Đời sống

Hơn 100 hồ sơ trốn đóng, trục lợi BHXH, BHYT được chuyển điều tra

08/10/2019, 10:04

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chuyển hơn 100 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT và BHTN.

img
Ngành BHXH rốt ráo đòi nợ BHXH bảo vệ quyền lợi NLĐ

Khó khăn xử lý vi phạm

BHXH Việt Nam cho biết thời gian qua, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH với số tiền lớn, cố tình chây ì và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Tính riêng Hà Nội, đến hết tháng 9/2019, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.989,4 tỷ đồng (tăng 136,3 tỷ đồng so với tháng 8/2019), chiếm 4,27% so với số phải thu. Trước tình trạng trên, BHXH Thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 3.512 đơn vị sử dụng lao động với số tiền nợ là 651,4 tỷ đồng và thu hồi được 362,1 tỷ đồng (đạt 55,6%), cũng như phối hợp với BHXH các quận, huyện kiểm tra tại 1.875 đơn vị sử dụng lao động, thu hồi được 103/146 tỷ đồng (đạt 70,5%).

Trong đó, các đơn vị nợ lớn trong thời gian dài như: Cty CP Lilama 3 nợ hơn 34 tỷ đồng (74 tháng); Cty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment nợ gần 26 tỷ đồng (22 tháng); Cty CP Cầu 12 nợ hơn 24 tỷ đồng (32 tháng)… Điều này đã ảnh hưởng lớn tới quyền lợi người lao động.

Để thu hồi nợ, từ năm 2016 đến nay, BHXH Hà Nội đã chuyển hồ sơ đề nghị Công đoàn khởi kiện 592 đơn vị với số tiền nợ BHXH là 475,6 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2019 tới nay, BHXH Hà Nội tiếp tục đề nghị Công an điều tra 11 doanh nghiệp nợ 62,8 tỷ đồng…

Đáng chú ý, các trường hợp nợ này chủ yếu phát sinh trước thời điểm năm 2018 (quy định xử lý hình sự chưa có hiệu lực), nên chỉ có thể xử lý hành chính theo quy định.

Thời gian tới, BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ, theo dõi quá trình khắc phục và chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị nợ BHXH để có hướng xử lý quyết liệt, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết Bộ Luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh: gian lận BHXH, BHTN; gian lận BHYT; trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tuy nhiên, bộ luật này vẫn còn nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Từ đó đến nay, cơ quan BHXH đã chuyển khoảng 100 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN, thế nhưng do nhiều vướng mắc về quy trình khởi kiện cũng như việc xử lý đối với các hành vi vi phạm nên chưa có kết quả. Chỉ có 2 vụ việc đã xử lý nhưng lại dưới các tội danh khác.

Rốt ráo đòi nợ

Theo ông Mai Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT có nhiều nhưng cơ bản nhất là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước.

Không ít DN dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho NLĐ đầy đủ nhưng lại cố tình chây ì, nợ BHXH. NLĐ, một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Thậm chí, họ chấp nhận đóng lãi suất chậm nộp, lạm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của NLĐ để quay vòng vốn vì tỉ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp.

Ông Thắng cũng cho biết từ nay đến cuối năm 2019, cơ quan bảo hiểm sẽ hướng dẫn các địa phương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự một số DN nợ bảo hiểm kéo dài để khởi tố vụ án, xử lý nghiêm khắc nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. Hiện BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật quy định việc quản lý và xử lý nợ đối với các DN đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh; DN có chủ bỏ trốn không có nguồn tài chính trả nợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Bên cạnh đó, để khắc phục việc nợ, trốn đóng BHXH, một số giải pháp đã và sẽ được BHXH thực hiện, đó là trả sổ bảo hiểm cho từng NLĐ; Cập nhật phần mềm thu nộp BHXH của từng cá nhân thông qua điện thoại. Theo đó, NLĐ có quyền cập nhật, theo dõi từng tháng, doanh nghiệp đã đóng BHXH cho người lao động chưa, và cập nhật ngay qua điện thoại. Nhưng từ trước nay không làm được vấn đề này nên doanh nghiệp có khi hàng năm không đóng, người lao động vì thế không biết.

"Muốn hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm, phải làm tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin cho người lao động biết. Công khai, minh bạch hóa đóng BHXH cho người lao động nắm được là giải pháp cao nhất để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH”, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.