Cắt hợp đồng sau 18 năm công tác
Mới đây, Báo Giao thông nhận được đơn "cầu cứu" của cán bộ, công nhân viên hợp đồng trường Học viện Hành Chính Quốc gia về việc bị thanh lý hợp đồng lao động, đối diện với nguy cơ thất nghiệp, khó khăn trong thời gian diễn ra dịch Covid-19.
Nội dung đơn thư viết, tập thể người lao động (155 người) đều có cống hiến nhiều năm tại Học viện Hành chính Quốc gia. Có những người đã công tác tới 18 năm tại học viện.
Trong thời gian công tác, nhiều người luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để hoàn thiện bản thân.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 8/2020, sau khi họp các khoa, ban, văn phòng để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, Học viện phát luôn thông báo thông báo của Giám đốc học viện về việc không ký tiếp (hợp đồng hết hiệu lực 6/9) và thực hiện thanh lý hợp đồng khiến nhiều người ngỡ ngàng, lo lắng đối diện nguy cơ thất nghiệp và không biết xoay xở như thế nào để chèo chống cuộc sống gia đình.
Trong tiết trời oi ả tháng 7, hàng chục giảng viên, cán bộ hợp đồng của học viện đội nắng đến gặp PV tại một điểm hẹn trên đường Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.
Một nữ giảng viên chia sẻ, chị đã công tác tại trường gần 15 năm. Cả gia đình chị sinh sống tại Hà Nội, hai con còn nhỏ. Chồng làm quân nhân xa nhà, một tay chị lo việc gia đình, cuộc sống không ít khó khăn. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, học viện lại thanh lý hợp đồng, cắt mất nguồn thu nhập, chị không biết kiếm đâu ra tiền để nuôi bản thân, các con và bố mẹ già.
Cùng cảnh ngộ, một nữ giảng viên khác cho biết, một mình chủ nhiệm 6 lớp học. Trong thời gian công tác chị luôn đạt danh hiệu thi đua tiên tiến. Chị không ngờ rằng mình sắp phải rời xa mái trường, nơi đã cống hiến gần 15 năm. "Khi nhận được thông báo thanh lý tôi cảm thấy rất sốc. Bản thân tôi đã ly hôn, giờ là nguồn lao động chính vừa nuôi con, thuê nhà và chăm bố mẹ già bệnh tật nặng. Tôi là trụ cột gia đình, rất lo sợ khi mùa dịch lại đi tìm một công việc mới. Nhất là khi tôi đã gần 40 tuổi, quá tuổi để tiếp cận, xin việc khác. Tôi mong rằng sẽ được cơ quan chức năng, học viện xem xét vì đã gắn bó, cống hiến rất nhiều và hiện giờ quá khó khăn", nữ giảng viên tâm tư.
Chắc chắn 50 người bị thanh lý hợp đồng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Nguyễn Quang Vinh, Tổng biên tập Tạp chí quản lý nhà nước, Giảng viên kiêm chức Khoa quản lý nhà nước về xã hội, đại diện cho Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, trước đây, khi học viện đào tạo sinh viên, học viện được cho phép tuyển dụng giảng viên hợp đồng.
Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng đào tạo sinh viên đại học, từ đó dẫn đến tình trạng thừa giảng viên.
Năm 2018, Bộ Nội vụ thực hiện thanh tra và kết luận có 248 hợp đồng lao động. Chiếu theo quy định hiện hành lúc bấy giờ (năm 2018-PV), Cán bộ, giảng viên chuyên môn nghiệp vụ phải là viên chức. Bộ Nội vụ yêu cầu phải thực hiện thanh lý hợp đồng và tổ chức thi tuyển viên chức.
Do đó, Bộ Nội vụ đã cho học viện thi tuyển rộng rãi, lấy 115 chỉ tiêu viên chức. Sau khi tổ chức thi đợt một, số người trúng tuyển chưa đủ (thiếu 45 chỉ tiêu). Do đó khoảng tháng 10 sẽ tổ chức tiếp đợt 2.
Cũng theo ông Vinh, sau khi tổ chức thi đợt 1, có rất nhiều cán bộ hợp đồng tham gia thi và trúng tuyển. Hiện nay còn khoảng 100 hợp đồng lao động. Trong kỳ thi tuyển thứ 2, học viện chỉ lấy 45 chỉ tiêu. "Như vậy chắc chắn khoảng hơn 50 hợp đồng sẽ buộc phải thanh lý, không có giải pháp nào khác", ông Vinh cho hay.
Được biết, trước đó (4/9), Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chủ trì về việc xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về một số công tác của Học viện Hành chính Quốc gia.
Tại Thông báo kết luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đồng ý với đề xuất của Học viện hành chính Quốc gia, chưa thanh lý hợp đồng lao động từ ngày 6/9/2020 như đã ra thông báo trước đó.
Đồng thời, giao học viện phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án giải quyết phù hợp quy định đối với số hợp đồng lao động; Chủ động, phối hợp với vụ tổ chức cán bộ rà soát việc tuyển dụng đối với số viên chức hiện có của học viện và xử lý theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận