Hạ tầng

Giám đốc PMU 7 Nguyễn Chung Khánh: "Nghề cầu đường quá đỗi nhọc nhằn!"

"Nghề cầu đường dãi nắng dầm mưa, chả có ai vinh danh cả. Thậm chí, đi đường có cái “ổ gà” nhiều lúc thiên hạ chửi bằng chết!".

img

Ông Nguyễn Chung Khánh

Nhiều năm gắn bó với nghề cầu đường, tham gia xây dựng nhiều cầu, đường lớn ở khu vực phía Nam, ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA 7 có những chia sẻ rất thực về nghề, nhất là góc nhìn của xã hội với nghề cầu đường hiện nay.

“Xã hội cảm thông thì được nhờ”

Đang có rất nhiều dự án giao thông được khởi động, cơ hội việc làm nhiều, ông suy nghĩ thế nào về nghề cầu đường trong tương lai?

Theo thông tin tôi nắm được qua công tác tuyển sinh ở Trường Đại học GTVT Hà Nội, một “cái nôi” đào tạo ra rất nhiều kỹ sư giỏi cho ngành cầu đường Việt Nam, hiện nay lượng sinh viên theo học ngành này không nhiều như trước.

Chẳng hạn, Khoa Công trình ngày xưa là ngành chủ lực của trường, nhưng hiện nay, trong tổng số 3.550 sinh viên, có khoảng 400 sinh viên theo khoa này và vào ngành cầu đường rất thấp, chỉ 17 điểm.

Nhiều lúc, tôi tự hỏi sao các ngành như: Luật, công an, quân sự, báo chí… rất nhiều sinh viên theo học với tỷ lệ chọi, điểm vào rất cao mà ngành cầu đường lại lèo tèo như vậy?

Ở Việt Nam, việc đầu tư hệ thống giao thông cả trăm năm nữa cũng làm không hết việc. Vì vậy, nhu cầu nhân sự với đội ngũ kỹ sư, cán bộ có chuyên môn vẫn cần rất nhiều. Tuyển sinh không được, chắc chắn do ngành này không hấp dẫn.

Vậy, làm sao để các thế hệ sau yêu thích lựa chọn nghề cầu đường, theo ông?

Vợ tôi làm nghề giáo, hàng năm có ngày lễ được tôn vinh. Có học trò tới nhà tặng hoa. Các ngành khác như: Bác sĩ, nghề báo, công an… đều có ngày kỷ niệm, được vinh danh.

Còn nghề cầu đường dãi nắng dầm mưa, chả có ai vinh danh cả. Thậm chí, đi đường có cái “ổ gà” nhiều lúc thiên hạ chửi bằng chết! Xã hội thông cảm thì chúng tôi nhờ, không thông cảm thì chúng tôi chịu thôi.

Sản phẩm mà chúng tôi làm ra là cầu, đường, nếu nhìn ở góc độ tích cực, những sản phẩm này góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu nhìn ở góc độ tiêu cực, có người còn nói là “để thiên hạ giẫm đạp lên” cũng không sai!

Rất chia sẻ với những trăn trở của ông, nhưng có vẻ ông hơi bi quan về nghề?

Không phải bi quan mà thực tiễn nó thế. Tôi lấy dẫn chứng nhé, những ngành khác như cơ khí, sản xuất đơn giản nhất là con bulong, cứ 1.000 sản phẩm được lỗi 5 sản phẩm. Hay như những ngành hiện đại là sản xuất ô tô trong nhà máy, điều kiện lý tưởng, nhưng khi đưa ra sử dụng, các hãng vẫn phải triệu hồi hàng nghìn xe về sửa chữa các lỗi.

Thế nhưng, với những sản phẩm cầu, đường mà chúng tôi làm ra, dường như xã hội không chấp nhận cho phép có lỗi. Trong khi đó, chúng tôi thi công hàng triệu triệu mẻ trộn bê tông, trong điều kiện thời tiết mưa, nắng…

Quá trình khai thác bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nước biển dâng, nắng mưa, thậm chí cả tình trạng chở quá tải. Nhưng khi đoạn đường nào đó xuất hiện một vài “ổ gà”, vậy là dư luận xã hội, báo chí, mạng xã hội… ì xèo lên án, “vạch lá tìm sâu”, nhiều hôm tôi không ngủ được.

Cống hiến là phẩm chất của dân cầu đường

Nói sản phẩm cầu, đường là “để thiên hạ giẫm đạp” chỉ là một cách nhìn. Ở góc độ tích cực, chúng tôi coi đó là sản phẩm “nâng niu bước chân con người”. Rất đáng trân trọng chứ?​​​​

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Vì vậy, phải ưu tiên đầu tư giao thông thủy. Tôi lấy ví dụ như cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn, trước đây khổ thông thuyền chỉ 1,5m, giờ nâng lên 7m. Chỉ bỏ ra mấy trăm tỷ đồng làm cầu mà lợi ích vô cùng, sà lan chở xăng dầu, container lưu thông thuận tiện.
Hay như kênh Chợ Gạo, sau khi nâng cầu, làm kè, lượng phương tiện thủy lưu thông rất thuận lợi. Tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 là quá tốt. Hiện, kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nối sông Tiền - sông Hậu ở Đồng Tháp, có những cây cầu bắc ngang qua tỉnh thấp khiến kênh huyết mạch này bị tắc. Nếu bỏ ra một ít kinh phí để nâng cầu thì lợi ích vô cùng.
Về lâu dài, vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải có một cảng biển xứng tầm. Cả vùng trọng điểm xuất khẩu nông nghiệp, thủy hải sản mà tất cả phải đưa lên TP HCM để xuất khẩu là bất cập. Có cảng biển thì phải có đường sắt kết nối. Không ai lại để từng xe chở container chạy trên đường như mình, nguy hiểm quá.
Ông Nguyễn Chung Khánh

Ông cụ tôi ngày xưa cũng bảo thế. Nhà tôi có nhiều người theo nghề giáo viên, bác sĩ, nhưng chỉ mình tôi theo học Đại học GTVT Hà Nội. Bố tôi bảo nghề làm cầu đường là nghề làm phúc. Phúc đâu chưa thấy, thấy mệt quá, toàn nghe thiên hạ chửi. Hai đứa con tôi giờ chả đứa nào theo nghề tôi cả.

Nếu khái quát một phẩm chất của người làm cầu đường, thì đó là gì, theo ông?

Cống hiến. Dân làm cầu đường chủ yếu là người miền Trung. Không cống hiến thì không ai để vợ con ở quê nhà mà mình đi biền biệt cả năm trời, có khi Tết cũng không được về. Không cống hiến thì ai chịu được cuộc sống vất vả của công nhân tại công trường hàng năm trời. Không có phẩm chất đó sẽ không theo nghề được.

Làm cầu đường đã khổ, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn khổ hơn nhiều lần. Khu vực này nền đất yếu, có những nơi túi bùn sâu đến 20m, 30m. Khi thực hiện mà kỹ thuật không vững, sơ suất một chút là hỏng. Mà hỏng là gần với tù tội.

Tất nhiên, ai làm ẩu mà đi tù là đáng. Nhưng tôi muốn nói đây là một nghề rủi ro. Những điều tôi nói ra không phải là tâm sự của riêng tôi, mà các giám đốc ban quản lý dự án đều có chung tâm trạng như vậy.

Dân làm nghề cầu đường đã khổ, các doanh nghiệp đầu tư vào cầu đường cũng không sung sướng gì. Thời gian qua, xã hội, báo chí còn có những cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí xem các nhà đầu tư giao thông BOT như “tội đồ”.

Nhiều lúc nghĩ cũng buồn. Có những khu vực như cầu Mỹ Lợi (trên QL50 nối Tiền Giang - Long An), bao năm dân phải luỵ phà, qua lại phải trả tiền không ai nói gì. Khi nhà đầu tư đi vay hàng trăm tỷ đồng để làm cầu, dân đi lại thuận tiện hơn, lại có ý kiến này nọ, thậm chí ngăn cản không cho thu phí. Chua xót!

Như vậy là mức thu nhập của anh em trong ngành cầu đường chưa phải là hấp dẫn?

Ở một số Ban có việc làm, anh em còn có thu nhập, chứ ở công trường, một số công ty đã chuyển sang cổ phần hóa, nhiều anh em gắn bó đã lâu năm hiện giờ rất khó khăn. Có người không được đóng bảo hiểm, về hưu cũng chưa chắc nhận được sổ hưu. Khổ lắm!

Trong các buổi nói chuyện với cán bộ, nhân viên của mình, ông có tâm sự những chuyện này không?

Tôi nói thế để họ bỏ nghề à? Tôi nói ở đây là để chia sẻ, để hiểu và cảm thông thôi. Chứ nói chuyện với nhân viên của mình, đã khổ rồi ai lại nói cho họ nản…

Nhưng những tâm sự này chắc ông cũng có chia sẻ với ai đó, như vợ con hay bạn bè?

Bạn bè thì có. Tại các buổi họp lớp chẳng hạn. Lớp tôi giờ mỗi mình tôi theo nghề cầu đường, những người khác bỏ hết rồi. Vất vả quá…

Mong được làm đúng với nghề

img

Cầu Rạch Miễu - một trong những cây cầu lớn do Ban QLDA 7 thực hiện

Bao năm làm nghề cầu đường, điều gì khiến ông trăn trở?

Chúng tôi làm nghề, rất muốn làm đúng với nghề. Đặc thù nghề xây dựng là phải đúng ngày tháng mới đẻ ra sản phẩm đúng chất lượng. Nhưng nói thật, nhiều lúc cũng chịu áp lực về tiến độ ghê gớm.

Dự án mở rộng QL1 hồi trước theo kế hoạch ban đầu là bốn năm, nhưng sau rút xuống còn 2 năm. Dự án cầu Cổ Chiên chúng tôi làm chỉ 21 tháng. Thời điểm đó giám đốc dự án nhiều đêm không ngủ, có đợt ốm mấy ngày liền. Có chuyện gì về chất lượng là đi tù chứ chẳng chơi!

Tại sao ông không cảnh báo?

Tôi cảnh báo nhiều rồi chứ. Trong tất cả các cuộc họp tôi đều cảnh báo vấn đề này. Nhưng khổ cái cơ chế của mình nó vậy.

Cứ xem việc cấp vốn cho ngành giao thông trong thời gian qua thì rõ. Giai đoạn 2016 - 2019, Ban QLDA 7 chỉ được giao mấy công trình như: Nâng cấp 4 cầu trên tuyến QL1 qua Tiền Giang 200 tỷ đồng; tuyến tránh TP Tân An khoảng 350 tỷ đồng.

Thế nhưng, năm 2020 vốn ghi rất nhiều, như: Nâng cấp mở rộng tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL53, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo… vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Luật Đấu thầu, dự án chưa được ghi vốn mà tổ chức đấu thầu là phạm luật. Vì vậy, không ai dám làm. Đầu năm mới có vốn, cuối năm không giải ngân hết cũng bị kỷ luật. Mà làm hỏng thì đi tù. Tôi phải chọn là cố gắng làm tốt…

Cảm ơn ông!

Ban QLDA 7 là đơn vị được Bộ GTVT giao quản lý, thực hiện nhiều dự án lớn tại khu vực phía Nam. Trong đó, ghi dấu ấn là cầu Rạch Miễu - cầu dây văng đầu tiên do chính những kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, thi công, vốn cũng của những nhà đầu tư trong nước. Tiếp đó là cầu Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Bình Lợi, tuyến tránh TP Tân An, mở rộng QL1 qua tỉnh Khánh Hòa, QL20, Quản Lộ - Phụng Hiệp, nâng cấp QL53. Hiện nay, Ban QLDA 7 đang được giao quản lý dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.