Năng lực quản lý dự án của mỗi tỉnh, thành khác nhau, vậy các địa phương sẽ vận hành, thực hiện công tác quản lý đầu tư ra sao cho đúng quy định?
Đây là vấn đề được dư luận quan tâm trước việc Chính phủ vừa có Tờ trình số 519 gửi Quốc hội báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 -2025).
Dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2021. Ảnh: Phúc Tuấn
Địa phương đã sẵn sàng?
Theo Tờ trình của Chính phủ, để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước toàn bộ 12 dự án thành phần dài khoảng 729km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Các địa phương có tuyến đường đi qua sẽ là chủ đầu tư dự án.
Theo lý giải của Chính phủ, hiện nay, việc giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP đã được pháp luật cho phép.
Đồng thời, việc phân cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Trao đổi với Báo Giao thông khi đón nhận thông tin trên, ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, nếu được cấp thẩm quyền chấp thuận giao làm chủ đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ thành lập ban chỉ đạo dự án do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban và có đầy đủ các sở, ban, ngành tham gia.
“Về kỹ thuật thi công, địa phương có thể đảm bảo vì cao tốc hiện nay mới chỉ có 4 làn đường, tính ra chưa khó khăn bằng nâng cấp mở rộng QL1. Tuy nhiên, nếu giao thì chúng tôi sẽ phải báo cáo UBND tỉnh xin bố trí thêm nhân lực. Cán bộ, kỹ sư của ban hiện chỉ làm các công trình quốc lộ, tỉnh lộ trong tỉnh… nếu được làm cao tốc thì phải lựa chọn một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp hơn”, ông Tùng cho biết.
Cũng theo ông Tùng, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đất đã được quy hoạch theo hướng tuyến thiết kế.
Thời gian tới, tỉnh cấm mua bán, chuyển nhượng, xây dựng mới các công trình trên đất đã quy hoạch.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cho biết, địa phương đã sẵn sàng để triển khai dự án cao tốc qua địa bàn. Vừa qua, tỉnh đã quy hoạch 19 mỏ đất, mỏ cát để phục vụ thi công cao tốc.
“Khi nào được yêu cầu, địa phương sẽ tiến hành thành lập hội đồng bồi thường, GPMB để giao đất triển khai thi công. Về sau này, nếu vướng tại đâu chúng tôi sẽ kiến nghị tiếp để xử lý nhằm đảm bảo tiến độ”, ông Hoàng nói.
Kinh nghiệm từ các địa phương đã triển khai
Đến nay, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư (Trong ảnh: Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải
Thực tế cho thấy, thời gian qua một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc như: Quảng Ninh (cơ quan có thẩm quyền thực hiện các dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái; Lạng Sơn (cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị); Tiền Giang (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận); Ninh Bình (dự án Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông)… đã tạo được tính chủ động, kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng.
Dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn có tổng chiều dài 15,2km đi qua 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình, do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Công trình này được khởi công ngày 2/12/2019, hoàn thành tháng 12/2021.
Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông vận tải (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành được 97%, phấn đấu sẽ về đích vào ngày 31/12/2021.
“Việc được giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đã giúp địa phương chủ động rất nhiều”, ông Minh nói.
Tương tự, ông Hoàng Quảng Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư cao tốc, cảng hàng không quốc tế theo hình thức đối tác công - tư.
Do vậy, trong quá trình thực hiện, Quảng Ninh đã chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tháo gỡ khó khăn như: Cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư đường cao tốc nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.
Trong đó cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km, nhà đầu tư đầu tư cầu Bạch Đằng theo hình thức BOT dài 5,4km, ngân sách tỉnh đầu tư tuyến đường dài 19,8km; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 59,6km, nhà đầu tư làm đoạn cao tốc dài 53km, ngân sách tỉnh đầu tư đoạn 6km.
Đối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,2km được chia thành 2 dự án độc lập gồm: Dự án cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 9.113 tỷ đồng dài 63,26km; dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng có chiều dài 16,08km được đầu tư bằng ngân sách tỉnh Quảng Ninh.
Với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, đến nay, tất cả vướng mắc liên quan đến việc thực hiện dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được tháo gỡ.
Nhờ vậy, hiện 2 tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đã đưa vào khai thác, phát huy tốt hiệu quả; tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang được đẩy mạnh thi công với quyết tâm cơ bản hoàn thành trong năm 2021.
Trong khi đó, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km, đi qua địa bàn TX Cai Lậy và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè và Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Ông Lê Văn Hưởng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, thời điểm tiếp nhận dự án tháng 3/2019, tỉnh chưa từng thực hiện các dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp như dự án trên.
Tỉnh cũng chưa có kinh nghiệm trong quản lý dự án BOT có giá trị lớn nên bộ máy quản lý chưa có kinh nghiệm điều hành.
Sau 10 năm khởi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, chủ đầu tư là Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã làm việc với các cơ quan chức năng rà soát các tồn tại trước đây của dự án và tham vấn ý kiến để khắc phục điều chỉnh.
Theo ông Hưởng, việc giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về cho UBND tỉnh Tiền Giang là một trong những bước ngoặt của dự án. Từ đó, các “nút thắt” của dự án từng bước được tháo gỡ.
Tỉnh đã tập trung cho công tác GPMB để sớm bàn giao cho nhà đầu tư. Nhiều lần, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án để vận động bàn giao mặt bằng, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh xuống tận nơi gặp người dân vận động.
Trong khi chờ nguồn kinh phí trung ương phân bổ, tỉnh đã tạm ứng khoảng 287 tỷ đồng để chi cho công tác giải tỏa, đền bù.
Sau khi thống nhất điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 12.668 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay chiếm hơn 50%, sau đó các ngân hàng cam kết cho vay 6.686 tỷ đồng.
Theo ông Hưởng, để đạt được kết quả trên, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tiền Giang thường xuyên giữ mối liên lạc với các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ GTVT. Đến nay, dự án đạt 80%, sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2021.
Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Với kinh nghiệm đã có, tới đây nếu Tiền Giang tiếp tục được giao làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền những dự án tiếp theo, tỉnh sẵn sàng tiếp nhận”.
Ông Trần Xuân Sanh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT:
Phải xác định rõ trách nhiệm
Việc giao cho cơ quan Trung ương làm chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có được một số ưu điểm như: Phù hợp với nguồn vốn ngân sách Trung ương; Khai thác được năng lực và kinh nghiệm của các ban quản lý chuyên ngành, chuyên nghiệp đã trưởng thành qua nhiều công trình trọng điểm của đất nước; Quản lý thống nhất các chính sách kinh tế, kỹ thuật và thi công.
Tuy nhiên, nhược điểm là một số hạng mục công việc sẽ rơi vào tình trạng thụ động, phụ thuộc vào các địa phương như: GPMB, tìm kiếm các mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu dự án.
Dù đây là những hạng mục phụ nhưng lại rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng và giá thành công trình.
Trong khi đó, nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư, công tác đầu tư xây dựng sẽ có được thuận lợi khi khai thác được các nguồn lực tại chỗ, kích thích được tính chủ động, thúc đẩy tiến độ GPMB, tiến độ cấp phép các mỏ vật liệu tại chỗ. Qua đó, có thể đẩy nhanh được tiến độ hoàn thành dự án.
Dù vậy, phương án này cũng gặp phải hạn chế, bởi không phải địa phương nào cũng đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm để quản lý thực hiện dự án.
Nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư dự án cao tốc, cơ quan chức năng các cấp cần phải thống nhất được các tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý xây dựng với Bộ chủ quản đối với dự án.
Nam Khánh (Ghi)
Nối thông cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063km, quy mô từ 4 - 6 làn xe, các đoạn cửa ngõ đô thị quy mô 8 - 10 làn xe.
Đến nay, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (thuộc Hà Tĩnh), Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (thuộc Phú Yên, Khánh Hòa), Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (chạy qua các tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau). Đây chính là các dự án được đề xuất giao địa phương làm chủ đầu tư trong Tờ trình 519 gửi Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận