Chăm sóc đặc biệt 24/24h
Thật nhẹ tay đưa ống nghe lên cơ thể bé A. (sinh ngày 6/10) đang ngon giấc, BS. Nguyễn Thu Hương, Khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, bé mắc nhiều bệnh lý phối hợp viêm phổi, ống động mạch lớn, hạ tiểu cầu, có nhiễm trùng…
“Nhìn con ổn vậy thôi nhưng chỉ ít ngày trước phải mấy lần cấp cứu khiến các bác trực trắng đêm lo lắng, cân não xử trí. Trước đó, con từng trải qua những giờ phải đặt nội khí quản, thở hoàn toàn qua hỗ trợ của máy, việc chăm sóc lúc đó rất vất vả”, nữ BS. cho hay.
Theo BS. Hương, thông thường mỗi khi bước vào một ca trực, việc đầu tiên là bác sĩ phải nắm rõ các thông số máy thở, tình trạng hô hấp, tuần hoàn, việc trẻ ăn có tiêu hay không, có nôn trớ hay không… Sau đó, sẽ khám cho trẻ từ đầu đến chân để theo dõi trẻ tiến triển ra sao, các thông số có thay đổi hay không…
Với trẻ sơ sinh, mọi diễn biến đều rất nhanh, chỉ tính bằng giây, bằng phút. Chức năng sống cơ bản của trẻ sơ sinh là hô hấp và tim mạch, bé có thể ngừng thở, ngừng tim rất đột ngột, nếu không phát hiện kịp thời trẻ có thể tử vong ngay… Chính vì vậy, các bác sĩ luôn phải thức trắng đêm, không giây phút nào lơ là.
“Nhiều người vẫn thán phục khi ví von giỏi như điều dưỡng hồi sức sơ sinh lấy ven cho trẻ, nhưng điều đó không ngoa. Bởi, với một trẻ sơ sinh chỉ chưa đầy 1 cân, chân, tay trẻ siêu nhỏ, thậm chí chỉ bằng ngón tay cái của người lớn, còn đường ven mảnh như sợi chỉ, không chuyên môn khéo léo, chuẩn xác ắt không làm được…”, BS. Hương kể.
PGS.TS.BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân luôn là thử thách, bởi hệ thống miễn dịch, các cơ quan chức năng trong cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, dễ nhiễm khuẩn, kém thích nghi...
Vì vậy, trẻ phải được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt 24/24h, kiểm soát nghiêm ngặt các chức năng hô hấp, tim mạch, tiêu hóa… Trẻ được bổ sung dinh dưỡng bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch, thậm chí phải được máy hỗ trợ thở để duy trì sự sống, nhất là đối với trẻ sinh cực non 7 tháng.
Hiện tại, Khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội đang chăm sóc cho 105 trẻ non tháng, thiếu cân. Chỉ riêng tại khu Hồi sức, Khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội hiện có khoảng 29 trẻ, tất cả nằm trong lồng ấp và vây quanh là dây, ống nối với các thiết bị hỗ trợ thở, theo dõi tim mạch, huyết áp…
Ngoài các bác sĩ trực thăm khám, tất cả các sinh hoạt từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh băng, bỉm cho trẻ đều do các điều dưỡng thực hiện.
Hạnh phúc khi trẻ được về bên vòng tay mẹ
Sau khi sinh, chưa kịp ôm con vào lòng, chị Vũ Minh Phương (27 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) đành xa con vì hai bé sinh đôi đều non tháng, nhẹ cân và suy hô hấp nặng buộc phải chuyển ngay sang Khoa Sơ sinh.
Cái đích cuối cùng của sản khoa là đứa trẻ khỏe mạnh. Bởi, dù can thiệp y học bào thai có hiệu quả đến đâu mà đứa trẻ sinh ra bị ngạt, bại não, hay thậm chí không cứu được thì chính chúng tôi chưa làm tốt. Đó cũng là lý do mà bệnh viện luôn đầu tư cho Trung tâm Sơ sinh ở mức cao nhất với máy móc thiết bị y tế hiện đại nhất…
PGS.TS.BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội
Suốt 3 tuần chờ đợi, trông ngóng vợ chồng chị Phương đã thỏa nguyện được ôm hai con trong vòng tay.
“Không ngôn từ nào diễn tả được niềm hạnh phúc được ôm con, được nhìn con phát triển mỗi ngày như thế này. So với khi sinh giờ các con đều tăng 60 - 70gr”, chị Phương chia sẻ.
Theo chia sẻ của BS. Quỳnh Hương, thông thường trẻ sẽ được trở về gia đình chăm sóc khi các bác sĩ đảm bảo trẻ có thể tự bú, tự thở, thích nghi với môi trường.
Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân sau khi về với gia đình cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ để trẻ có thể phát triển bình thường...
Cũng chính vì vậy, mới đây Khoa mới thành lập thêm Phòng KMC, để giúp các gia đình có thêm kỹ năng chăm con và hỗ trợ nhiều nhất giai đoạn ban đầu sau rời khỏi phòng điều trị…
Gắn bó suốt 28 năm với Khoa Sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội, BS. Phạm Thị Huệ tâm sự: “Bé nào vào đây, gia đình cũng đều rất sốt ruột, mong ngóng con khỏe mạnh và chóng ra viện. Nhưng thực tế không hẳn như vậy, có bé chỉ khoảng 600 - 700g có thể nằm điều trị ở đây 2 - 3 tháng, một chặng đường rất dài với những ngày tháng đầu đời của trẻ. Với chúng tôi, điều ngại ngần, khó khăn nhất là đối mặt với gia đình khi bé có diễn biến nặng, nguy cơ tử vong, đó là lúc phải thông báo, giải thích để gia đình chấp nhận thực tế mà không ai mong muốn. Nhưng ngược lại, thời khắc hạnh phúc nhất là khi thấy các con phục hồi ngoạn mục, trao các con mạnh khỏe về cho gia đình”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận