Nhiều người lao động "bán lúa non" sổ BHXH
Theo cơ quan BHXH Việt Nam, trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đã và đang xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng việc người lao động (NLĐ) mất việc làm (nhất là trong các khu công nghiệp) do phải chờ sau một năm mới được nhận BHXH một lần nhưng muốn nhận tiền sớm để trang trải những khó khăn về tài chính trước mắt để tổ chức thu gom sổ BHXH thông qua hình thức cầm cố, ủy quyền, thực chất là mua bán sổ BHXH (bán lúa non) với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của quyền lợi mà NLĐ được hưởng nên NLĐ càng thiệt thòi hơn; Một số trường hợp đã xảy ra tranh chấp, kiện tụng dẫn đến mất trận tự an toàn xã hội.
Nhiều người lao động khó khăn đã cầm cố, bán sổ BHXH
Trong thời gian qua, cơ quan BHXH đã phát hiện nhiều trường hợp mua bán sổ BHXH. Cụ thể: tại TP.HCM (260 trường hợp, riêng trên địa bàn huyện Củ Chi có 239 hồ sơ chuyển cơ quan công an, sau khi thụ lý hồ hơ cơ quan Công an huyện Củ Chi điều tra xác minh và xác định sổ BHXH là do người lao động cầm cố tại các hiệu cầm đồ và đã xử lý vi phạm hành chính);
Tại Bình Dương, có 29 trang Facebook mạo danh cơ quan BHXH được lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của NLĐ để trục lợi. Qua công tác rà soát các dấu hiệu nhận diện các trường hợp thu gom, mua bán sổ BHXH (một người được ủy quyền nhận BHXH một lần cho từ 2 người trở lên) từ ngày 1/1/2020 đến nay, phát hiện có 49 trường hợp ủy quyền nhận BHXH một lần, trong đó: 26 trường hợp ủy quyền thực hiện toàn bộ thủ tục (bao gồm làm đơn, nộp hồ sơ và nhận tiền hưởng trợ cấp); 23 người được ủy quyền nhận tiền BHXH một lần từ 2 người trở lên.
Tại Hà Nội, có 6 trường hợp được ủy quyền nhận BHXH một lần cho 30 người; Tây Ninh, phát hiện 2 trường hợp được ủy quyền nhận BHXH một lần cho 33 người...
Giải pháp nào để hạn chế tình trạng bán sổ BHXH?
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, để hạn chế tình trạng mua bán sổ bảo hiểm một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM lập danh sách những cá nhân nhận ủy quyền nhiều lần gửi cơ quan công an. Việc này phần nào hạn chế tình trạng thu gom nhưng không triệt để vì thực tế pháp luật không cấm. "Sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội cần quy định cụ thể trường hợp nào được phép ủy quyền hưởng chế độ, không nên đại trà như hiện nay", ông Thọ nói.
Còn theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM, sau dịch, nhu cầu về vốn của NLĐ rất cao, nếu không có sự sâu sát cùng chính sách phù hợp để người nghèo tiếp cận nguồn vốn chính thống, sẽ dễ đẩy người dân đến chỗ vay tín dụng đen, cầm cố sổ BHXH.
Do vậy, bên cạnh giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ…, Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM cần nghiên cứu để người nghèo, người cận nghèo, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục vay vốn để kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, các địa phương, sở, ban ngành, đoàn thể cần nghiên cứu để có các chương trình tư vấn, định hướng kinh doanh, làm ăn cho người nghèo sau dịch bệnh.
Đồng thời, phải tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ hơn giá trị của BHXH, tránh tình trạng bán sổ BHXH cũng như rút BHXH một lần, để sau này có cuộc sống ổn định.
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển truyền thông- IPS cho rằng, quy định hiện hành không thừa nhận sổ bảo hiểm xã hội như một tài sản, nhưng trên thực tế việc mua bán, cầm cố sổ vẫn diễn ra. Do đó, pháp luật nên xem xét sổ bảo hiểm như một tài sản giống như sổ đỏ nhà đất để công nhân có thể thế chấp khi cấp bách. Việc này giúp họ có tiền nhưng vẫn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm, đặc biệt không phải "bán lúa non" hay nhận BHXH một lần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận