Xử nghiêm các trường hợp lấy đất, đá từ mỏ đã cấp chỉ định cho cao tốc đưa đến công trình khác
Để đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, ngay từ năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa vào quy hoạch hàng chục mỏ vật liệu gồm đất, cát, đá và cấp phép khai thác cho nhiều mỏ đất để nhà thầu đưa vào khai thác đắp đất nền thi công dự án. Đơn cử như mỏ đất Mễ Sơn (Hành Thiện, Nghĩa Hành), mỏ đất Núi Thị 1, Núi Thị 2 (Đức Hòa, Mộ Đức)… với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3.
Kiểm tra thực tế công tác khai thác mỏ đất Mễ Sơn và Núi Thị vào ngày 10/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhận định các nhà thầu chấp hành nghiêm túc quy định về khai thác mỏ. Khu vực khai thác cơ bản đảm bảo an toàn.
Phương tiện chở đất ra khỏi mỏ được rửa bánh xe; đường vận chuyển trong khu dân cư được phun tưới nước, hạn chế bụi. Xe vận chuyển đất ra khỏi mỏ được được ghi nhận khối lượng thông qua phiếu xuất hàng…
Không riêng gì hai mỏ vật liệu trên mà theo ghi nhận, đánh giá của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, công tác khai thác khoáng sản phục vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn của các chủ mỏ diễn ra nghiêm túc, trách nhiệm, đưa vật liệu đến đúng địa chỉ ghi trong giấy phép.
Ông Hiền yêu cầu Ban QLDA 2, nhà thầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong khai thác, vận chuyển. Đồng thời, triển khai nghiêm túc các biện pháp chống sạt lở trong phạm vi mỏ. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, lắp đặt thiết bị giám sát khối lượng khai thác.
"Tỉnh sẽ xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện đất, đá từ mỏ đã cấp chỉ định cho công trình cao tốc mà lại chở đến các công trình khác. Đối với đơn vị được cấp mỏ phải tính toán phương thức hoàn thổ khi hết khai thác, không để xảy ra tình trạng nham nhở, gây bức xúc trong nhân dân", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chỉ đạo
Tập trung hỗ trợ, hoàn tất việc ra mỏ trên thực địa
Theo Ban Quản lý dự án 2, tổng nhu cầu vật liệu cho tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua Quảng Ngãi, khoảng 13 triệu m3 gồm đất đắp, cát và đá.
Khối lượng đất đắp là 10 triệu m3, trong đó khối lượng điều phối trong phạm vi dự án là 1,6 triệu m3. 8,5 triệu m3 còn lại cung cấp thông qua cấp phép khai thác mỏ. Khối lượng đá xây dựng 2 triệu m3 và cát khoảng 910 nghìn m3.
Đáp ứng yêu cầu này, tỉnh đã cấp phép 11 mỏ đá, 23 mỏ đất san lấp; 5 mỏ cát (trong đó có 8 mỏ đất san lấp, 2 mỏ cát cấp theo hình thức chỉ định).
Hiện tại, tỉnh đang xem xét tiếp tục cấp chỉ định 5 mỏ đất nằm dọc theo hành lang tuyến chính, đảm bảo cung cấp đầy đủ vật liệu xây dựng thi công công trình.
Dù tỉnh Quảng Ngãi đã có những hỗ trợ kịp thời trong việc ra mỏ cho nhà thầu, song có nhiều điểm mỏ, vị trí mỏ đã được hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, nhưng trên thực địa nhà thầu không thể ra mỏ được do vướng một số vấn đề liên quan đến công tác bồi thường hoa màu, cây cối trên đất do người dân hô giá quá cao.
Đơn cử như mỏ đất Truông Ổi, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, từ tháng 4/2023, nhà thầu Dacinco đã xây dựng hồ sơ, trình UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa vào quy hoạch. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý và ra giấy phép khai thác. Song, nhà thầu không thể khai thác được do các chủ đất đòi hỏi giá tiền bồi thường quá lớn vượt gấp nhiều lần so với giá dự toán.
Tương tự, dọc theo tuyến chính dự án, nhiều mỏ vật liệu khác cũng rơi vào tình trạng chưa thể ra mỏ để đưa vào khai thác. Chính điều này dẫn đến công tác tổ chức thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có thời điểm, vị trí rơi vào khó khăn, các nhà thầu phải vận chuyển đất đắp cách xa cả chục km, thiệt hại lớn về cước vận chuyển.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi sớm có những hỗ trợ kịp thời để nhà thầu ra mỏ các mỏ đất đã được chấp thuận đưa vào quy hoạch phục vụ thi công cao tốc. Đồng thời, sớm bổ sung quy hoạch đối với những nhóm mỏ vật liệu gồm đất và cát mà phía nhà thầu đã xây dựng đề nghị bổ sung.
"Nguồn vật liệu thi công dự án là rất lớn, để đảm bảo tiến độ công trình cần sự hỗ trợ rất lớn từ tỉnh Quảng Ngãi. Có như vậy, nhà thầu mới tập trung nhân lực, thiết bị cơ giới nỗ lực thi công đảm bảo tiến độ đề ra như trong hợp đồng ký kết với chủ đầu tư", đại diện nhà thầu kiến nghị.
Trao đổi với Báo Giao thông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, đối với các nhóm mỏ theo kiến nghị của nhà thầu, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, ra giấy phép. Đồng thời, tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan đến tình trạng đơn giá bồi thường để đáp ứng nguồn vật liệu thi công dự án.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88km, trong đó qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dài gần 60km, đi qua 4 huyện, thị xã. Tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.
Dự án do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư. Nhu cầu đất đắp là 13,1 triệu m3; Nhu cầu cát là 1,43 triệu m3. Nhu cầu đổ vật liệu thải dự án khoảng 2,3 triệu m3…
Trên tuyến ngoài 3 hầm xuyên núi thì còn nhiều công trình cầu, cống, hạ tầng kỹ thuật khác. Đặc biệt, công trình cầu Sông Vệ bắc qua Sông Vệ có chiều dài lên đến hơn 600m.
Dự án khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vào năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận