Quản lý

Giám sát các dự án BOT giao thông ở Đồng Nai

04/05/2017, 19:26

Chiều 4/5, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về các dự án BOT giao thông.

IMG_0933

Quang cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về các dự án BOT ở Đồng Nai chiều 4/5.

Chiều 4/5, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Báo cáo với Đoàn công tác của Quốc hội ông Từ Nam Thành, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết: Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 5 dự án BOT thuộc Bộ GTVT quản lý. Cụ thể như: dự án nâng cấp cải tạo mặt đường QL1, QL1 đoạn tránh TP. Biên Hòa (nay là đường Võ Nguyên Giáp), QL1K, QL51, xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu, cầu vượt Amata, nút giao ngã tư Vũng Tàu, xây dựng cầu An Hảo. Bên cạnh đó, có 4 tỉnh lộ được đầu tư theo hình thức BOT.

Trong đó, 2 dự án BOT mở rộng đường 768, đường 760 (dự kiến thời gian thu phí kết thúc năm 2020) đã được đưa vào khai thác. Hai dự án khác là dự án BOT đường 319 kết nối cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng (xã Phước tân, TP. Biên Hòa) đang trong quá trình thi công.

IMG_0837

Cầu An Hảo thuộc hạng mục bổ sung dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến 2 đầu cầu vừa được thông xe rút ngắn thời gian lưu thông từ TP Biên Hòa ra QL1, QL51.

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng hiện nay tỉnh Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành nộp về Ngân sách rất cao. Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ từ Trung ương còn hạn hẹp nên phải ưu tiên bố trí vốn xây dựng trường học, bệnh viện… vì tốc độ tăng trưởng dân số cơ học tỉnh ở mức cao. Song song đó, tỉnh cũng luôn chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nhưng nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên không thể đáp ứng kịp để xây dựng các dự án giao thông. Do đó, việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông bằng hình thức BOT là rất cần thiết.

Nói về ưu điểm của các dự án BOT giao thông, ông Vĩnh dẫn chứng thực tế như trước đây KCN Long Khánh tỉnh mời gọi doanh nghiệp vào nhưng nhiều năm qua vẫn trong tình cảnh trống vắng. Thế nhưng, sau khi tuyến QL1 được nâng cấp, đặc biệt là tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây đưa vào khai thác giao thông thuận lợi hơn trước, đến nay nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên phủ kín Khu công nghiệp (KCN) Long Khánh giải quyết công việc cho hàng vạn công nhân.

cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây

Cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây phát huy hiệu quả cao sau khi được đưa vào khai thác.

“Đến thời điểm hiện tại có thể nói rằng các dự BOT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đem lại nhiều hiệu quả góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Do nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp nên việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông rất cần thiết. Trong tương lai điều kiện kinh tế và nguồn vốn ngân sách khá hơn tỉnh sẵn sàng có thể mua lại các trạm BOT”, ông Vĩnh khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định các dự án BOT đã góp phần quan trọng việc phát triển kinh tế các KCN ở Đồng Nai nói riêng và khu vực trong điểm phía Nam nói chung tăng trưởng cao. Đồng thời, ông cũng đánh giá cao việc UBND tỉnh đã có nhiều nét mới và có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư như trong việc đền bù GPMB vì đây là một trong những giải pháp thiết thực để thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần tăng cường công tác giám sát các dự án BOT, nhà đầu tư dự án BOT cần nhanh chóng triển khai trạm thu phí không dừng để thể hiện rõ tính minh bạch trong thu phí phương tiện giao thông. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai tăng cường hơn nữa đối thoại với dân trong việc GPMB để tạo sự ủng hộ của người dân trong việc thực hiện dự án BOT.

Sáng cùng ngày (4/5), đoàn giám sát đã đi kiểm tra thực tế tại dự án BOT mở rộng QL 51 (TP. Biên Hòa) qua hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.