầu.
Để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định: Ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị, tỉnh cần tiếp tục có sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành; sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư và sự đồng hành, hỗ trợ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế - năng lượng, đồng hành cùng sự phát triển chung của tỉnh Quảng Trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận