Nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhiều tuyến đường giao thông, dự án hạ tầng ở huyện miền núi Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) được xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo giao thông, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Những ngày này về thăm khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của khu phố thuần đồng bào dân tộc thiểu số.
Các tuyến đường được bê tông hóa, hệ thống chiếu sáng được lắp đặt năng lượng mặt trời. Hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ đã "khoác áo mới" cho bộ mặt giao thông nông thôn (GTNT) ở thị trấn Lạc Tánh, miền núi huyện Tánh Linh.
Ông Trương Văn Lưu, trưởng khu phố Tân Thành (thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh) cho biết khu phố có 825 hộ, thuộc 12 dân tộc đồng bào thiểu số, đều làm nông nghiệp.
Trong năm 2024, thị trấn triển khai xây dựng 3 tuyến đường mới người dân trong vùng ai nấy đều vui mừng. Trước khi đầu tư xây dựng những con đường trong khu phố xuống cấp, ổ voi, ổ gà... đi lại gập ghềnh, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
"Người dân vui lắm vì đường được thảm bê tông nhựa, hệ thống chiếu sáng năng lượng điện mặt trời khang trang, sạch đẹp.
Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều tuyến đường được xây dựng đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại vận chuyển hàng hóa nông sản, từng bước kéo giảm các hộ nghèo trong khu phố", ông Trương Văn Lưu, trưởng khu phố Tân Thành nói.
Trao đổi với PV, ông Lưu Đức Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Tánh cho biết các dự án, tiểu dự án từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn đã giúp người dân hưởng lợi sớm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Tuy là thị trấn nhưng Lạc Tánh có đến ba khu phố thuần đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có khu phố Trà Cụ và Tân Thành thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Vì vậy, các chương trình mục tiêu Quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
"Ngoài các dự án thủy lợi, đường nội đồng được đầu tư, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông luôn được người dân đồng thuận cao, hiến đất làm đường.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt giao thông ở thị trấn nói riêng, toàn huyện nói chung", ông Lợi nói.
Theo Phòng kinh tế hạ tầng huyện Tánh Linh, ngoài những tuyến đường giao thông hiện hữu, sắp tới huyện tiếp tục triển khai một loạt dự án hạ tầng, đường giao thông nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường liên huyện, đường vào các Khu công nghiệp... thay đổi diện mạo giao thông, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Theo Ban dân tộc tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có 34 dân tộc thiểu số, với 101.733 khẩu, chiếm 8% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh cư trú phổ biến là sống xen kẽ.
Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp. Tỉnh quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, 17 xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào dân tộc tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai trong 10 năm, bắt đầu năm 2021 và kết thúc năm 2030.
Mỗi giai đoạn đều xác định phương thức, nội dung triển khai. Trong giai đoạn 1 sẽ tập trung triển khai 10 dự án thành phần, bao trùm tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận