Hoa Kỳ thừa nhận thể chế Việt Nam bằng cả lời nói và hành động
Ngày 10/9 vừa qua đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Cả hai nhà lãnh đạo đều khẳng định sự kiện này sẽ mở ra một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương.
Là chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học New South Wales, Australia, am hiểu về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer nhận định, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện biểu thị mức độ tin cậy cao và cam kết hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đồng nghĩa hai bên sẽ có các cuộc họp cấp cao hàng năm cũng như sẽ thông qua và giám sát kế hoạch hành động trong nhiều năm.
Nhìn lại mối quan hệ hai nước từ trước, ông Carl Thayer nhận định Việt Nam và Hoa Kỳ đã phải mất nhiều thời gian để đạt được kết quả như hiện nay.
Theo ông, trong 10 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng hội tụ trong các vấn đề như không phổ biến vũ khí hạt nhân, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Việc hội tụ lợi ích chiến lược diễn ra dưới hình thức hợp tác lẫn nhau chứ không phải liên kết.
Theo thời gian, Hoa Kỳ thừa nhận thể chế của Việt Nam bằng cả lời nói và hành động.
Điều này đã thể hiện rõ qua việc, trong các chuyến thăm của tất cả các cấp lãnh đạo Hoa Kỳ tới Việt Nam, phía Hoa Kỳ đều khẳng định ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.
Cách đây 8 năm, Hoa Kỳ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và bây giờ Tổng thống Biden thăm Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Biden có ý nghĩa rất quan trọng vì nó chứng tỏ sự hội tụ lợi ích ngày càng lớn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời điểm hệ thống quốc tế ngày càng phân cực và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Trong khi những xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài, Hoa Kỳ lại tìm thấy ở Việt Nam sự ổn định, là nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á, có lực lượng lao động trẻ, có đào tạo và là thị trường hấp dẫn.
Còn với Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ đối tác sẽ mở ra những lĩnh vực hợp tác mới trong thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Từ đó, phần nào hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại với thu nhập cao vào năm 2045.
Hình mẫu trong quan hệ ngoại giao với nước lớn
Đặt mối quan hệ mới trong bình diện khu vực và quốc tế, ông Carl Thayer chỉ ra, Việt Nam đang ở vị thế có thể hợp tác với các cường quốc trên một sân chơi bình đẳng.
Việt Nam sẽ có uy tín lớn trong ASEAN và khu vực châu Á nói chung khi mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ra bên ngoài ba quốc gia ban đầu là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc để nâng quan hệ với Hàn Quốc, Hoa Kỳ và tới đây sẽ là Australia, Nhật Bản.
Ngoài ra, theo Giáo sư người Australia, ở cấp đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ có thể là hình mẫu cho các quốc gia Đông Nam Á khác về cách hợp tác với Hoa Kỳ và mang đến lợi ích cho khu vực.
Đặc biệt là khi Hoa Kỳ khó có thể quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Sự hồi sinh của tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á sẽ lan tỏa và tác động đến tăng trưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn cầu.
Với mối quan hệ này, Việt Nam cũng có thể đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trong thúc đẩy cơ chế đa phương do ASEAN làm trung tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận