Nhân viên tổ tàu SE8 hỗ trợ tận tình gia đình bà Mùi đưa em trai bị bệnh tâm thần về đến Hà Nội an toàn |
Báo Giao thông vừa nhận được thư của bà Nguyễn Thị Mùi, trú tại thôn Khoai Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội gửi cảm ơn tới tổ tàu SE8 đã tận tình giúp đỡ gia đình bà đưa em trai bà bị tâm thần về đến Hà Nội an toàn.
Bà Mùi cho biết, ngày 22/11/2018, bà cùng con gái và con rể đưa người em trai của bà bị bệnh tâm thần hoang tưởng thể nhẹ lên tàu SE8 từ ga Biên Hòa lúc 6h40 ra ga Hà Nội. Gia đình bà mua vé trọn khoang số 5 toa 7 để tiện chăm sóc người em trai, tránh ảnh hưởng đến hành khách khác.
Tuy nhiên, khi tàu chạy, em trai bà phát bệnh, tưởng tàu đang chạy vào Nam, không phải chạy ra Hà Nội nên vô cùng sợ hãi. Dù được người thân trấn an, giải thích nhưng nỗi sợ mỗi lúc một tăng, dẫn đến la hét, quậy phá. Khi tàu chạy đến ga Bồng Sơn khoảng hơn 20h00, em trai bà quậy phá nhiều quá, sợ ảnh hưởng đến hành khách khác nên gia đình bà quyết định xin tổ tàu cho xuống ga để đi bằng phương tiện khác.
“Nhưng nhờ anh Lâm Trọng Đức, trưởng tàu phân tích và sự giúp đỡ của các anh chị làm việc trên tàu như: anh Lê Đình Tin, chị Ngô Thùy Thạch Thảo động viên, giải thích và nhờ mua thuốc an thần cho em tôi uống, đồng thời xin những hành khách xung quanh thông cảm vì nếu cho chúng tôi xuống tàu giữa lúc tối khuya, em trai tôi lại như vậy không biết hậu quả sẽ ra sao. Sau đó, trên suốt hành trình ra đến ga Hà Nội, các anh chị trên tàu luôn túc trực động viên và xử lý những hành động quậy phá của em trai tôi để đến ga Hà Nội an toàn. Chúng tôi không biết nói gì hơn, xin gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ của các anh chị”, bà Mùi xúc động kể lại.
Bà Mùi cũng gửi lời cảm ơn Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã đào tạo nên những con người có tâm, hết lòng phục vụ và tạo điều kiện cho những trường hợp hành khách như gia đình bà.
Trưởng tàu SE8 Lâm Trọng Đức thường xuyên đi kiểm tra trên tàu để xử lý các tình huống phát sinh cũng như giải quyết kịp thời các trường hợp hành khách cần giúp đỡ |
Chia sẻ với Báo Giao thông về trường hợp gia đình hành khách Nguyễn Thị Mùi trên chuyến tàu hôm đó, trưởng tàu SE8 Lâm Trọng Đức (Đoàn tiếp viên đường sắt phương Nam) cho biết, dù sự việc đã xảy ra gần hai tháng nhưng anh vẫn nhớ như in vì chưa gặp trường hợp hành khách nào lại phát bệnh nặng như vậy. Anh Đức kể, em trai bà Mùi dù khoảng 60 tuổi nhưng lúc phát bệnh rất khỏe, hung hăng, đánh cả người thân đi cùng đến chảy máu, rồi la hét ầm ĩ.
Khi gia đình xin đưa người bệnh xuống ga Bồng Sơn, anh phải phân tích cho thấy như vậy càng nguy hiểm hơn vì khu vực nhà ga này vào tối khuya rất vắng, khó thuê được xe. Còn bắt ô tô khách trong khi tình trạng người bệnh như vậy càng khó hơn. Vì vậy, các nhân viên tổ tàu phải hỗ trợ gia đình khống chế người bệnh. Bản thân anh phải ngồi ngay tại cửa khoang để trấn an, canh chừng người bệnh trong khi nhiệm vụ của người trưởng tàu rất bận rộn. Đồng thời anh liên hệ với nhân viên bảo vệ ga Đà Nẵng nhờ mua thuốc an thần để khi tàu đến ga Đà Nẵng có thuốc cho người bệnh uống.
“Tàu về ga, tôi và anh em tổ tàu đưa gia đình ra tận xe cho an toàn mới yên tâm”, anh Đức kể lại và bảo, biết là giữ hành khách như vậy trên tàu sẽ rất phiền phức, nhưng giúp được hành khách nào là tổ tàu hết lòng, không nề hà chi.
Anh Đức cho biết, đây không phải trường hợp duy nhất trong những năm đi tàu anh gặp phải. Không ít hành khách bị tâm thần, hoang tưởng nhẹ, có người ăn mặc rất lịch sự, mua vé cả khoang 4 giường nhưng vẫn có những hành vi kì lạ, ảnh hưởng đến hành khách khác, có người đòi nhảy tàu… Đa số hành khách này đi một mình. Vì thế, nhân viên tổ tàu phải dùng mọi biện pháp, từ mềm dẻo thuyết phục đến khống chế, đưa người bệnh về toa bưu vụ canh chừng và khi tàu đến ga đủ điều kiện thì bàn giao để nhà ga xử lý.
Khi được hỏi về bức thư cảm ơn của bà Mùi dành cho nhân viên tổ tàu hôm đó, anh Đức chia sẻ đó là món quà đặc biệt, là sự động viên to lớn dành cho nhân viên tổ tàu SE8 nói riêng và ngành đường sắt nói chung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận