Xã hội

Giám đốc Công an Hà Nội: Đang điều tra vụ lừa đảo, rửa tiền hàng nghìn tỉ

01/11/2022, 14:27

Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đang điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền lên đến nhiều nghìn tỉ.

Rửa tiền bằng việc chia nhỏ tiền qua nhiều tài khoản

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), ĐBQH, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, hiện Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỉ.

img

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội

Đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam; trụ sở, địa điểm tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài. Công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài.

Phương thức phạm tội rất tinh vi, sau khi nhận tiền của người bị hại, chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó chụm vào 1 tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt.

Từ dẫn chứng nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản.

Ông Trung nói, thời gian qua nổi lên hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mục đích của hành vi này là nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Do vậy, đại biểu nhận thấy, đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng tự quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán, có khi đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả.

Tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.

Đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật này để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng đề nghị cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Đồng thời, cần phải có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản đối với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội.

img

ĐBQH Hoàng Thị Đôi (đoàn Sơn La)

Có tiền thật, tài sản thật "đổ" vào tiền ảo

Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Thị Đôi (đoàn Sơn La) cho rằng, có một loại dữ liệu trên không gian mạng, được gọi là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử. Có tình trạng sử dụng khoa học công nghệ, dữ liệu trên không gian mạng, thực hiện các thỏa thuận, trao đổi giữa các cá nhân trên phạm vi toàn cầu, vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia, khu vực.

"Đây là giao dịch trên các nền tảng trực tuyến, hoặc thỏa thuận cá nhân không chính thức, không hề được kiểm soát, do loại dữ liệu này chưa được pháp luật công nhận về mặt giá trị. Song, không vì thế mà không tồn tại các giao dịch, trao đổi thỏa thuận với chức năng như có đồng tiền riêng thực thụ", đại biểu nói.

Theo đại biểu, ở khía cạnh nào đó, đã tồn tại thị trường giao dịch loại dữ liệu trên không gian mạng này. Xét về kinh tế thì có tiền thật, tài sản thật đổ vào tài nguyên này, chưa có pháp luật kiểm soát, dẫn tới hậu quả là gây nhiều thiệt hại cho nhiều người dân.

Cùng chung nhận định về hành vi rửa tiền qua nền tảng trực tuyến, tiền ảo, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tài sản ảo để kịp thời ngăn chặn các hành vi rửa tiền.

"Rửa tiền là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm ảnh hưởng an ninh quốc gia, mà còn đe dọa tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính. Hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền là vấn đề quan trọng cần quan tâm.

Chính vì vậy, cần hệ thống hóa các quy định về nội dung này đang nằm rải rác tại các chương, điều, khoản của Luật thành một chương riêng về Hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền", đại biểu nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.