Hải đăng An Bang |
Sóng chồm tới tầng 2 nhà đèn
Những người am hiểu về quần đảo Trường Sa thường nói rằng, so với các hòn đảo khác, An Bang là đảo khắc nghiệt nhất. Hòn đảo này thường hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, ngay cả bình thường, tàu thuyền cũng khó tiếp cận vì sóng lớn, nước chảy xiết… Bởi vậy, trong hành trình tiếp tế các hải đăng, nếu xong được An Bang là coi như hoàn thành một nửa nhiệm vụ.
Vượt gần 400 hải lý (khoảng 740km) từ Vũng Tàu, tàu Hải Đăng 05 đưa chúng tôi đến hải đăng An Bang - hòn đảo cực Nam của quần đảo Trường Sa lúc 5h sáng. Nhìn từ xa, hòn đảo nổi An Bang có hình thù như một con tàu lớn, phía “mũi tàu” là một bãi cát trải dài, nhọn hoắt, chìm dần trong làn nước trong vắt. Dưới cái nắng sớm mai trong trẻo, An Bang đẹp như một thiên đường dù nhìn ở góc nào. Những công nhân đèn biển An Bang kể, cái bãi cát như mũi tàu ấy luôn dịch chuyển, mỗi năm xoay một vòng quanh đảo. Cũng vì thế, An Bang còn có tên gọi khác là đảo “Đồng Hồ”.
Ngoài nét đẹp rất riêng ấy, có ai ngờ rằng, An Bang lại là một trong những đảo khắc nghiệt nhất của quần đảo Trường Sa. Đảo nằm ở khu vực có 2 mùa gió chính là gió Đông Bắc và Tây Nam, thường xuyên bị ảnh hưởng của các cơn bão kéo dài từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. An Bang cũng nằm tại nơi giao nhau của 2 dòng hải lưu nên quanh năm có sóng to, gió lớn…
“Nơi đây luôn là tâm của nhiều trận bão. Vào mùa bão gió, sóng vươn tới tầng 2 của nhà đèn, anh em phải mặc áo mưa chống bão, bảo vệ đèn, bảo vệ thiết bị. Không biết bao nhiêu lần, bão đã đánh tan nát hết vườn rau xanh mà các công nhân nhà đèn mất nhiều tháng ngày khổ công vun trồng, chăm sóc; nhiều trang thiết bị hư hỏng nặng”, anh Lê Việt Hùng (SN 1979, quê Nghệ An) công nhân hải đăng An Bang cho hay.
Là người có thâm niên hơn 11 năm hành hải cùng tàu Hải Đăng 05 đi tiếp tế cho các đèn biển ở Trường Sa, anh Hà Đức Vương, Đại phó tàu Hải Đăng 05 chia sẻ: Sóng gió ở đảo An Bang thường rất lớn. Đã nhiều lần xuồng tiếp tế bị lật khi tiếp cận đảo. Trong hành trình tiếp tế 13 trạm hải đăng ở Trường Sa, khó khăn nhất là tiếp tế An Bang. Đảo này xong là đã hoàn thành một nửa nhiệm vụ. Đã có những lần, tàu đến An Bang nhưng không thể đưa xuồng cập đảo, phải quay về Đá Tây đợi tiếp. Rút kinh nghiệm sau đó, rất nhiều chuyến, để tiếp tế cho An Bang, tàu Hải Đăng 05 phải đậu ở Đá Tây, đợi sau khi liên lạc, có thông tin có thể tiếp cận mới cho tàu đến. Những chuyến tiếp tế ra An Bang cũng thường diễn ra trong chớp nhoáng. Chưa khi nào tàu dừng ở đây lâu bởi sự nguy hiểm từ biển cả luôn rình rập…
Anh Trần Quang Hải (SN 1968, quê Hà Tĩnh), Trạm trưởng Trạm hải đăng An Bang cho hay, mỗi ngày, các công nhân phải bỏ ra nhiều giờ để lau chùi, vệ sinh, tra dầu mỡ vào từng con ốc vít… Những khi rảnh rỗi cùng nhau tăng gia sản xuất, nuôi thêm ít gà, chăm tưới vườn rau.
“Hai cơn bão cuối năm 2017, đặc biệt là cơn bão số 16, sóng biển đã phá tan tành các vườn rau của bộ đội và nhà đèn. Khi đó, chúng tôi chỉ kịp ôm được vài thùng rau muống vào kho để giữ giống. Chờ khi bão tan, anh em phải đào đất lên, đổ nước ngọt rồi phơi để rửa mặn, sau đó ủ với phân vi sinh, phân hữu cơ... Ban đầu, chúng tôi nhân giống mấy thùng rau muống, sau đó gieo trồng thêm rau cải, mồng tơi…”, anh Hải nói. Khi được các anh dẫn đi thăm vườn rau của nhà đèn, nhìn những luống rau xanh tươi mơn mởn, chúng tôi thầm thán phục sự kiên nhẫn, cần cù và sáng tạo của các công nhân ở hải đăng này.
Trong chuyến thăm An Bang, chúng tôi tình cờ gặp và rất ấn tượng với em Lưu Dũng Linh (SN 1992, quê Ninh Bình). Dù tuổi đời còn trẻ nhưng trông em rất rắn rỏi và chững chạc. Linh cho biết, trước khi đến với An Bang, em đã có quãng thời gian 8 tháng “canh đèn” ở hải đăng Song Tử Tây. Khi được hỏi vì sao em chọn nghề làm công nhân hải đăng, Linh hồn nhiên: Em yêu biển, thích không khí trong lành nên xin được đi các đảo! Được đóng góp chút công sức nhỏ bé để duy trì ánh sáng đèn, giúp tàu thuyền định hướng, hành hải an toàn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là niềm hãnh diện của em.
Công nhân Lưu Dũng Linh vệ sinh đèn biển |
Khó khăn chỉ là… chuyện nhỏ!
Những công nhân hải đăng ra thay ca nói rằng, đảo Tiên Nữ là hòn đảo cực Đông của Tổ quốc nên mặt trời ở đây mọc lúc 4h30 mỗi buổi sáng. Trên hành trình đến với đảo này, suốt đêm hôm ấy chúng tôi thao thức, háo hức, mong tàu đi thật nhanh để kịp đón ánh bình minh nơi đây…
Dù chạy hết tốc lực (7 hải lý/h) nhưng phải đến 7h ngày 2/5, Hải Đăng 05 mới tới được đảo Tiên Nữ. Điều đó khiến tôi và nhiều người trong đoàn công tác vô cùng tiếc nuối vì sự chậm chạp của con tàu “già” đã làm lỡ mất cái hẹn cùng ngắm bình minh ở đảo cực Đông. Vì biển ở đây có nhiều rạn san hô nên khi còn cách hải đăng Tiên Nữ khoảng 4 hải lý tàu phải thả neo để dùng xuồng và pông-tông chở đoàn công tác và đồ tiếp tế tới trạm đèn… Anh Trần Văn Ngữ, Trạm trưởng Trạm hải đăng Tiên Nữ điều khiển chiếc xuồng nhỏ chở chúng tôi rẽ làn nước trong mát trong nắng sớm Trường Sa.
Hải đăng An Bang nằm gần đường hàng hải quốc tế tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới. Cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa, đảo An Bang tạo thành lá chắn vòng ngoài, ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù trên biển… Hải đăng Tiên Nữ cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 480 hải lý, tọa lạc trên một vành đai san hô khép kín, có chiều dài khoảng 6,7km, chiều rộng khoảng 3km. Trạm đèn này được xây dựng năm 2000, cao 22,1m, có tầm hiệu lực ánh sáng ban ngày là 14 hải lý, ban đêm là 15 hải lý, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Trường Sa định hướng và xác định vị trí, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. |
Cùng hành trình với chúng tôi có anh Đỗ Văn Lợi (SN 1977, quê Hải Phòng) ra thay Trạm trưởng Ngữ (hết ca). Anh Lợi có thâm niên hơn 10 năm ở Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (BĐATHH) Biển Đông và Hải đảo (thuộc Tổng công ty BĐATHH miền Nam) và đã cắm chốt hết 9 hải đăng trên các đảo ở Trường Sa. Riêng hải đăng Tiên Nữ, đây là lần thứ 2 anh ra nhận nhiệm vụ. Trước đó, năm 2009, anh Lợi đã từng ở đây hơn 10 tháng.
Anh Lợi chia sẻ, trời biển nơi đây thường xuất hiện nhiều điều thú vị lắm. Có những hôm, trời đang nắng chang chang nhưng chỉ trong chốc lát mây đen vần vũ, vòi rồng sà xuống biển “hút nước”. Cũng lại có hôm, nhiều đám mây trắng bay rất gần mặt biển, in hình tương phản. Rồi những hôm thủy triều xuống, những vạt san hô nhoi lên gần mép nước khoe sắc tím, sắc hồng… Những khoảnh khắc như thế, các công nhân canh đèn cứ thơ thẩn ngắm nhìn hàng giờ không chán mắt và vơi đi bao nỗi nhớ nhà. Cũng vì vậy, ngay khi biết tin được công ty cử ra Tiên Nữ, anh Lợi vui mừng lắm!
“Thời kỳ đó, anh em gặp nhiều khó khăn hơn vì mỗi năm tàu tiếp tế chỉ ra 4 chuyến (nay là 7 chuyến). Năm 2009, nhiều cơn bão mạnh tràn qua, rau cỏ chết sạch, hơn 2 tháng ròng anh em không có rau ăn. Thiếu lương thực thì qua nhờ bộ đội. Có những tuần, vì mưa bão, sóng đánh mạnh, các anh em phải núp mình trong nhà đèn ăn đồ hộp, chờ bão tan để đi kiếm con cá, con tôm về cải thiện…”, anh Lợi nhớ lại.
Trạm trưởng Trần Văn Ngữ chia sẻ, dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công tác báo hiệu hàng hải luôn được tất cả 5 công nhân thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội quy, bảo đảm 100% ánh sáng đèn. Ngoài công việc vận hành và bảo dưỡng đèn, các anh còn chăm lo trồng rau, đánh bắt hải sản để cải thiện bữa ăn. “Ở nơi xa xôi này, mọi thứ có thể thiếu nhưng chúng tôi động viên nhau vượt qua tất thảy mọi khó khăn”, anh Ngữ nói.
Anh Ngữ cho biết thêm, hiện nay, trạm được trang bị ti vi, dàn máy karaoke, tủ sách báo, tủ đông để bảo quản thực phẩm… nên đời sống vật chất và tinh thần của các anh em được nâng lên nhiều. Thiếu điện sử dụng, các anh đem tủ đông gửi bên bộ đội, khi nào cần đồ ăn thì qua đó lấy. Khi làm việc với đoàn công tác, Trạm trưởng Ngữ không đề xuất gì cho quyền lợi riêng tư, anh chỉ mong muốn được thay mấy cánh cửa bị mục trước mùa mưa bão, sửa lại cột thu lôi bị hỏng, tu sửa lại mái taluy do sóng đánh khoét “hàm ếch” khiến sân trạm đèn có nguy cơ bị sụp…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận