Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 82 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định nêu rõ Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia là quy hoạch ngành, bao gồm hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, các kết nối tại khu vực đầu mối với đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm nghiên cứu các phương án phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường; tăng cường năng lực hội nhập của nền kinh tế trên cơ sở xây dựng mạng lưới đường sắt hiện đại, nâng cao tính thị trường, tập trung phát triển các hành lang vận tải gắn kết chặt chẽ với các hành lang kinh tế đô thị và nông thôn.
Phương án phát triển mạng lưới đường sắt gồm định hướng phân bố không gian phát triển mạng lưới đường sắt, xác định quy mô, mạng lưới đường, định hướng kết nối với các lĩnh vực GTVT khác và kết nối với các đầu mối giao thông quan trọng (cảng hàng không, cảng biển, cảng đường thủy nội địa,...).
Quy hoạch cũng cần xác định loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, định hướng khai thác, sử dụng và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, công nghệ gắn với phân cấp, phân loại theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các tuyến đường quan trọng trong mạng lưới đường sắt; Định hướng kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, kết nối với hệ thống đô thị và nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi, hệ thống du lịch”, nội dung của nhiệm vụ lập quy hoạch nêu.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tổ chức lập quy hoạch tối đa trong vòng 2 năm. UBND các tỉnh, thành phố Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình lập quy hoạch theo quy định pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định, cấp phê duyệt quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận