Gần 20 năm trước, hàng chục hộ dân di cư từ các tỉnh miền núi Bắc bộ (nhiều nhất là Cao Bằng) tự phát vào khu rừng xã Quảng Phú dựng nhà, khai phá đất rừng trồng tỉa sinh sống.
Mãi đến năm 2016, chính quyền tỉnh Đắk Nông mới công nhận sự tồn tại của khu dân cư này và đặt tên là thôn Phú Vinh dưới sự quản lý của (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) với gần 350 hộ, có khoảng 1.200 nhân khẩu, 100% là đồng bào DTTS (Mông, Dao, Thái…).
Tuyến ĐT4B lượn quanh hồ đã tạo điều kiện cho người dân chuyển hàng hóa đến tận nơi cho đồng bào định cư tại đây
Khao khát con đường đã thành sự thật
Đến với thôn Phú Vinh, từ QL 28B, chúng tôi theo con đường tỉnh lộ 4B lượn quanh co đèo dốc, một bên là núi rừng cằn cỗi, một bên là hồ thủy điện Buôn Tua Srah. Anh Giàng A Thới dẫn đường cho biết, cách đây hơn 10 năm trước, khi thủy điện Buôn Tua Srah chưa được xây dựng, thôn Phú Vinh chưa được thành lâp, người dân sống rải rác khắp núi đồi, muốn đến đây chỉ có cách duy nhất là đi theo con đường mòn.
Ông Giàng A Ninh là những người dân đầu tiên từ Cao Bằng vào đây lập nghiệp cho biết: “Từ cuối những năm 90, mình theo người dân vào đây để hái cà phê thuê. Cứ đến mùa cà phê mình vào, hết mùa mình về. Rồi mình đưa vợ vào làm thuê khắp nơi.
Đến lúc thấy mấy người rủ đến đây làm nhà ở, là mình dẫn vợ đi bộ từ Gia Nghĩa mất 4 ngày mới đến được đây. Từ ngoài đường lớn chỗ UBND xã vào đây toàn là đường mòn và phải đi bộ vì đèo dốc không thể đi xe máy được”.
Đường giao thông đến tận thôn, không còn cảnh tay dắt, vai vác hàng vượt đồi núi nữa
Năm 2011 thủy điện Buôn Tua Srah hoạt động, nước dâng cao, hồ Nam Ca như biển lớn, khiến chính quyền và cơ quan chức năng phải tìm đến từng nhà dân vận động mọi người gop về khu vực xã Quảng Phú để làm nhà và dần ổn định đời sống.
Một lãnh đạo Sở GTVT Đắk Nông thời ấy cho biết, khi thủy điện tích nước, đường ĐT4B nhiều đoạn bị ngập dưới lòng hồ. Khi phải mở lại đường tỉnh lộ 4B, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị thiết kế nắn tuyến đường qua khu vực bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền Bắc đang định cư để phục vụ cho bà con an cư lạc nghiệp.
Ông Hà Sĩ Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Không chỉ đối với đường ĐT4B, mà tất cả những tuyến đường tỉnh, đường huyện khi mở tuyến tình Sở GTVT đều tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thiết kế tuyến đường qua các khu dân cư, nhất là những khu vực dân cư từ nơi khác mới đến Đắk Nông lập nghiệp".
Đối với mạng lưới giao thông nông thôn, lãnh đạo chính quyền huyện Krông Nô quan tâm ưu tiên đặc biệt. Cuối tháng 7/2021 Sở GTVT chỉ đạo các địa phương ra soát lại mạng lưới giao thông. Chỉ sau 1 tuần huyện Krông Nô đã có báo cáo cụ thể.
Theo đó đến nay toàn huyện tuyến đường huyện có 100,8km thì đến hết năm 2021 đạt đến 94% được nhựa, bê tông hóa. 100% đường đến trung tâm các xã đã được nhựa hóa. Năm 2022 bố trí vốn nâng cấp thêm 8,1km nữa. Tuyến đường xã có 81,378km, đến hết năm 2021 đạt đến 81,2% nhựa hóa. Tuyến đường thôn, bon có 145km, đã đạt 66% nhựa hóa.
Giao thông thuận lợi giúp các nhà hảo tâm thuận lợi mang hàng qua đến tận tay đồng bào miền Bắc lập nghiệp tại Đắk Nông
Tìm đến tận rẫy để điều tra làm căn cước công dân cho đồng bào
Cả thôn Phú Vinh, hàng ngàn con người ở đó quanh quẩn với cây mì (sắn), cây ngô, cuộc sống vô cùng khó khăn. Số hộ nghèo ở đây chiếm đến khoảng 90%. “Đất đai nơi đây cằn cỗi nên thu nhập của người dân hằng năm chẳng đáng là bao”, anh Phàng A Hồng, một người dân ở Phú Vinh than thở với chúng tôi.
Ông Lục Văn Hiệp, người dân thôn Phú Vinh chia sẻ, ngoài cái nghèo, người dân Phú Vinh còn gặp rất nhiều khó khăn khác do không có hộ khẩu bà con không làm được CMND, nhiều đứa trẻ cũng không có giấy khai sinh.
“Phàng A Hồng mua được chiếc xe máy vui lắm. Nhưng do không có chứng minh nhân dân nên để mua được xe, Hồng phải nhờ người khác đứng tên chủ xe. Nhưng cũng vì không có CMND nên không thể học bằng lái, người dân Phú Vinh gần như chỉ sử dụng xe máy để chạy quanh quẩn trong thôn mà không dám ra ngoài vì sợ bị phạt.
Anh Giàng A Thể (19 tuổi) là một trong những thanh niên hiếm hoi ở Phú Vinh học đến lớp 12. Anh Thể muốn tiến thân bằng con đường học vấn nhưng cũng vì thiếu CMND mà không thể học tiếp. Cuối cùng, anh cũng “theo bước cha ông” quanh quẩn trong thôn với cây mì, cây ngô”, ông Hiệp, cho biết.
Giàng A Ninh có hai đứa con chuẩn bị đến trường. Nhưng đến giờ vẫn không làm được giấy khai sinh. “Mình đi đến xã làm giấy khai sinh cho con nhưng cán bộ nói phải có giấy đăng ký kết hôn nhưng hồi đó vợ chồng mình về ở chung đâu có làm cái giấy đó. Giờ con cái đến tuổi đến trường nhưng không được đi học mình cũng lo lắng lắm…”, anh Ninh cho hay.
Một lãnh đạo UBND xã Quảng Phú cho biết, thời điểm được công nhận, toàn bộ người dân thôn Phú Vinh đều không có hộ khẩu. Hiện chính quyền đang tích cực xử lý việc này nhưng khó khăn vô cùng. Một phần hầu hết người dân đều không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào hoặc có nhưng bị thất lạc nên rất khó để làm các thủ tục theo đúng quy định. Mặt khác, do hầu hết đất đai mà người dân đang sinh sống đều có nguồn gốc từ rừng nên rất vướng.
Thượng tá Trần Thanh Tuấn - Trưởng Công an huyện Krông Nô cho biết, thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra hộ khẩu, rà soát các loại đối tượng và hoàn chỉnh dữ liệu dân cư trên địa bàn, Công an huyện đã thực hiện chỉ đạo cán bộ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người.
Riêng đối với thông Phú Vinh, họ có nhà ở thôn, nhưng họ đi làm thuê khắp nơi trong huyện, thậm chí làm thuê cả các huyện khác, có người sang cả địa bàn tỉnh Lâm Đồng làm thuê. Công an huyện chỉ đạo anh em bằng mọi giá vượt đèo, nội suối vào tất cả các nương rẫy xa để tìm người dân, để điều tra chính xác nhất, lấy thông tin từ họ, gửi xác minh về quê xác định nhân thân.
Công an huyện phải nắm rõ lý lịch của các hộ dân thôn Phú Vinh để đề xuất lên cấp trên, cũng như chính quyền địa phương bảo vệ các quyền lợi cho họ. Ví dụ như làm bảo hiểm y tế, chế độ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng… Vừa qua khi đã đầy đủ hồ sơ hợp pháp, Công an đã kiến nghị cấp hộ khẩu, và đã làm thẻ căn cước cho người dân thôn Phú Vinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận