Hành trình đầu đời gian nan
Ở tuổi lên 3, bé B.A (ở Hà Nội) mạnh khỏe như các bạn đồng lứa, líu lo đủ chuyện khiến bố mẹ nhiều khi than phiền "hỏi nhức hết cả đầu". Ít ai biết được A đã có một hành trình đầu đời đầy gian nan ở Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vì chào đời khi mới ở tuần thai thứ 27.
Một trẻ sơ sinh non tháng được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh. Ảnh: Tạ Hải.
Chị T.T (mẹ A) chia sẻ, sau 6 năm chờ đợi, chị mới mang thai. Tuy nhiên, chị chuyển dạ sớm và sinh con non tháng. Khi chào đời, con không khóc, không phản xạ, da tím và thể trạng rất yếu nên các bác sĩ phải cấp cứu ngay tại phòng sinh, đặt nội khí quản bóp bóng rồi chuyển về Khoa Sơ sinh để điều trị.
Tại đây, bé A được chăm sóc trong lồng ấp, thở oxy, có thời điểm bé bị nhiễm trùng đường ruột, ẩn chứa nguy cơ viêm ruột hoại tử rất nguy hiểm. Từ 800g khi chào đời, với sự chăm sóc, điều trị 24/24h của các y bác sĩ, bé A cũng nhích lên thêm 1.100g, được ghép mẹ để chăm sóc bé theo phương pháp Kangaroo. "Ngày được ôm con vào lòng, hai vợ chồng tôi đều vỡ òa hạnh phúc", chị T nhớ lại.
Con gái của sản phụ T.H (ở Bắc Ninh) cũng ra đời sớm khi mới 27 tuần và chỉ nặng 500g, suy dinh dưỡng nặng. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các y bác sĩ đã tích cực hồi sức và thực hiện nhiều biện pháp can thiệp, chăm sóc đặc biệt. May mắn là trong quá trình điều trị, bé đáp ứng tốt, các bệnh lý dần được cải thiện, rồi xuất viện khi đạt 1.600g.
"Trộm vía, giờ con 14 tháng tuổi, nặng 7,2kg, chập chững đi những bước đầu tiên và bập bẹ gọi tên các thành viên trong gia đình. Dù có chậm hơn các bạn một nhịp, nhưng độ phát triển của con được đánh giá ổn định. Gia đình có được con như hôm nay là nhờ các bác sĩ đã nỗ lực chăm sóc", chị H cho hay.
Cũng sinh non khi thai kỳ tuần 26 và chỉ nặng 600g, cậu bé M.H (ở Hà Nội) được chuyển chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh bởi thể trạng rất yếu, xuất hiện triệu chứng khó thở nặng. Sau 72 ngày điều trị tại đây, M.H bình phục và phát triển tốt, đạt 1.700g, đủ điều kiện xuất viện.
Ngày ăn 16 bữa
Chia sẻ về quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, BS Phạm Thu Phương (Khoa Sơ sinh) cho biết, chăm trẻ sơ sinh đã khó, nhưng với chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân lại càng thử thách, bởi trẻ non tháng có hệ thống miễn dịch, các cơ quan chức năng trong cơ thể chưa hoàn thiện.
Sau những vất vả, các bác sĩ nơi đây coi thời khắc hạnh phúc nhất là khi thấy các bé phục hồi ngoạn mục và trao lại cho gia đình.
Khi trẻ về với gia đình, cha mẹ cũng cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để trẻ có thể phát triển bình thường, tránh những tổn hại không đáng có tới sức khỏe sau này như giảm sút trí tuệ hay chậm phát triển thể lực...
BS Nguyễn Ngọc Bình (Khoa Sơ sinh)
Do vậy, trẻ rất dễ nhiễm khuẩn, sức chịu đựng của trẻ với thay đổi của môi trường vô cùng kém, đòi hỏi phải được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt 24/24h, kiểm soát nghiêm ngặt các chức năng hô hấp, tim mạch, tiêu hóa…
Với những trẻ sinh non 7 tháng luôn được chăm sóc đặc biệt hơn. Trẻ không thể tự thở, tự ăn hoặc tự giữ ấm được, nên thường được nuôi lồng ấp giúp cho trẻ duy trì thân nhiệt ổn định, theo dõi huyết áp, nhịp tim, hơi thở 24/24h để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nếu có. Trẻ được bổ sung dinh dưỡng bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch, thậm chí phải được máy hỗ trợ thở để duy trì sự sống.
Trẻ sơ sinh nằm tại khu hồi sức thường 3 giờ cho ăn một lần và thay tã, còn các trẻ non tháng thì chăm sóc đặc thù hơn, như cho ăn nhiều hơn với 12-16 bữa/ngày, thậm chí có những bạn phải nhỏ giọt dạ dày. Cùng đó là thực hiện y lệnh, theo dõi từng diễn biến nhỏ nhất của trẻ nên khối lượng công việc mỗi ca trực lớn, rất áp lực và căng thẳng.
Theo BS Nguyễn Ngọc Bình (Khoa Sơ sinh), trẻ sinh non đòi hỏi chi tiết trong chăm sóc vì mọi thứ ở trẻ rất mong manh. Thông thường, trẻ sẽ được trở về gia đình chăm sóc khi các bác sĩ đảm bảo trẻ có thể tự bú, tự thở, thích nghi với môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận