Thời sự Quốc tế

Giao tranh leo thang, người Lebanon thuê du thuyền hạng sang đi sơ tán với giá "cắt cổ"

06/10/2024, 17:29

Giữa lúc Israel dội bom khốc liệt, nhu cầu di chuyển sơ tán tăng đột biến. Nhiều người phải thuê cả du thuyền sang trọng để sơ tán với giá gấp 3 bình thường.

Giá du thuyền đội lên gấp 3 

Trước khi xung đột bùng nổ, du thuyền Princess 2010, mẫu du thuyền ấn tượng với thân trắng sáng bóng, dài 24m trị giá 1,3 triệu USD thường di chuyển dọc các bờ biển của Lebanon, phục vụ khách du lịch với chi phí 600 USD/chuyến.

Giao tranh leo thang, người Lebanon thuê du thuyền hạng sang đi sơ tán với giá "cắt cổ"- Ảnh 1.

Hành khách xách vali chuẩn bị lên du thuyền (Ảnh: Guardian).

Nhưng kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch đánh bom khốc liệt trên khắp Lebanon vào ngày 23/9, du thuyền Princess 2010 lại tham gia thực hiện những hành trình rất khác đó là sơ tán các gia đình từ thủ đô Beirut (Lebanon) đến Cyprus, theo báo Guardian (Anh).

Những chai rượu sâm panh trên du thuyền đã được thay thế bằng những chiếc vali xếp vội.

Nhà môi giới Khailil Bechara làm việc với các đời thuyền trưởng của Princess 2010 chia sẻ: "Toàn bộ các chuyến đi đều được đặt kín chỗ. Với 2 du thuyền, chúng tôi thực hiện được khoảng 30 chuyến kể từ thời điểm xảy ra các vụ không kích vào ngày 23/9".

Với mức giá 1.800 USD/người, vé di tản bằng du thuyền Princess 2010 từ Beirut đến Cyprus không hề rẻ, gấp 3 lần bình thường, nhưng nhu cầu vẫn rất cao bởi người dân đã đến mức đường cùng cố gắng tìm đường rời khỏi Lebanon. 

Giao tranh leo thang, người Lebanon thuê du thuyền hạng sang đi sơ tán với giá "cắt cổ"- Ảnh 2.

Người dân di chuyển lên thuyền nhỏ để tới du thuyền đi sơ tán (Ảnh: Guardian).

Kể từ khi giao tranh giữa Israel và Hezbollah bắt đầu vào ngày 8/10/2023, chiến dịch quân sự của Israel đã khiến 2.000 người thiệt mạng, hơn 9.000 người bị thương. Trong đó, đa phần thương vong xảy ra kể từ ngày 23/9.

Ngày 4/10, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết phần lớn trong số gần 900 nơi tạm trú ở Lebanon đã chật kín chỗ và ngày càng có nhiều người sơ tán khỏi miền Nam Lebanon phải ngủ qua đêm ở ngoài trời.

Song, sáng 5/10, quân đội Israel tiếp tục phát 3 cảnh báo yêu cầu người dân ở vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Lebanon sơ tán ngay lập tức.

Thủ tướng Lebanon Najib Mikati ngày 3/10 cho biết, tính đến thời điểm này đã có hơn 1 triệu người phải di dời.

Riêng sáng 4/10, nhiều vụ nổ lớn làm rung chuyển bầu trời gần sân bay chính của thủ đô Beirut. 

Mặc dù sân bay vẫn mở cửa, nhưng chỉ có hãng hàng không quốc gia Lebanon Middle East Airlines còn hoạt động.

Người dân địa phương phải tranh giành mới có được một ghế trên máy bay. Còn các đại sứ quán đã thuê chuyến bay riêng cho công dân về nước.

Trên mạng xã hội Instagram tràn ngập nội dung quảng cáo về tàu thuyền cho những người muốn sơ tán khỏi Lebanon, với đủ loại thuyền từ hạng sang đến hạng nhỏ. 

Nhiều con thuyền không khác nào những chiếc thuyền ọp ẹp chở quá tải người tị nạn Syria từ cảng Tripoli phía Bắc Lebanon về phía Cyprus or Italy mong có cuộc sống mới.

Theo ông Bechara, nhiều người không có đủ tiền để đi máy bay hay du thuyền nên không còn lựa chọn nào, buộc phải đi những con thuyền đó.

10 ngày hơn 300.000 từ Lebanon sang Syria 

Ngoài du thuyền, nhiều người còn chọn đi đường bộ sang Syria. Riêng trong 10 ngày qua, Chính phủ Lebanon cho biết hơn 300.000 người đã đến Syria.

Người dân Lebanon thường lên kế hoạch di chuyển bằng đường bộ đến Syria rồi từ đó tới những nơi khác ở Trung Đông.

Giao tranh leo thang, người Lebanon thuê du thuyền hạng sang đi sơ tán với giá "cắt cổ"- Ảnh 3.

Một chuyến bay thương mại cất cánh giữa lúc khói lửa bốc lên sau các cuộc giao tranh tại Beirut (Ảnh: AFP/Getty Images).

Chị Sahar Sourani, một phụ nữ Lebanon 33 tuổi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế là điển hình. Chị đang tìm mọi cách để đưa bố mẹ và gia đình anh trai di tản khỏi đất nước.

Trước đó, gia đình chị mới phải rời Dahiyeh, vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut sau một cuộc không kích của Israel hôm 20/9 làm san bằng một tòa nhà dân cư gần đó, khiến 45 người thiệt mạng.

Gia đình Sourani không thể đi thuyền đến Cyprus do chi phí quá cao và nhiều yêu cầu về thị thực nên họ phải chuyển hướng đi đến biên giới với Syria và bắt xe buýt đến thủ đô Amman (Jordan) sau đó lại đi máy bay đến Muscat, Oman, nơi chị gái cô sống.

Tuy nhiên, vào sáng 4/10, cửa khẩu biên giới chính tới Syria là Masnaa đã bị Israel ném bom vì quân đội Israel tuyên bố Hezbollah đang sử dụng nơi này để buôn lậu vũ khí vào Lebanon.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.