Bất động sản

Nhà đầu tư bất động sản đổ xô đến Lâm Đồng

27/10/2021, 08:00

Ngay sau khi Lâm Đồng nới lỏng giãn cách, các nhà đầu tư bất động sản khắp nơi đổ dồn đến đây săn lùng đất khiến giá tăng chóng mặt.

Giá tăng từng ngày

Ngay sau khi Lâm Đồng nới lỏng giãn cách từ 16/10, nhà đầu tư Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác đổ dồn về các vùng nông thôn tìm mua đất nông nghiệp với diện tích lớn, thậm chí họ chung tiền mua nguyên một sườn đồi có view đẹp rồi chia nhau.

img

Một đồi chè ở Bảo Lộc bị san nền phân lô

Anh Phạm Văn Q., chủ doanh nghiệp bất động sản ĐNX cho biết: “Tất cả các mối khách hàng tiềm năng mấy tháng nay chỉ liên hệ với chúng tôi bằng điện thoại, nay đang lần lượt lên Lâm Đồng để ký kết các hợp đồng. Ngay trong đêm 20/10 công ty đã ký hợp đồng 2 lô đất, tổng số tiền giao dịch 26 tỷ đồng cho 3 khách hàng từ Hà Nội. Trong ngày 23/10, chúng tôi lại tiếp 8 khách hàng từ TP.HCM lên để đi tìm mua đất tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng”.

Mấy ngày này ngồi bất kì nơi đâu, chủ đề chính của người dân cũng vẫn câu chuyện giá đất Lâm Đồng tăng chóng mặt.

Trong đó, anh N.V.T từ Huế lên mua 1 lô 7.000m2 đất trên một ngọn đồi tại huyện Lâm Hà với giá 1,54 tỷ đồng tháng 4/2020.

Cách đây vài ngày anh bán 6.000m2 cho một nhà đầu tư tại TP.HCM với giá 2,8 tỷ đồng. Anh Hoàng Tiến L. cho biết, đầu năm anh bán lô đất trồng cà phê bên cạnh suối Đạ Cho Mo, tại xã Phi Liêng, huyện Lâm Hà với giá 2,5 tỷ đồng, đến nay có người từ TP.HCM lên trả 5 tỷ đồng nhưng chủ mới vẫn chưa bán.

Giải thích lý do vì sao các đại gia từ Hà Nội, TP.HCM lại đổ xô về Lâm Đồng đầu tư bất động sản trong thời gian này, anh Phạm Văn Q, chuyên gia kinh doanh bất động sản tại đây nhận định: “Dịch bùng nổ tại các đô thị lớn, nơi tập trung dân cư đông đúc. Nhiều người có tiền dè đặt đầu tư kinh doanh vì lĩnh vực nào cũng đang khó khăn, rủi ro.

Do vậy họ tìm đến tỉnh lẻ mua một lô đất tại vùng nông thôn, vừa là nơi đi về “trốn dịch”, vừa là tài sản đầu tư, có thể thu lời khi giá lên. Trong khi đó, QL20 thông từ TP Biên Hòa lên Lâm Đồng chưa đến 100km rất thuận lợi nên hầu hết đại gia TP.HCM chọn Lâm Đồng là điểm đến để đầu tư bất động sản”.

Chiêu trò “hiến đất làm đường” để phân lô bán nền

img

Một ngọn đồi tại xã Đại Lào, TP Bảo Lộc bị san phẳng để lấy đất san lấp mặt bằng phân lô bán nền

Theo ghi nhận, những người nhiều tiền đầu tư những lô đất lớn bên sườn đồi, có sông, hồ, có view đẹp, còn người ít tiền cũng muốn có lô đất trên Lâm Đồng làm “của để dành”.

Chính vì thế đi trên tuyến đường nào từ quốc lộ đến tỉnh lộ tại Lâm Đồng cũng bắt gặp tình trạng phân lô, mở đường bàn cờ trên các sườn đồi y trang khu dân cư nhỏ.

Tuyến đường tránh QL20 qua TP Bảo Lộc đi qua địa bàn xã Lộc Châu, phường Lộc Tiến, phường B’lao, phường Lộc Sơn và xã Lộc Nga thuộc TP Bảo Lộc, nhiều đoạn đất bên đường được san lấp rộng mênh mông, có chỗ đến cả chục ha.

Đoạn đường tránh này dài khoảng 10km thì cũng có đến hàng chục địa điểm đã được san nền bằng phẳng bên đường, được rao bán công khai trên mạng.

Một người dân sinh sống bên đường tránh này cho biết: “Hầu hết các đồi đất dọc hai bên đường này đã được các nhà đầu cơ bất động sản, hoặc các đại gia từ Hà Nội, Sài Gòn đến mua hết.

Họ san lấp mặt bằng, phân lô để bán lại. Muốn gặp họ chỉ cần lên mạng vào các trang rao bán bất động sản chứ hỏi dân chúng tôi cũng chịu”.

Trước thực trạng này, ngày 18/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh này chuyển toàn bộ hồ sơ sang Công an tỉnh Lâm Đồng yêu cầu điều tra, làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan dẫn đến những sai phạm trong việc hiến đất làm đường, ghi nhận hiện trạng đường giao thông để giải quyết hồ sơ tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc, giai đoạn 2018- 2020.

Theo đó, những năm qua, tại TP Bảo Lộc, nhiều doanh nghiệp bất động sản núp bóng dưới hình thức cá nhân, dùng chiêu xin “hiến đất làm đường” sau đó phân lô, tách đất nông nghiệp thành nhiều thửa nhỏ để sang nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức “dự án bất động sản”.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng phát hiện có nhiều trường hợp người sử dụng đất sau khi đã “hiến đất” để làm đường phục vụ xong việc phân lô, tách thửa lại tiếp tục xây dựng công trình và sử dụng vào mục đích cá nhân trên phần đất đã hiến.

Người sử dụng đất không lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định mà chỉ lập “đơn xin hiến đất” và UBND xã ghi nội dung chuyển các cơ quan giải quyết.

Do vậy, không xác định được bên nhận tặng cho là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hay cộng đồng dân cư nào.

Ngoài ra, việc tự ý xây dựng đường giao thông không tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục về xây dựng các công trình công cộng do người dân tự xây dựng trên đất nông nghiệp không đúng quy định, không có hồ sơ thiết kế, nghiệm thu công trình hoàn thành.

Tuy nhiên, với việc chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào “đơn xin hiến đất” để ghi nhận hiện trạng đường giao thông vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất được tách thửa vì lợi ích cá nhân.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó chủ tịch UBND xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc xác nhận chính quyền đã cung cấp hồ sơ liên quan đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn cho cơ quan công an nhằm phục vụ quá trình điều tra.

Chỉ trong năm 2020, trên địa bàn xã Đam B’ri có 16 trường hợp phân lô và mở đường giao thông. Qua kiểm tra thực tế và hồ sơ tách thửa của đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Lâm Đồng cho thấy, các hộ gia đình, cá nhân đều có đơn hiến đất làm đường được UBND xã xác nhận.

Việc mở đường giao thông là do các hộ gia đình, cá nhân tự mở và đầu tư xây dựng (hiện trạng đã trải bê tông nhựa, đá cấp phối) và dựng trụ điện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.