Y tế

Giật mình nguyên nhân khiến trẻ tự tử, hủy hoại bản thân

29/11/2020, 06:59

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên có thể đến từ căng thẳng học tập, gặp trở ngại trong các mối quan hệ...

img
Một ca thăm khám sức khỏe tâm thần ở Bệnh viện Nhi T.Ư

Căng thẳng học tập, gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm hay những thay đổi tâm lý, dậy thì trong giai đoạn học đường… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên.

Tự tử vì bị phê bình “oan” trên lớp

TS. BS. Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, BV Nhi T.Ư chia sẻ, cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận bé gái 14 tuổi, được gia đình đưa đến trong tình trạng hôn mê sâu và các y, bác sĩ đã không thể cứu được.

Qua tìm hiểu, người nhà cho hay em đã bị cô giáo phê bình ở trên lớp vì nói chuyện, làm việc riêng, bất chấp việc em phủ nhận điều này. Đáng nói, gia đình cũng xảy ra bất ổn từ lâu, trẻ phải sống xa cha mẹ và ở cùng bà.

“Khi gia đình yêu cầu em phải làm bản kiểm điểm, trẻ đã tự giải quyết bằng việc thắt cổ tự tử. Đến khi bà phát hiện ra thì đã muộn”, BS. Loan nói và cho rằng: “Rất có thể từ lâu rồi trẻ đã có những rối loạn về tâm thần nhưng không được phát hiện để can thiệp và chính việc trẻ bị phạt như “giọt nước làm tràn ly” khiến trẻ tìm đến cách giải quyết tiêu cực”.

Hiện tại, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, BV Nhi T.Ư đang điều trị cho nữ học sinh 12 tuổi mắc bệnh trầm cảm và từng nhiều lần có ý định tự tử. Qua tiếp xúc được biết, em không hợp bố mẹ và chỗ dựa tinh thần chính là anh trai.

Nhưng cách đây vài tháng, anh trai đi du học khiến bé gái rơi vào trạng thái trầm cảm, thấy “bơ vơ” trong chính căn nhà của mình, từ đó nảy sinh ý tưởng tự tử. May mắn gia đình phát hiện kịp thời. Hiện các bác sĩ đã can thiệp tâm lý cho bé gái được 10 buổi, kết quả khả quan khi tâm trạng em được cải thiện, điểm một số môn học cũng tốt hơn.

Năm 2019, BV Nhi T.Ư đã có một cuộc khảo sát nhóm nhỏ với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho thấy, tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; Tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.

“Điều đó cho thấy, ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Tỷ lệ trẻ nữ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn”, BS. Loan phân tích.

Những dấu hiệu phát hiện sớm trẻ trầm cảm

Theo BS.a Loan, nguyên nhân dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ có thể do căng thẳng trong học tập như kỳ vọng của gia đình, hay trẻ tự đặt kỳ vọng cao với bản thân, thay đổi môi trường học tập (chuyển cấp), thay đổi tâm lý, dậy thì. Cũng có thể bắt nguồn từ việc thiếu phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường…

BS. Minh Loan cho biết: “Phần lớn các ca rối loạn sức khỏe tâm thần khi tìm đến thăm khám đều đã ở giai đoạn muộn. Nhiều gia đình khi đưa các cháu đến khám còn cho rằng, con mình không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng thực tế khi trao đổi với các em, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều bất ổn như trẻ bị stress, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình từ rất lâu. Nhiều bậc phụ huynh vẫn coi những biến đổi tâm lý của trẻ là tâm lý tuổi dậy thì, đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng thì can thiệp quá muộn”.

Chuyên gia tâm lý cho rằng, nếu không phát hiện sớm, can thiệp sớm đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, học hành sút kém, rối loạn hành vi và rối loạn về tâm thần.

“Ngoài gia đình, trường học là nơi trẻ gắn bó hàng ngày, theo khảo sát của chúng tôi có tới 62-71% học sinh mong muốn có chuyên gia tư vấn tâm lý trong trường học. Thực tế, một số trường đã có Phòng tham vấn tâm lý học đường, giúp các em được tiếp cận với các chương trình phòng ngừa sớm và ngay tại trường học. Thời gian tới, các mạng lưới tâm lý học đường cần tiếp tục được kết nối với các cơ sở y tế để có thể chuyển trẻ có biến đổi tâm lý phức tạp đến điều trị”, bà Loan cho biết.

Còn theo BS. Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý rất thường gặp ở trẻ vị thành niên.

Trong đó, rối loạn trầm cảm rất phổ biến với những sang chấn nặng như căng thẳng gia đình kéo dài, lạm dụng và ngược đãi, thất bại trong học tập. Trầm cảm ở trẻ thường khởi phát từ từ, xảy ra với trẻ đã vài năm bị tăng động, rối loạn âu lo hoặc triệu chứng trầm cảm ngắt quãng…

“Khi trẻ có các dấu hiệu khí sắc trầm, cảm xúc không ổn định, hoặc mất thích thú và sự hài lòng, trẻ mất ngủ, sụt cân, bất an, mệt mỏi, chậm chạp, cảm giác vô dụng… cha mẹ cần cho trẻ đi thăm khám ngay về sức khỏe tâm thần”, ông Thiện cho hay.

Nghiên cứu gần đây nhất tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn tăng động (ADHD) chiếm 14,1%; Rối loạn cảm xúc 11,5%; Rối loạn ứng xử 9,2%. Ngoài ra, 5% trong số 10 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý là trẻ dưới 18 tuổi (50% là trẻ dưới 16 tuổi).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.