Từ đó tiếp thêm động lực cho những người làm vận tải đường bộ, để ngày càng lan toả văn hoá lái xe an toàn, góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông.
Lão "bà bà" của taxi Hòa Bình Xanh
Những tưởng nghề lái xe taxi chỉ dành cho nam giới, song với nhiều nam tài xế thuộc Hợp tác xã Hoà Bình Xanh, Chi nhánh Kon Tum, chị Lê Thị Kim Dung lại là thần tượng của họ.
Hễ nhắc đến chị, đồng nghiệp lại trầm trồ: "Lão "bà bà" đó nhỏ nhỏ mà lái xe giỏi lắm, ngày nào cũng nườm nượp khách, doanh thu luôn xếp top đầu, khó ai đọ lại".
Thế nhưng ít ai biết được, trước khi bén duyên với nghề lái xe taxi, chị Dung từng trải qua cuộc sống vất vả, hôn nhân không hạnh phúc.
Thời điểm đó, chị ở nhà chăn nuôi và buôn bán kiếm sống qua ngày, công việc vất vả lại ô nhiễm khiến chị ốm đau liên miên.
Năm 2015, hôn nhân đổ vỡ, do đam mê lái xe nên chị quyết tâm đi học bằng lái. Khi có bằng, tay lái cứng, chị nộp hồ sơ xin việc ở một hãng xe taxi trên địa bàn.
"Hồ sơ nộp nhiều tháng nhưng hãng chần chừ không trả lời do ái ngại tôi là phụ nữ, khó đảm nhiệm được công việc vất vả này".
Không từ bỏ, chị chuyển sang xin việc tại Hợp tác xã Hoà Bình Xanh, Chi nhánh Kon Tum và được nhận vào thử việc sau đó.
Mới đầu, nhiều người cũng bàn tán, họ bảo chị "chắc chỉ làm cho vui".
Bỏ ngoài tai tất cả, chị chạy ngày chạy đêm phục vụ khách hàng, không chỉ vì đam mê mà còn bởi mưu sinh khi gánh nặng trên vai là tương lai phía trước của hai con.
Suốt 5 năm, chị gặp nhiều chuyện vui buồn, nhiều kỷ niệm khó quên với hành khách.
Có trường hợp đặt xe, khi thấy nữ tài xế đến đón liền xua tay không đi, cũng có trường hợp dựng chuyện, vờ quỵt tiền taxi, chị đều bình tĩnh xử lý.
Có lần, trên đường chở khách, chị gặp một cụ già đi bộ ven đường, bước chân mỏi mệt, nghĩ rằng cụ đi khám bệnh về nên xin phép hành khách trên xe được dừng lại cho cụ đi nhờ.
"Khi ngỏ lời, cụ lo lắng không dám lên xe vì không có tiền. Khi tôi nói sẽ cho cụ quá giang không lấy tiền, cụ mới đồng ý lên xe.
Hỏi chuyện mới biết, cụ ở Gia Lai được cháu đón lên ở cùng nhưng được một thời gian, vì không hợp nên cụ bỏ ra khỏi nhà.
Sau đó tôi đưa cụ ra bến xe, gửi thêm chút tiền để bắt xe khách", chị kể.
Chị Dung tâm sự, dù cuộc sống khó khăn, có những ngày phải bòn từng nghìn một nhưng sẵn sàng cho đi vài trăm nghìn nếu gặp người có hoàn cảnh khó khăn hơn: "Cái tâm sẽ giúp mình vững vàng hơn trên mỗi cung đường", chị nói.
Khi nhắc đến hai con, chị hạnh phúc chia sẻ: "Lúc 2 con mới vào đại học, tôi phải chạy ngày chạy đêm để có đủ tiền cho các con đóng học. Giờ bạn lớn đã là bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Anh, bạn nhỏ cũng có công việc ổn định".
Theo ông Đoàn Đình Xuyên, Giám đốc Hợp tác xã Hoà Bình Xanh, Chi nhánh Kon Tum, chị Dung là tài xế có nhiều kinh nghiệm, không chỉ lái xe an toàn mà luôn có tinh thần thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp, khách hàng.
"Chị được tất cả mọi người yêu mến và nể phục", ông Xuyên nói.
Tận tụy với khách, xả thân vì cộng đồng
Chiều 30/7, trong lúc ngồi nghỉ sau chuyến chở khách gần khu vực Hồ Đền (khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội), anh Trần Văn Trung (lái xe Công ty CP Mai Linh Thủ Đô) phát hiện chiếc xích lô mini chở 3 cháu bé trong lúc chơi đùa, đột ngột mất phanh lao nhanh về phía hồ khiến hai cháu nhỏ rơi xuống nước.
Không nghĩ ngợi nhiều, chỉ trong vài giây, anh Trung nhảy xuống hồ, bơi về phía các cháu, hai tay đỡ hai bé, đưa cùng lúc lên bờ.
"Trong lúc nhảy, không rõ bị va vào vật nào khiến một ngón chân tôi bị đứt gần như lìa chỉ còn dính lại chút da.
Sau khi lên bờ, người dân hỗ trợ đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu, ngón chân được nối liền", anh kể và cho biết:
Thời điểm nhảy xuống hồ, anh không do dự mà chỉ nghĩ phải cứu được các cháu nhanh nhất có thể.
Trong suốt 12 năm cầm lái, anh Trung cũng luôn tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, nhiều năm liền không để xảy ra TNGT, luôn đặt an toàn cho hành khách lên hàng đầu.
Năm nay, anh Trung vừa đoạt giải tài xế Vô lăng vàng, vừa đạt giải Văn hoá giao thông.
Đây là sự ghi nhận, tôn vinh tinh thần văn hoá lái xe an toàn, hành động nghĩa hiệp, nhân ái về lòng trung thực và lối sống có trách nhiệm của tài xế Trung nói riêng và các tài xế đoạt giải Vô lăng vàng nói chung.
Chia sẻ về giải thưởng, anh Trung tâm sự: "Tôi cảm thấy rất vinh dự, hạnh phúc và thêm trân trọng nghề nghiệp của mình hơn. Đó cũng sẽ là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu".
Cả đời ao ước được gọi "bác tài"
Tính đến nay, tài xế Lê Hữu Thọ, 52 tuổi, lái xe tuyến Cần Thơ – TP.HCM, Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đã có 11 năm gắn bó với chi nhánh Cần Thơ.
Bằng khen của công ty trao thì anh đã nhận được nhiều lần, nhưng đây lại là lần đầu tiên anh vinh dự được nhận giải Vô lăng vàng.
"Mấy tháng trước, lãnh đạo họp ở chi nhánh thông báo về giải Vô lăng vàng có nhiều điều kiện, tiêu chuẩn nên tôi nghĩ khó lắm.
Vì nghề tài xế, không ai đảm bảo 100% không có rủi ro hay sai sót trên mỗi cung đường.
Cả đời tôi làm nghề, lúc nào cũng tâm niệm, đã đi làm là phải tuân thủ đúng các quy định của công ty, lái xe trên đường phải tuân thủ luật lệ, không phóng nhanh vượt ẩu, không dừng đỗ trái quy định.
Còn với hành khách, nhiệm vụ của tôi là đưa khách đi tới nơi về tới chốn an toàn. Tôi hiểu, người cầm vô lăng là người phục vụ và phải làm việc có trách nhiệm", anh bộc bạch.
Anh Thọ cho hay, với tuyến Cần Thơ - TP.HCM, hành khách ngoài học sinh, sinh viên, người lao động… còn có một nhóm là những người từ miền quê lên TP.HCM khám chữa bệnh.
Nhiều người bệnh neo đơn, chỉ đi một mình. Khi tới trạm dừng, không ít người lên xuống xe khó khăn, anh kiêm luôn việc dìu khách. Cũng có những người bệnh nặng, lúc đó thì anh cõng xuống luôn.
Cùng là lái xe của Phương Trang - FUTA Bus Lines nhưng thuộc Chi nhánh Vũng Tàu, tài xế Trần Hải Cường chia sẻ, với nhiều người, lái xe có thể đơn thuần chỉ là một nghề nhưng với bản thân anh, đó là ước mơ lớn trong đời.
Từ bé mơ ước của anh là được làm tài xế xe khách, được khách gọi một câu "bác tài". Nhưng do điều kiện không cho phép, anh phải làm nhiều nghề khác nhau.
Sau nhiều năm làm lơ xe cho các chuyến xe, các tuyến ở miền Bắc, anh đã gom đủ tiền để học và thi lấy bằng C, lái xe tải.
Sau khi có bằng C, anh nhận lái xe tải đường dài. Sau một thời gian có tiền, anh đã thi để lấy bằng E.
Sau khi số năm kinh nghiệm đủ, đạt điều kiện để xin vào Phương Trang, 3 năm trước anh được nhận vào làm việc tại Chi nhánh Vũng Tàu, chạy tuyến Vũng Tàu – Bến xe Miền Tây.
"Khi lái xe, được hành khách gọi là "bác tài", tôi cảm thấy thật hạnh phúc.
Khách hàng gọi mình là "bác tài", mình phải phục vụ hành khách đi lại an toàn và chăm sóc khách hàng thật tốt.
Đây là công việc mà tôi yêu thích, là nghề mơ ước, nuôi sống cả gia đình. Vì thế nên tôi rất ý thức được những việc mình phải làm", anh Cường tâm sự.
Hôm vừa chở khách từ Vũng Tàu về tới Bến xe Miền Tây, anh nhận được thông báo từ công ty là mình đã đoạt giải Vô lăng vàng.
Quá bất ngờ và vui mừng, anh liền điện thoại về cho bà xã. Biết là thật nhưng thực sự đến giờ anh vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng, hạnh phúc.
Vì đây không chỉ là một phần thưởng bình thường, mà là cả một giấc mơ.
Hơn 3 năm gắn bó với Phương Trang, anh rất tự hào vì mình được tham gia vào quá trình chống dịch Covid-19 của công ty để phục vụ đồng bào, phục vụ y bác sĩ, bệnh nhân.
Trong suốt năm 2022, tôi có tới 3 lần được tặng bằng khen của Ban Tổng giám đốc, trong đó có nhiều lần trả lại số tiền lớn do khách hàng đánh rơi.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia:
Tôn vinh doanh nghiệp, lái xe có nhiều đóng góp
Giải thưởng Vô lăng vàng là giải thưởng duy nhất ở cấp quốc gia nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Qua 11 năm tổ chức (2013-2023), đã có 494 lượt lái xe đại diện cho hàng trăm nghìn lái xe kinh doanh vận tải trên cả nước đạt giải thưởng cá nhân và 200 lượt đơn vị đại diện cho hàng chục nghìn đơn vị kinh doanh vận tải trên cả nước đạt giải tập thể.
Năm 2023, Ban tổ chức đã nhận được hồ sơ tham dự giải thưởng của 50 doanh nghiệp kinh doanh vận tải và 400 lái xe trên cả nước.
Hội đồng bình chọn giải thưởng đã thống nhất chọn 20 tập thể và 50 cá nhân đoạt giải thưởng "Vô lăng vàng", 5 cá nhân và 5 tập thể đạt giải "Văn hóa giao thông".
Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines:
Chất lượng là danh dự
Giải thưởng "Vô lăng vàng" có ý nghĩa lớn đối với công ty, tô đậm thêm nét đẹp văn hoá kinh doanh với phương châm "chất lượng là danh dự", lấy khách hàng là trọng tâm của Phương Trang suốt hơn 20 năm qua.
Đây cũng chính là động lực, niềm tự hào của cả tập thể Phương Trang nói chung và ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cá nhân các bác tài Phương Trang nói riêng.
Thật tự hào, trong giải cá nhân ở hạng mục "văn hoá giao thông", có 5 bác tài thì có 2 bác tài của Phương Trang được vinh danh.
Giải thưởng "Vô lăng vàng" là phần thưởng của những nỗ lực, trách nhiệm và sự nghiêm túc trong lao động của các bác tài nói riêng, của doanh nghiệp nói chung.
Tài xế Phạm Hữu Trường (Công ty TNHH Mai Linh Bắc Ninh):
Giúp người là giúp mình
14 năm làm nghề lái xe taxi, chưa lúc nào tôi ngừng nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức lái xe an toàn, luôn ý thức tính mạng con người là trên hết mỗi khi bắt đầu hành trình chở khách, tuyệt đối không uống rượu bia khi lái xe.
Rong ruổi trên đường nhiều hơn ở nhà, tôi cũng tâm niệm phải luôn giúp đỡ những người khó khăn, bởi biết đâu một ngày nào đó, người gặp nạn là mình cũng sẽ được người khác hỗ trợ.
Ông Nguyễn Minh Thư, Giám đốc Công ty CP Xe khách số 1 Sơn La:
Lan tỏa tinh thần Vô lăng vàng đến từng lái xe
Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp, Công ty CP Xe khách số 1 Sơn La đoạt giải Vô lăng vàng.
Ban lãnh đạo công ty luôn xác định, giải thưởng không chỉ là động lực mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tập thể đơn vị.
Nhờ việc thường xuyên phổ biến các tiêu chí giải thưởng Vô lăng vàng, ý nghĩa và giá trị mà giải thưởng, phát động phong trào thi đua, tất cả tài xế trong công ty đều có ý thức phấn đấu, thậm chí ganh đua nhau theo hướng tích cực.
Nhờ đó giúp lan toả tinh thần Vô lăng vàng, mang đến nhiều chuyến đi an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận