Đời sống

Gian nan xử lý nợ đọng BHXH

16/10/2019, 09:10

Theo BHXH Việt Nam, tình hình nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn diễn biến phức tạp.

img
Người lao động đình công vì bị nợ lương, nợ BHXH

Nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tổng số tiền hiện còn phải thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (không bao gồm NSNN, Vinashin, Vinaline) đến 30/9 là 14.876 tỉ đồng (chiếm 4,1% số phải thu). Cả nước còn 32.205 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 3- 6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỉ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỉ đồng) nợ từ 6- 12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng (giảm 1.299 đơn vị và số tiền giảm 39 tỉ đồng) nợ trên 12 tháng. Tình hình nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn diễn biến phức tạp.

Riêng Ninh Bình, theo thống kê, đến nay, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh lên tới 110 tỉ đồng. Trong đó, có 709 đơn vị nợ đọng từ 1 tháng trở lên; 111 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động hoặc có chủ bỏ trốn, mất tích với số nợ trên 24 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp đang diễn biễn phức tạp. Tính đến tháng 8/2019 có trên 32.642 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 454.029 lao động; số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 1.811,4 tỷ đồng.

Tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp đang diễn biễn phức tạp. Tính đến tháng 8/2019 có trên 32.642 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với 454.029 lao động; số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 1.811,4 tỷ đồng, chiếm 4,17% Kế hoạch thu.

Đại diện BHXH Hà Nội cho hay, hiện nay, còn khoảng 70.000 doanh nghiệp với hơn 410.000 lao động có kê khai thuế nhưng chưa tham gia BHXH. Tính đến tháng 8/2019, đã có 10.534 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, hết lao động thuộc đối tượng tham gia với số tiền nợ là 1.160,9 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Ninh Bình cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn do ý thức chấp hành pháp luật của một số DN hạn chế, nhất là một số DN ngoài quốc doanh. Nhiều chủ DN do chỉ chú trọng lợi nhuận nên cố tình làm dụng phần kinh phí thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Một bộ phận không nhỏ NLĐ lại không dám đấu tranh tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; trong khi chế tài xử lý vi phạm về BHXH trong thời gian qua chưa được áp dụng triệt để, tạo “kẽ hở” cho một số đơn vị, DN lách luật.

Khó x​​​​​​ử lý doanh nghiệp nợ đọng BHXH?

Chia sẻ về giải pháp nhằm giảm thiểu nợ đọng BHXH, ông Trần Văn Tuyến, để thu hồi nợ đọng, BHXH tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các đơn vị chức năng phải bám sát cơ sở; đồng thời giao chỉ tiêu thu nợ cho từng CCVC, coi đây là một tiêu chí bình xét, đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng. Trên cơ sở đó, hằng quý tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, kết hợp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, BHXH tỉnh Ninh Bình cũng đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan như: LĐ-TB&XH, LĐLĐ và Công an rà soát các đơn vị chây ỳ, nợ đọng BHXH mất tích, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn. Nếu xác định rõ sẽ tiến hành khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Còn theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội, tỷ lệ nợ BHXH vẫn cao, trong đó có nguyên nhân tổ chức Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chưa hiệu quả. Công tác này đang rất vướng bởi theo “Điều 14 Luật BHXH quy định “Tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động”. Nhưng, theo Luật Tố tụng dân sự, khi tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH thì phải có sự ủy quyền của người lao động cho Công đoàn và thực hiện theo thủ tục tố tụng tranh chấp lao động của từng cá nhân. Ví dụ, doanh nghiệp có 1.000 lao động thì phải có 1.000 chữ ký của người lao động ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện. Quy định này khó khả thi, khó thực hiện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội kiến nghị Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố hướng dẫn trình tự thủ tục để thiết lập, củng cố hồ sơ, chứng cứ, tài liệu chuyển cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố các doanh nghiệp vi phạm theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, xử lý theo quy định của Luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Tòa án Nhân dân tối cao…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.