Đảng Demosisto đã kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý 10 năm/lần về việc có nên độc lập hoàn toàn với Trung Quốc hay không |
Liệu Hong Kong có nối gót Brexit?
Dù là một phần của Trung Quốc nhưng Hong Kong có riêng hệ thống luật pháp, chính quyền, tiền tệ, cờ và đội tuyển thể thao Olympic riêng. Trước cú sốc Anh trưng cầu dân ý ra khỏi EU và khả năng cao Scotland cũng bỏ phiếu rời khỏi Anh trong tương lai gần, liệu chừng đó có đủ để Hong Kong “liều lĩnh” tách khỏi Trung Quốc? Trước đó, lãnh đạo Hong Kong và Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những lời kêu gọi ly khai khỏi Trung Quốc.
Hong Kong từng là thuộc địa của Anh, năm 1997, chính thức trở thành Đặc khu hành chính của Trung Quốc. Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật pháp cơ bản (hay còn gọi là Hiến pháp mimi của Hong Kong) đảm bảo đặc khu này có quyền “tự trị cao” và hướng tới bầu cử phổ thông đầu phiếu “từ từ, một cách có trật tự”.
Song tiến trình tiến tới phổ thông đầu phiếu rơi vào bế tắc vì chính quyền Hong Kong thông qua cải cách chính trị cho phép người dân tự do bầu Trưởng Đặc khu; nhưng chỉ được bầu chọn những ứng viên do Bắc Kinh lựa chọn và phủ quyết đề xuất bầu cử phổ thông đầu phiếu. Sự bế tắc này đã dấy lên cuộc biểu tình rộng khắp tại Hong Kong, yêu cầu thêm quyền tự trị và độc lập hơn nữa. Họ được gọi là các nhà hoạt động cấp tiến (localist). Chỉ trong năm 2015, đã có 7 đảng “cấp tiến” mới được thành lập.
Hiện Đảng Dân tộc Hong Kong kêu gọi bãi bỏ Luật Cơ bản và Tuyên bố chung Trung - Anh, thành lập một hiến pháp mới. Một số đảng khác ủng hộ kiểu Brexit trong tương lai; chẳng hạn, đảng Demosisto kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý 10 năm/lần về việc có nên độc lập hoàn toàn với Trung Quốc hay không.
Về phần mình, Bắc Kinh phản ứng vô cùng giận dữ trước những lời kêu gọi Hong Kong độc lập. Truyền thông chính thống của Trung Quốc gọi đây là “ảo vọng không thể trở thành hiện thực”. Bởi trên lĩnh vực kinh tế, Hong Kong đang phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc như: Nhập khoảng 80% nước sạch từ Trung Quốc cũng như lượng lớn điện và thực phẩm. Đồng thời, Trung Quốc đại lục cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Hong Kong. Dù Hong Kong có độc lập hoàn toàn với Trung Quốc, cũng không cần thiết phải chấm dứt tất cả quan hệ nhập khẩu từ đại lục; song không có lẽ Trung Quốc lại dễ dàng để Hong Kong ra đi?
Lãnh đạo Đảng Công dân Alan Leong cảnh báo: “Hong Kong có nhiều mối liên hệ với đại lục trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về mặt địa chính trị. Rất nhiều người Hong Kong có gia đình và người thân ở đại lục. Ngoài ra, còn có mối quan hệ thương mại và kinh doanh tại Trung Quốc”. Dù vậy, ông Alan cảnh báo, “nếu Trung Quốc cố tình nhúng tay quá sâu vào chính quyền Hong Kong thì tôi cá với bạn, phong trào đòi độc lập sẽ nở rộ”.
Có kịch bản nào cho ASEAN
Ngoài Hong Kong, nhiều người đặt câu hỏi, liệu có kịch bản X-exit (X là tên nước thành viên) nào cho ASEAN? Câu trả lời là: “Không”. Bởi, trước hết, tất cả các chính phủ thành viên vẫn nhận thấy giá trị của ASEAN.
Theo Diplomat, việc thành lập và duy trì ASEAN sẽ phát triển và duy trì an ninh, hòa bình trong khu vực, mang đến lợi ích cho tất cả các nước thành viên. Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng khó lường, ASEAN sẽ cho phép thành viên sự lựa chọn an toàn - vừa hội nhập ASEAN; nhưng vẫn hòa hảo với Mỹ và Trung Quốc. Các nước nhỏ như Brunei, Lào, Campuchia nhận được quyền lợi thiết thực từ ASEAN, tổ chức luôn tăng cường độc lập và an ninh quốc gia. Là thành viên của ASEAN, họ còn được thế giới công nhận và ủng hộ. Chẳng hạn, tới đây, Lào sẽ lần đầu tiên đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Vientiane để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 9 tới. Còn các thành viên lớn hơn như: Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam được hưởng lợi từ những cơ hội mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại.
Ngoài ra, có vài lý do khác chứng minh X-exit sẽ không bao giờ xuất hiện tại ASEAN. Đầu tiên, không lãnh đạo của bất cứ thành viên nào mơ màng giành lợi thế chính trị từ việc kêu gọi trưng cầu dân ý tư cách thành viên trong ASEAN. Thứ hai, ASEAN và EU khác nhau ở chỗ: Các thỏa thuận của ASEAN không ảnh hưởng ở tầm vi mô tới cuộc sống dân sinh của các nước thành viên. Chẳng hạn, trong EU tồn tại rất nhiều thỏa thuận như thỏa thuận đi lại tự do, dùng chung đồng tiền hay ngôn ngữ... còn ASEAN thì không. Lý do thứ ba, sự khác biệt đáng kể giữa ASEAN và EU là tổ chức này không có cơ quan Trung ương điều hành có thể ra nghị quyết hoặc áp đặt các quy định bắt buộc gây bất tiện cho bất cứ nước nào; trong khi, EU có Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu...
Tại ASEAN, mọi cam kết và thỏa thuận đưa ra đều được dựa trên sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Một lý do quan trọng khác, Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon cho phép khung thời gian 2 năm để mỗi nước thành viên rút khỏi EU. Tại ASEAN, Hiến chương ASEAN không có điều khoản nào cho phép nước thành viên rút khỏi Hiệp hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận