Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây |
Bộ Tài chính vừa thống nhất hàng loạt cơ chế đặc thù theo đề xuất của Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đáng lưu ý, là việc Bộ Tài chính thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Địa phương chỉ phối hợp triển khai
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ về các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ về đề xuất giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, không giao các địa phương thực hiện theo các dự án riêng lẻ (kể cả trường hợp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận). Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện toàn bộ trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải ký khẳng định: “Tại Thông báo số 21 ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện dự án”.
Bên cạnh việc thống nhất các cơ chế đặc thù, Bộ Tài chính chưa đồng thuận với đề xuất của Bộ GTVT về một số cơ chế, chính sách. Cụ thể, là việc xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính để lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, mức lợi nhuận này có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, song tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án giao thông đường bộ hiện nay (khoảng 11,5%). Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT QL1 và mức lợi nhuận cụ thể sẽ được xác định trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. |
Đồng thời, Quyết định 326 ngày 1/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định, Bộ GTVT chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. UBND các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp với Bộ GTVT tổ chức thực hiện xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc. Căn cứ quy định tại Nghị định 15/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ, Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua phối hợp với Bộ GTVT để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT về việc đàm phán với các nhà đầu tư trên QL1 đối với những đoạn tuyến cao tốc được đầu tư hoàn thành trước so với dự kiến trong hợp đồng BOT theo hướng kéo dài thời gian thu phí, trường hợp không đạt được thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý. “Việc điều chỉnh thời gian thu phí dự án sẽ được xem xét cụ thể trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với các chỉ tiêu tính toán phương án tài chính theo hợp đồng đã ký kết”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải khẳng định.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép triển khai ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định: “Căn cứ quy định tại Nghị định 47 ngày 15/5/2014 của Chính phủ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Bộ Tài chính thống nhất việc triển khai công tác GPMB ngay sau khi duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi”.
Bộ Tài chính thống nhất nhiều cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đi vào khai thác) - Ảnh: Tạ Tôn |
Sử dụng giá trúng thầu để xác định chi phí đầu tư
Đề cập đến lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính của các dự án thực hiện theo hình thức BOT trên cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết, để thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT về việc sử dụng mức cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại lớn làm cơ sở xác định chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lãi suất chính thức theo kết quả đấu thầu.
Đối với đề xuất sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, các cơ quan nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tại Văn bản 6052 ngày 10/5/2017, Bộ Tài chính đã thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT đảm bảo phù hợp với nguyên tắc của Luật Đấu thầu. “Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đàm phán ký hợp đồng, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT bổ sung các nội dung đánh giá và các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án PPP”, văn bản của Bộ Tài chính cho biết.
Trả lời Văn phòng Chính phủ về việc Bộ GTVT đề xuất xác định giá trị vốn đầu tư trúng thầu sẽ là chi phí vốn đầu tư được quyết toán (tương tự như quy định đối với hợp đồng EPC), Bộ Tài chính cho rằng, trong nhiều trường hợp sau quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, giá trị theo hợp đồng có sự sai khác so với giá trúng thầu. Do đó, ngoài việc căn cứ vào giá trị trúng thầu, Bộ GTVT cần căn cứ nội dung hợp đồng và thực tiễn triển khai trong giai đoạn đầu tư xây dựng dự án.
Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất trong cách thức thu giá sử dụng dịch vụ toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam và thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới nhằm tăng hiệu quả quản lý và khai thác, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT về việc tách công tác thu giá sử dụng đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam thành gói thầu riêng, Bộ GTVT tổ chức lựa chọn một đơn vị đầu tư xây dựng và tổ chức thu giá. Tuy nhiên, việc lựa chọn đơn vị đầu tư và tổ chức thu giá phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận