Trình diễn báo cáo phục dựng trình thức Hát cửa đình cổ điển |
3 năm ròng rã theo đuổi nghiên cứu âm luật nhạc ả đào (Ca trù) kết hợp sưu tầm, phục dựng, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đã phục dựng thành công trình thức Hát cửa đình cổ điển đã mai một suốt 60 năm qua.
Nỗ lực vì tài sản của cha ông
Cùng với tuồng, chèo, cải lương… ả đào là một bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm nét của Việt Nam. Thế nhưng, 60 năm qua, loại hình này dần bị mai một và thất truyền, một phần vì từng bị cấm đoán, phần khác là những nghệ nhân sành sỏi về loại hình này cũng không còn nhiều.
Sau Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền bất chợt nhận ra, hiện nay chỉ còn cụ Nguyễn Phú Đẹ là kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX. Cụ là nghệ nhân duy nhất còn lại từng tham gia trình diễn nhạc ả đào ở cả 2 không gian cửa đình và ca quán, nên có thể trả lời tất cả câu hỏi về âm luật ả đào. Anh đã bắt tay dành toàn lực tiến hành dự án nghiên cứu âm luật nhạc ả đào vì biết nếu không làm nhanh sẽ không còn kịp nữa.
"Đây là một đóng góp rất lớn cho công tác bảo tồn di sản. Trong tương lai, nếu có các dự án tương tự, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ. Chúng ta cần phát huy và chung tay hỗ trợ, có thể bằng phương pháp xã hội hóa để bảo tồn di sản ca trù”. Ông Phạm Vinh Quang |
Theo Bùi Trọng Hiền, khi đó, mục tiêu của anh chỉ là nghiên cứu, giải đáp tất cả các câu hỏi về âm luật của ả đào. Chỉ có cụ Đẹ mới có tư cách để trả lời, bởi tất cả các kép đàn sau này đều học lại từ các nghệ nhân. Trong quá trình nghiên cứu, phát hiện ra cụ còn nhớ được các bài bản ả đào thuộc không gian Hát cửa đình cổ xưa, anh nhanh chóng kết nối với CLB Ca trù Hải Phòng gấp rút tiến hành dự án truyền dạy cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Kết quả, tháng 1/2015, trình thức Hát cửa đình của nhạc ả đào cổ điển bước đầu đã chính thức sống dậy và có đợt biểu diễn tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng).
Có kết quả bước đầu, anh tiếp tục thực hiện các nghiên cứu cơ bản về âm luật ả đào. Bùi Trọng Hiền làm việc ngày đêm với các nguồn tư liệu mình sưu tầm. Những tư liệu ấy được bạn bè, người thân tặng, cái thì bỏ tiền mua. Anh mất 2 tuần làm việc từ 19h30 hôm trước đến 6h sáng hôm sau để “cứu” 10 cuộn băng cassette cũ nát, mốc trắng bằng cách tãi băng và lau cẩn thận từng đoạn một rồi đưa vào máy. “Khi cứu xong tôi mới hoảng hồn. Đó là cả một kho tàng vô giá cha ông để lại. Có những tư liệu lần đầu tiên xuất hiện”, Bùi Trọng Hiền kể.
Mỗi khi phục chế, sưu tầm được bài bản nào, ký âm phân tích xong, anh lại về ngay Hải Dương để nhờ cụ Đẹ thẩm định. Tới đầu năm 2016, khi anh hoàn thành nghiên cứu cơ bản thì nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ bị tai biến. Từ đó, không còn khai thác được gì nữa.
Truyền dạy ả đào theo cách mới
Dự án “Bảo tồn và phát huy di sản Ca trù tại thành phố Hà Nội” của Bùi Trọng Hiền được chính thức thực hiện vào năm 2016. Anh đào tạo nhóm Ả đào Phú Thị theo phương pháp tiệm cận mới, dùng hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu để thử nghiệm việc học nhạc đi kèm với học âm luật.
Nhà nghiên cứu chia sẻ, đào kép bây giờ rất thiệt. Ngày xưa các nghệ nhân có môi trường hành nghề để học, nâng cao và giữ vững nghề. Nhưng hiện nay, đào kép không được học nghệ nhân, không có môi trường hành nghề, không được cọ xát thực tế. Trong khi đó, nhạc ả đào rất phức tạp, không thể nghe qua băng đĩa mà bắt chước được. Muốn giữ được sự ổn định của những âm luật có tính quy luật trong ả đào buộc phải có thày hướng dẫn mới định rõ được về khổ đàn, khổ phách, âm điệu, cấu trúc bài bản các loại...
Bùi Trọng Hiền thừa nhận, cái khó của nghiên cứu ả đào là mỗi lò đào tạo có những quan niệm khác nhau. Anh phải tập hợp rồi đúc kết thành quan niệm chung nhất cho dễ nhớ, dễ hiểu. Căn cứ vào đó, anh đào tạo nhóm Ả đào Phú Thị theo cách tiếp cận mới. Ngoài đàn hát, họ được học đúng về âm luật, có thêm sự chủ động. Ngoài ra, anh còn đào tạo một lớp quan viên là những người biết cách đánh trống chầu. Họ cũng được học lý thuyết cơ bản về các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản…
Trong đợt phục dựng thể cách Hát cửa đình cổ điển lần thứ II của nhóm đào kép học viên, bên cạnh vốn bài bản học từ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ còn căn cứ vào tư liệu phục chế của các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban. Nhóm đã hoàn thành việc chuyển giao thế hệ với Album “Hát cửa đình”, gồm một số bài bản đại diện có tính hệ thống cổ điển. Trong đó, có những thể cách lần đầu tiên “sống dậy” sau hàng chục năm “ngủ yên” trong các cuốn băng cũ nát như: Giáo nhạc - Hát giai - giáo hương, Thét nhạc, Phú Kiều, Hát lót, Hãm cửa đình, Dựng huỳnh - Nói huỳnh, Hát bỏ bộ.
Hát ả đào cần được bảo vệ khẩn cấp
Dự án đã có buổi nghiệm thu vào ngày 14/11 vừa qua. Nhóm Ả đào Phú Thị đã biểu diễn lại trình thức Hát cửa đình. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khen ngợi kết quả việc phục dựng có những giọng hát và tiếng phách chuẩn mực, không hụt, không thiếu. Ông nhìn nhận, Bùi Trọng Hiền đã tổng kết các cách đàn, hát, phách, trống của nhiều nghệ nhân để đưa vào một khuôn khổ, ứng dụng vào dự án. Đây là một trong những con đường để có thể đi được đến thành công. Theo ông, nếu là những nghệ nhân “hàng cơm” truyền dạy thì sẽ chỉ cho ra ca trù “hàng cơm” chứ không phải ca trù đích thực.
“Công trình này đã làm sống lại giọng hát, tiếng đàn, cách hát của các nghệ nhân lão thành lừng danh. Hiền đã tổng kết lại từ các nghệ nhân lừng danh, đưa ra thành một kết quả chung nhất và làm sống lại ca trù - di sản văn hóa trác tuyệt của Việt Nam. Có người nói với tôi về sự lo sợ nhất thể hóa ca trù, nhưng tôi chỉ nói, nếu học được trọn vẹn, thành thạo các lối hát, đọc, phách thì đến một ngày, trong sự tự do của ca trù sẽ tạo ra phong cách riêng cho các nghệ nhân”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết, Cục đang hoàn thiện báo cáo để làm hồ sơ trình UNESCO theo tiến độ của năm 2017. Trong báo cáo, sẽ thu thập những tài liệu, vấn đề về ca trù để đề nghị đưa ca trù vào danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp. Bà Trang đánh giá, kết quả dự án này là kết quả tốt để Cục Di sản văn hóa làm báo cáo. Bà Trang cũng bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu sẽ cùng đầu tư, cùng chia sẻ để chung tay bảo vệ và giữ gìn, phát triển ca trù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận