Bamboo Airways đặt mục tiêu chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không |
Việc Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện khoảng 1 năm trước đây khi doanh nghiệp (DN) này tưởng chừng đã sắp có thể “cất cánh” theo Luật Hàng không dụng VN 2016 thì lại phải làm lại từ đầu, với việc xin chủ trương đầu tư, theo Luật Đầu tư 2014.
Một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực vận tải hàng không cho biết, trước đây, DN muốn tham gia vận tải hàng không chỉ cần theo Luật Hàng không dân dụng VN, cụ thể là tuân theo các bước được nêu rõ trong Nghị định 92 quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không. Giờ phải “chạy” theo 2 luật.
Đáng nói, về cơ bản, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (Điều 10, Nghị định 92) đều tương thích và phù hợp với Điều 34 của Luật Đầu tư 2014 về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng không. Điều này cũng được Bộ Tài chính khẳng định khi trong văn bản góp ý cho Dự án hàng không Tre Việt, Bộ này nêu rõ: “Các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không theo Luật Đầu tư năm 2014 và cấp phép kinh doanh vận tải hàng không theo Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hai quy trình trên có nhiều nội dung trùng lắp”. Khi xin chủ trương theo Luật Đầu tư, doanh nghiệp phải có được trong tay báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN&MT phê duyệt.
“Đánh giá tác động môi trường với hàng không là đánh giá gì”, các chuyên gia băn khoăn bởi làm vận tải hàng không là có thể bay khắp nước, bay khắp thế giới, khác hoàn toàn với các dự án đầu tư dự án mỏ, dự án cầu, cảng, thủy điện… Việc DN phải chạy đôn, chạy đáo cả 2 bộ, theo 2 luật với nhiều quy trình trùng lắp như khẳng định của Bộ Tài chính liệu đúng với tinh thần “kiến tạo” mà Chính phủ đang thực hiện?
Mới đây, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN kinh doanh vận tải hàng không, trong phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh vận tải hàng không, Bộ GTVT sẽ cắt giảm điều kiện phải có “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không; phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 5 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh” bởi theo Bộ GTVT, các điều kiện này về bản chất là thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính và các nội dung thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, nên để cho DN tự quyết định.
2 trên tổng số 3 điều kiện chung để kinh doanh vận tải hàng không cũng được công bố bãi bỏ là điều kiện “phải phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT hàng không” và điều kiện “Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không”. Điều kiện chung duy nhất được giữ lại là “được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
Quyết định này được đánh giá là giúp “mở toang cánh cửa” kinh doanh hàng không, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ KH&ĐT trong quá trình xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cần nghiên cứu cắt giảm các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện mà không cần thiết quản lý.
Nhân cơ hội này, nên chăng, Bộ KH&ĐT cũng cần xem xét lại quy định các dự án đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng không phải qua cơ quan này thẩm định, tạo điều kiện cho DN được thuận lợi hơn khi tham gia kinh doanh, cũng là để thực hiện thông điệp “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận