Hồ sơ tài liệu

Giới làm luật Anh tính chuyện "bác" Brexit

06/07/2016, 06:33

Giới làm luật Anh đang tìm kiếm giải pháp “câu giờ” tiến trình đàm phán Brexit để Anh rời khỏi EU...

1

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Donald Tusk, tân Chủ tịch của Hội đồng châu Âulà những người trực tiếp tham gia đàm phán về Brexit

Cần qua Quốc hội

Brexit là cú sốc đối với nhiều người, nhưng kết quả trưng cầu tự nó không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý theo luật pháp Anh và không phải là động lực để thúc Anh “ly hôn” ngay với EU. Điều 50 Hiệp ước Lisbon là cơ sở để Anh sẽ chấm dứt duyên nợ 40 năm với EU. Theo đó, một khi Thủ tướng Anh đã đưa ra thông báo, thời gian giới hạn để Anh rời EU là 2 năm. Thời gian này cũng có thể được gia hạn với sự chấp thuận của 27 thành viên còn lại.

Tuy nhiên, Văn phòng luật sư Mishcon De Reya có trụ sở tại London cho biết, đã tiến hành thủ tục yêu cầu Quốc hội Anh phải có ý kiến về việc nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và ý kiến của Quốc hội phải được đưa ra trước khi “kích hoạt” thủ tục rút khỏi EU, theo Reuters ngày 5/7. Theo Mishcon De Reya, chỉ khi nào một đạo luật được ban hành bởi Quốc hội, với sự đồng ý của cả Thượng, Hạ viện và được Hoàng gia phê chuẩn, mới có thể khởi động các thủ tục được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.

Đại diện Mishcon De Reya cho biết, họ tiến hành thủ tục này theo yêu cầu của một nhóm các thân chủ (yêu cầu ẩn danh). Tuy nhiên, theo truyền thông thì nhóm người này là các doanh nhân và giáo sư các trường đại học.

Ông Kasra Nouroozi, một cổ đông của Mishcon De Reya nói rằng, về mặt pháp lý, kết quả trưng cầu dân ý Brexit không mang tính bắt buộc. Do đó, “kích hoạt” Điều 50 mà không có sự đồng ý của Quốc hội là bất hợp pháp”.

Thủ tướng không thể tự hành động

Ngoài ra, Điều 50 quy định, bất kỳ thành viên EU nào cũng có thể ra đi “phù hợp với yêu cầu hiến pháp riêng của nước mình”. Cụm từ này đã làm cho giới luật sư Anh cân nhắc về những gì có liên quan đến tính hợp pháp theo hiến pháp của Anh. Theo một nhóm gồm ba chuyên gia pháp lý thuộc Hiệp hội Luật hiến pháp Anh (CLA), theo hiến pháp của Anh, thủ tướng không thể phát hành một thông báo theo Điều 50 mà không được trao quyền làm như vậy theo quy định của đạo luật của Quốc hội.

Lập luận này dựa trên thực tế, nếu không có sự ủng hộ của Quốc hội, thì bất kỳ thủ tướng nào cũng chỉ có quyền thực hiện những gì được gọi là đặc quyền khi được Quốc hội cho phép. Đây là một tập hợp các quyền hành pháp được Vua Anh quy định từ thời trung cổ. Chúng thường được sử dụng trong lĩnh vực đối ngoại, được Quốc hội trao cho Chính phủ thực hiện.

Liên quan đến việc kéo dài thời gian đàm phán Brexit, nếu thủ tướng áp dụng Điều 50, đặt Anh vào bối cảnh “đường một chiều” ra khỏi EU mà không có sự ủng hộ của Quốc hội, thì đương nhiên bỏ qua Đạo luật Cộng đồng châu Âu 1972 (ECA), trong đó ghi rõ, tư cách thành viên EU của Anh và các hiệp ước EU có hiệu lực theo pháp luật quốc gia. Quy trình Điều 50 Hiệp ước Lisbon cắt ngang đạo luật ECA 1972. Và như vậy, lập luận vẫn tiếp diễn, thủ tướng cần sự ủng hộ của Quốc hội để trao quyền hiến pháp trong việc đàm phán rời EU chứ không tự ý phát hành thông báo Anh rời EU là xong.

Viết trên tờ The Times, luật sư Lord Pannick QC, chuyên gia nổi tiếng trong luật pháp công cho rằng, Quốc hội ban hành luật để cho phép Anh thực hiện Brexit theo Điều 50 là rất quan trọng. Nếu không có luật, thủ tướng không thể đưa ra thông báo rời khỏi EU một cách hợp pháp. Ngược lại, nếu thủ tướng tự ý hành động theo đặc quyền sẽ không tuân thủ quy định trong Điều 50.

Vì vậy, Quốc hội cần vào cuộc để trao quyền cho ông làm điều này. Tuy nhiên, việc này cũng có thể tạo cơ hội mới cho những người ủng hộ ở lại EU (gọi là Remain) thể hiện quan điểm của mình về Brexit. Và về lý thuyết có thể bỏ phiếu theo lương tâm và có thể giúp thủ tướng “đoạn tuyệt” với quy trình nói trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.