Khá nhiều phương tiện thủy trên lòng hồ Sơn La hiện do dân tự đóng |
Sau khi thủy điện Sơn La tích nước để phát điện (từ năm 2010), trên thượng lưu thủy điện hình thành lòng hồ chạy dài 175km, từ Sơn La đến Lai Châu và hiện có khu vực nước sâu lên đến hơn 200m. Từ đây cũng mở ra các hoạt động giao thông thủy nội địa phục vụ dân sinh, đánh bắt thủy sản và vận tải trong khu vực.
Tháng 12/2013, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Đề án khai thác vận tải thủy trên tuyến lòng hồ thủy điện này, với phương án đầu tư lắp đặt báo hiệu và khai thác vận tải. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn đầu tư nên từ đó đến nay vẫn chưa công bố tuyến, đầu tư hạ tầng để phát triển giao thông thủy trên tuyến này.
Trong khi đó, các địa phương mong muốn Bộ GTVT sớm đầu tư hạ tầng, công bố tuyến để thúc đẩy đưa vào quản lý khai thác và tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh Sơn La - Điện Biên - Lai Châu.
Một chiếc tàu người dân tự đóng ở ven lòng hồ thuộc thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu |
Trong cuộc làm việc với Sở GTVT các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng sớm công bố tuyến lòng thủy điện Sơn La là tuyến đường thủy nội địa quốc gia là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Vì vậy, Thứ trưởng chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đến giữa năm 2015 hoàn thành việc triển khai hệ thống phao tiêu, báo hiệu đường thủy trên tuyến, với nguồn vốn đầu tư từ nguồn sự nghiệp kinh tế của Cục. Việc triển khai lắp đặt báo hiệu dựa trên bình đồ của khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La, lấy kinh nghiệm từ quá trình tổ chức tuyến giao thông lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Trong thời gian sớm nhất, Vụ Kết cấu hạ tầng, Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đề xuất lộ trình cụ thể để công bố tuyến đường thủy quốc gia sớm nhất.
Bên cạnh đó, một dự án đầu tư được xây dựng, với mục tiêu chậm nhất đến giữa năm 2017 sẽ trở thành tuyến đường thủy quốc gia hoàn chỉnh cả về kết cấu hạ tầng, phương án quản lý hạ tầng, khai thác vận tải…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các Cục quản lý chuyên ngành: ĐTNĐ Việt Nam, Đăng kiểm, Vụ ATGT phối hợp với Sở GTVT 3 địa phương trên đưa ra các phương án, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đào tạo thuyền viên, người lái và đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy cho người dân thuộc vùng dân tộc thiểu số; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình ATGT đường thủy và thiết lập quản lý trên tuyến phù hợp với tình hình thực tế.
Theo lãnh đạo các Sở GTVT Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, giao thông thủy lòng hồ thủy điện Sơn La ngày càng gia tăng, trong đó ước tính Lai Châu có hơn 1.000 phương tiện thủy, Điện Biên có hơn 200 chiếc chưa đăng ký, đăng kiểm; nhiều người lái phương tiện chưa qua học tập bằng, chứng chỉ chuyên môn. Tuy nhiên, đa số người dân có phương tiện rất khó khăn về kinh tế nên rất khó triển khai các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện hay đào tạo. Năm 2014, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã hỗ trợ cho tỉnh Sơn La 400 triệu đồng để mở các lớp đào tạo thuyền viên miễn phí cho người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận