Nhiều thành phố trên thế giới có những “chính sách” riêng trong việc này. Ví dụ, ở Brisbane (Queensland, Úc), các con phố ở khu trung tâm được đặt tên theo các nhà vua và nữ hoàng Anh. Các phố tên vua song song với nhau và cắt các phố tên nữ hoàng. Ở nhiều nước khác, đường sá được đặt theo tên danh nhân, hoặc dựa theo một ngành nghề kinh doanh từng phổ biến ở con đường đó, như đại lộ Wilson ở Brooklyn (New York), phố Enrico Fermi ở Rome (Italia), đại lộ Victor Hugo ở Paris (Pháp)...
Thủ đô Hà Nội cũng vậy, với 1.000 năm văn hiến, mỗi tên đường, tên phố đều gắn với các nhân vật, sự kiện, địa danh lịch sử của dân tộc. Việc lựa chọn đặt tên cho từng con đường, tuyến phố ở Hà Nội đã có những quy định, quy trình rất cẩn trọng, từ việc lấy ý kiến người dân, hiệp thương với xã, phường, quận huyện đến báo cáo UBND thành phố trình HĐND thông qua, ra quyết định.
Sự cẩn trọng ấy là cần thiết, bởi tên đường, tên phố không đơn thuần chỉ là tên gọi, mà còn vừa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa là một cách để giữ gìn lịch sử. Đã có nhiều trường hợp, việc đặt tên đường kéo dài cả vài năm trời, như trường hợp đặt tên đường mang tên nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, cũng bởi vì thành phố chưa thống nhất được với gia đình và người dân nơi định đặt tên đường theo tên cụ.
Thế nên, việc người dân rồi cơ quan báo chí liên tiếp phát hiện hai con đường ở Hà Nội bỗng dưng bị “đặt trộm” tên là Ngô Minh Dương và Huyndai khiến dư luận xôn xao, còn chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng đều “giật thót” bởi chẳng ai biết vì sao con đường mang tên ấy. Lạ nữa, chúng được đánh số nhà theo tên đường rất quy củ, có cả biển tên đường trang trọng rất đúng quy chuẩn.
Trên địa bàn thành phố đã từng có trường hợp người dân hoặc chủ đầu tư tự ý đặt tên những con đường chưa được HĐND, UBND thành phố ra nghị quyết, quyết định. Trước đó, năm 2015, dư luận cũng xôn xao về tên đường Ướp Lạnh trên địa bàn quận Nam Từ Liêm; hay năm 2014, xuất hiện một số tên đường đầy khó hiểu như: PS1, LS3, SD1, SD2, CD2… ở Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy.
Thực ra với người dân, con đường cũng giống như một con người, sinh ra thì phải có tên. Thấy đường để đi rồi, nhà mọc san sát hai bên mà mãi không có tên đường, thì người dân sẽ tự nghĩ tên để đặt cho dễ gọi, dễ xác định địa chỉ gia đình mình, để còn thuận tiện giao dịch, đi lại, làm ăn.
Như tuyến đường tự nhiên mang tên Huyndai chỉ vì nó là đường đi đến khu đô thị Hyundai Hillstate gần đó, đơn giản như một đứa trẻ sinh ra bị bỏ rơi cha mẹ quên cả đặt tên, thì người ta thường thấy cái gì tiện nhất, gần nhất rơi vào tầm mắt để đặt tên cho đứa trẻ ấy.
Còn đường Ngô Minh Dương thì chưa ai lý giải nổi tại sao lại xuất hiện tên đường ấy, lẽ nào có ai đó vui tính, thích chơi trội đem đặt một cái biển rồi cắm trên con đường mới tinh, hiện đại đến 10 làn xe của Thủ đô.
Để con đường sinh ra rồi bị lãng quên việc đặt tên, rõ ràng là sự rối ren, bất cập trong quản lý của cả các cấp chính quyền cơ sở đến các ban ngành dọc chịu trách nhiệm đặt tên đường.
Hà Nội mở rộng đang đô thị hóa rất nhanh, nếu không có tầm nhìn, không đủ trình độ quản lý, thì ngoài những tuyến phố “đồng phục” kỳ quái như Lê Trọng Tấn, Đình Thôn, đến một lúc nào đó, rất có thể sẽ còn tình trạng một cá nhân ngẫu hứng cắm một cái biển thành tên tuyến phố như trường hợp “đường Ngô Minh Dương” xôn xao dư luận gần đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận